Đường 'sống' khi nhà ống bị khói lửa bao trùm
Để giảm thiểu thiệt hại từ những vụ cháy nhà ống, người dân cần trang bị dụng cụ, thiết bị cảnh báo và biết cách chữa cháy ban đầu, mở lối thoát nạn thứ 2, tháo bỏ lồng sắt tại các ban công.
XEM CLIP: (Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây, khoảng 18h22 ngày 16/6, vụ cháy xảy ra tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm 4 người tử vong.
Cụ thể, đám cháy bùng phát tại tầng 4 của ngôi nhà cao 6 tầng, 1 tum. Đây là nhà ở kết hợp kinh doanh, tại tầng 1 - 3 có chứa nhiều loại hàng hóa như sơn, đồ điện, vật liệu xây dựng... còn tầng 4 trở lên dùng để ở.
Sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 12 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.
Gần 2 giờ nỗ lực chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, hậu quả vẫn làm 4 người tử vong trong đám cháy này.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại số nhà 43, đường Hoàng Hoa Thám (phường Đa Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng xảy ra vụ cháy khiến 3 người tử vong.
Công an tỉnh Bắc Giang đã huy động 5 xe chữa cháy cùng 40 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Khoảng 15 phút sau, đám cháy được khống chế và được dập tắt hoàn toàn.
Vụ cháy khiến 3 người tử vong; nhiều đồ đạc sinh hoạt của gia đình tại tầng 1 của ngôi nhà bị thiêu rụi.
Điểm chung của hai vụ cháy trên là đều xảy ra tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, được thiết kế dạng nhà ống. Trong các nhà này thường có rất nhiều hàng hóa, vật dụng… được sắp xếp ở nhiều nơi. Khi xảy ra sự cố ngọn lửa sẽ lan nhanh vào vật liệu, vật dụng dễ cháy.
Nhiều trường hợp hàng hóa được để tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn... dẫn đến khi xảy ra sự cố, người bị nạn gặp khó khăn trong việc vượt qua khu vực nguy hiểm để tới nơi an toàn.
Thêm vào đó, các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của ngôi nhà dạng ống còn bị bịt kín bởi "chuồng cọp" hoặc kính… Khi có cháy xảy ra, cầu thang bộ trở thành một ống khói, nạn nhân khi ra khỏi phòng lập tức sẽ hít phải khói độc, rất khó thoát nạn.
Làm gì khi nhà ống bị khói lửa bao trùm?
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), khi phát hiện cháy nhà, người dân cần bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài.
Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm, người dân cần tìm lối thoát khác như qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, tìm lối thoát lên mái.
Đặc biệt, khi cháy, người dân tuyệt đối không được núp trong phòng hoặc nhà vệ sinh.
"Nếu buộc phải băng qua lửa, người dân hãy dùng chăn ướt quấn quanh người để thoát ra ngoài. Nếu phải băng qua khói, người dân hãy dùng khăn ướt che kín miệng mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường rồi tới lối thoát an toàn", đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo bình chữa cháy, kể cả trẻ em.
Nếu có điều kiện, người dân nên trang bị hệ thống báo cháy, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà. Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ (xăng, dầu,…) trong nhà.
"Các đồ đạc, vật dụng trong nhà phải được bố trí một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn", đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/duong-song-khi-nha-ong-bi-khoi-lua-bao-trum-2292391.html