Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ an toàn!
Do thiếu chứng chỉ an toàn nên chưa đủ cơ sở để Tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm.
Báo cáo Quốc hội về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ cho biết dự án hiện đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng (gồm 13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh).
Ngoài 13 đoàn tàu chuẩn B1 đã được vận chuyển về Việt Nam, việc nhập khẩu vật tư, thiết bị đang được Tổng thầu tiếp tục thực hiện. Tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 99%, thi công lắp đặt thiết bị đạt khoảng 97%.
Các công việc còn lại là thi công biển báo chỉ dẫn, thiết bị công nghệ khu Depot; khắc phục tồn tại và sửa chữa khiếm khuyết các chuyên ngành thông tin, AFC, cấp điện.
Công tác đào tạo để vận hành đoàn tàu cũng đang được triển khai, cụ thể đã hoàn thành và cấp chứng chỉ cho 201/201 người được đào tạo tại Trung Quốc. Đồng thời hoàn thành tuyển dụng và đào tạo lý thuyết 450/450 nhân sự vận hành, khai thác dự án tại Việt Nam.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt là 8.769,965 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), gồm vốn vay tín dụng ưu đãi là 1,2 tỷ NDT (tương đương 169 triệu USD), lãi suất 3%/năm, các khoản phí và bảo hiểm, thời hạn vay 15 năm (5 năm ân hạn).
Vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD, lãi suất 4%/năm, các khoản phí và bảo hiểm, thời hạn vay 15 năm (5 năm ân hạn) và vốn đối ứng của Chính phủ là 133,86 triệu USD.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tổng mức đầu tư của dự án sau đó được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh lên 18.001,597 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Trong tổng mức đầu tư trên, phần vốn vay của Trung Quốc là 13.867,198 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), tăng 7.220,601 tỷ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).
Theo Bộ GTVT, hiện Tổng thầu đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án dự kiến vào ngày 31- 12-2019. Tuy nhiên, do tiến độ Tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc nên mốc thời gian nêu trên là khó khả thi.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án.
Tồn tại, vướng mắc chủ yếu của dự án hiện nay, theo Chính phủ, là Tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa dự án vào vận hành khai thác.
Cụ thể, qua đánh giá ban đầu của Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (đơn vị tư vấn của Pháp: Liên danh Apave - Certifer - Tricc), Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất.
Điều này khiến Tư vấn độc lập chưa đủ cơ sở để hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm.
“Nếu không giải quyết triệt để, có khả năng phải kéo dài thời gian khắc phục và hoàn chỉnh đánh giá để nghiệm thu đưa vào khai thác” – báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Cũng do chưa đánh giá an toàn của đoàn tàu và một số khiếm khuyết của hệ thống tín hiệu điều khiển, quản lý an toàn vận hành, đồng thời, do Tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn nên Tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.
Ngoài ra, quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Do đó, nếu không hoàn thành đánh giá Hệ thống đảm bảo an toàn sẽ khó có thể nghiệm thu đưa vào khai thác.
Trong khi đó, vẫn tồn tại một số vấn đề có thể tiếp tục phải xử lý, khắc phục trong thời gian bảo hành công trình. Cụ thể, sau khi Dự án được đưa vào khai thác, Tổng thầu còn có trách nhiệm chỉnh sửa hoàn thiện mỹ quan, hoàn thành hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu của phần xây dựng.
Việc mua sắm, đưa về công trường các phương tiện phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng, cứu hộ (xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng), lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu, thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển (biển báo chỉ dẫn nhà ga, máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, máy chủ bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu) cũng thuộc trách nhiệm của Tổng thầu.
Để tháo gỡ những khó khăn cho Dự án, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi, làm việc với Lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với Tham tán thương mại đại sứ quán Trung Quốc; đồng thời, định kỳ 2 tuần làm việc với Tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.
Đối với các tồn tại còn lại, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo Tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết theo hướng cấp chứng nhận kiểm định tạm thời của đoàn tàu (có thời hạn) và sẽ cấp chính thức khi các đoàn tàu vận hành đồng bộ và được Tư vấn độc lập cấp chứng nhận an toàn hệ thống.
Bộ cũng đề nghị Tư vấn độc lập rà soát phương thức đánh giá an toàn hệ thống để xem xét cấp tạm thời làm cơ sở vận hành thử và đưa vào khai thác.