Đường sắt đề xuất 50 tỷ đầu tư kết nối vận tải hành khách đa phương thức
Đường sắt đề xuất 50 tỷ đầu tư kết nối vận tải hành khách đa phương thức và đa dạng hóa dịch vụ du lịch...
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng Đề án Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch nhằm tăng thị phần vận tải hành khách đường sắt.
Đóng góp vào đề án này, Tổng công ty Đường sắt VN đã đề xuất giải pháp đầu tư kết nối vận tải đa phương thức và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hành khách đi du lịch.
Mục tiêu của việc này nhằm kết nối phương tiện vận tải đường sắt với các loại hình phương tiện vận tải khác như đường bộ, hàng không tại nhà ga có lưu lượng vận chuyển hành khách lớn và có tiềm năng trong việc phát triển vận tải du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách đi du lịch bằng đường sắt có thể nhanh chóng di chuyển từ nhà ga tới các địa điểm du lịch và ngược lại.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất đầu tư từ 30 - 50 tỷ đồng cho giai đoạn 2020-2025, sử dụng các nguồn vốn tự có của Tổng công ty Đường sắt VN, nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, địa phương có kết nối với đường sắt.
Về quy mô, đường sắt sẽ tập trung vào việc nâng cấp và mở rộng quảng trường, sân ga, hành khách tại các nhà ga trọng điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải khác ra vào đón tiễn hành khách như: taxi, xe buýt, xe hợp đồng dịch vụ…
Cụ thể, các tuyến tập trung ưu tiên bao gồm: Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Hà Nội - Hải Phòng; Yên Viên - Lào Cai. Cùng đó, kết nối phương tiện vận tải với các phương tiện khác tại 24 ga hành khách trọng điểm gồm: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Lăng Cô, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Phan Thiết, Nha Trang, Sài Gòn, Hải Phòng, Yên Bái, Bảo Hà, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Lệ, Lạng Sơn, Đồng Đăng.
Đồng thời, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ đầu tư phát triển các loại dịch vụ kết nối qua các ứng dụng phục vụ hành khách du lịch như: Kết nối dịch vụ đặt xe trực tuyến với các hãng taxi; Kết nối dịch vụ đặt xe với các hãng công nghệ như: ứng dụng Grap, ứng dụng Be, ứng dụng GoViet, ứng dụng FastGo; Tăng cường kết nối với các website du lịch, website đặt phòng khách sạn; website của các hãng vận chuyển. Qua đó, cho phép hành khách khi mua vé trên website của Tổng công ty Đường sắt VN và các công ty cổ phần Vận tải đường sắt có thể trực tiếp đặt tour, phòng khách sạn, đặt xe để di chuyển từ nhà ga tới nơi nghỉ dưỡng và ngược lại.
Ngoài ra, thực hiện kết nối đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Kết nối đường sắt quốc gia với các sân bay lớn tại các thành phố trọng điểm về du lịch để phục vụ hành khách chuyển tiếp hành khách.