Đường sắt 'cải tổ' mô hình quản lý an toàn

Tới đây, nên nghiên cứu đưa bộ phận tuần, gác và bảo đảm ATGT đường sắt về các chi nhánh khai thác...

Đường ngang có gác chắn tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, đường Giải Phóng, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Đường ngang có gác chắn tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, đường Giải Phóng, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất nhiều cơ chế quản lý đối với các đơn vị thực hiện công tác ATGT nhằm đổi mới mô hình quản lý ATGT đường sắt, siết kỉ luật kỉ cương và trách nhiệm người đứng đầu sau nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Mô hình còn bất cập?

Liên tiếp những vụ TNGT, sự cố ATGT đường sắt nghiêm trọng xảy ra gần đây, trong đó có 4 vụ do chủ quan khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Phải chăng công tác quản lý ATGT đường sắt của Tổng công ty Đường sắt VN có vấn đề?

Một cán bộ làm công tác ATGT đường sắt (đề nghị giấu tên) cho biết, trước khi tiến hành tái cơ cấu, Tổng công ty (TCT) Đường sắt VN có hệ thống quản lý, giám sát ATGT đường sắt từ TCT đến các khu vực. Ở cấp TCT là Ban ATGT đường sắt, ở các khu vực là các phân ban. Sau này còn thành lập Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt, phụ trách cả công tác ATGT đường sắt, phân cấp có các trung tâm khu vực. Ở các trung tâm khu vực đều có cán bộ chuyên trách công tác an toàn ở tất cả các hệ: Vận tải, đầu máy, toa xe, cầu đường, thông tin tín hiệu nên chuyên môn sâu, kinh nghiệm. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên hơn, phát hiện vi phạm hay những vấn đề cần chấn chỉnh cũng dễ hơn.

"Tới đây, nên nghiên cứu đưa bộ phận tuần, gác và bảo đảm ATGT đường sắt về các chi nhánh khai thác trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để trực tiếp quản lý, sử dụng”.

Ông Vũ Quang Khôi
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam

“Sau tái cơ cấu, Trung tâm phụ trách an toàn chấm dứt hoạt động, thành lập lại Ban ATGT đường sắt nhưng không còn các phân ban khu vực mà đưa công tác an toàn về các đơn vị. Trong đó, Chi nhánh khai thác đường sắt (quản lý các ga) được coi là cánh tay nối dài của TCT tại các khu vực nhưng lại không có đủ cán bộ có năng lực chuyên môn ở các hệ. Mặt khác, từ năm 2016, các công ty cổ phần vận tải, bảo trì đường sắt đi vào hoạt động, chi nhánh khai thác đường sắt thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATGT đường sắt đối với các doanh nghiệp này gặp khó khăn vì chỉ ngang cấp, hiệu lực kiểm tra không cao”, vị cán bộ này nói.

Liên quan đến các mô hình nói trên, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho rằng, trước năm 1990, nhân viên gác đường ngang giao cho các Hạt vận chuyển đường sắt (nay là các Chi nhánh khai thác đường sắt quản lý). “Việc thực hiện mô hình này đảm bảo nguyên tắc chỉ huy chạy tàu tập trung thống nhất giữa trực ban chạy tàu ga với nhân viên gác đường ngang trong cùng một đơn vị, đồng thời thuận lợi cho công tác kiểm tra của các trưởng ga khi được giao quản lý các nhân viên gác đường ngang. Hiện nay giao nhiệm vụ này cho doanh nghiệp cổ phần phụ trách dễ dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, giám sát do đây là việc không sinh lời”, ông Khôi phân tích.

Nhà nước giữ vai trò kiểm soát công tác ATGT

Liên quan đến mô hình quản lý công tác ATGT, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, khi xây dựng đề án tái cơ cấu lần 2, TCT đã đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức và tỷ lệ vốn góp của TCT nắm giữ mức cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt như hiện nay. TCT cũng tiếp tục duy trì tỉ lệ vốn góp trên 51% tại 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp của TCT tại các công ty này lên 75% hoặc 100% nếu có đủ điều kiện.

Lý giải cho đề xuất trên, ông Minh cho hay, hiện nay, các công ty cổ phần bảo trì đường sắt được giao quản lý lao động tuần, gác với hơn 4.400 lao động làm nhiệm vụ tuần cầu, tuần đường, gác đường ngang để thực hiện nhiệm vụ do Tổng công ty đặt hàng. Lực lượng này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT đường sắt, được hưởng lương và các chế độ theo thời gian ban kíp, trách nhiệm lớn nhưng không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do vậy, giai đoạn hiện nay, nếu thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các công ty này xuống dưới mức chi phối nhỏ hơn 51% vốn điều lệ hoặc thoái hết vốn sẽ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư mới có thể không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT đường sắt. Còn nếu thiết lập bộ máy để thực hiện nhiệm vụ tuần cầu, tuần đường, gác chắn đường ngang đảm bảo ATGT đường sắt sẽ phức tạp và tốn kém rất nhiều đến kinh phí của Ngân sách Nhà nước.

Còn hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đặc biệt quan trọng đối với công tác điều hành chạy tàu, đảm bảo an ninh, an toàn cho việc vận hành các đoàn tàu; mọi sai lệch của hệ thống đều có nguy cơ gây thảm họa đâm va giữa các đoàn tàu. “Nếu thực hiện như đề xuất trên sẽ đảm bảo vai trò kiểm soát đặc biệt của Nhà nước với hệ thống này thông qua hoạt động điều hành tập trung thống nhất của công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt VN”, ông Minh nói.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - ATGT đường sắt TCT Đường sắt VN cho biết, sau khi tái cơ cấu, với sự ra đời của hàng loạt công ty cổ phần vận tải, bảo trì đường sắt, việc thực hiện trách nhiệm giữa TCT và các doanh nghiệp cổ phần thông qua các hợp đồng. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân chưa được cụ thể. Vì vậy, cuối tháng 6 vừa qua, TCT Đường sắt VN đã ban hành Quy chế quản lý công tác ATGT đường sắt. Tiếp đó, giữa tháng 7, TCT cũng ban hành Quy định công tác kiểm tra đảm bảo ATGT đường sắt mới để phù hợp với các nghị định, thông tư thực hiện Luật Đường sắt 2017, mặt khác phân định rõ, chi tiết hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị.

Thanh Thúy

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/duong-sat-cai-to-mo-hinh-quan-ly-an-toan-d267101.html