Đường thăng tiến của nữ Phó tổng thống Mỹ đắc cử
Sự nghiệp chính trị của Kamala Harris, ứng viên Phó tổng thống của đảng Dân chủ, cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi với cả những người ủng hộ bà.
Những ngày vừa qua, cư dân ở Berkeley xôn xao khi trang nhất những tờ báo lớn đồng loạt đưa tin bà Kamala Harris, người từng sống tại thành phố của họ, trở thành chiến hữu đồng hành với cựu Phó tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Những người đồng hương tự hào về bà và cho rằng Kamala Harris sẽ trở thành một Phó tổng thống tốt. Không chỉ Berkeley, mà toàn bộ bang California và cả nước Mỹ đều xôn xao về bà. Kamala Harris là ai, liệu bà có đại diện cho tương lai của đảng Dân chủ, có khả năng cùng chèo lái siêu cường số một thế giới nếu đắc cử hay không?
Kamala Harris sinh năm 1962 tại Oakland, thành phố láng giềng với Berkeley, và là con gái đầu trong một gia đình nhập cư vào Mỹ. Cha của bà, ông Donald Harris, là một nhà kinh tế học từ Jamaica, trong khi mẹ của bà là Shyamala Gopalan, một người phụ nữ đến từ miền nam Ấn Độ và sau này trở thành một nhà nghiên cứu về ung thư vú.
Ấn tượng tích cực
Sinh trưởng trong một gia đình dân nhập cư với lai lịch “không tỳ vết” là một phần giúp Kamala Harris “ghi điểm” đối với đông đảo người dân Mỹ. Hơn thế nữa, trong bối cảnh xã hội Mỹ đang chia rẽ sâu sắc do nạn phân biệt chủng tộc, để một người phụ nữ da màu gỡ bỏ những mâu thuẫn dai dẳng trên sẽ để lại ấn tượng tích cực đối với nhiều người.
Catherine Flowers, một nhà hoạt động công lý và môi trường hàng đầu từ bang Alabama, nhận định rằng, điều này dù không thể xoa dịu vết thương trong quá khứ, nhưng sẽ mang lại hy vọng về tương lai đối với người dân Mỹ. Phụ nữ da màu đã đứng lên tổ chức các phong trào dân quyền và nắm các vị trí lãnh đạo trong đảng Dân chủ suốt nhiều thập kỷ, nhưng công lao của họ hiếm khi được nhìn nhận một cách xứng đáng.
Trong lần đầu xuất hiện với vai trò mới cùng cựu Phó tổng thống Joe Biden hôm 12/8, Kamala Harris cho biết mình đã thấm nhuần tư tưởng chính trị từ rất sớm. Khi còn nằm trong nôi, bà đã được cùng cha mẹ tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam ở Berkeley. Khi mới 7 tuổi, cha mẹ ly hôn, và hai chị em bà sống với mẹ, người đã rèn luyện chí tiến thủ và hun đúc cho những đứa con niềm tự hào về gốc gác Nam Á của mình.
Trong cuốn tự truyện mang tên The Truths We Hold (tạm dịch: Sự thật chúng tôi còn gìn giữ), Kamala Harris đã mô tả cách bà Shyamala nhận thấy các con gái của mình bị đối xử như những người da màu khác ở Mỹ, nên đã quyết tâm rèn rũa các con mình trở thành những phụ nữ tự tin, kiêu hãnh.
Kamala Harris sau đó đã theo học tại Đại học Howard, ngôi trường nổi tiếng dành riêng cho sinh viên da màu tại thủ đô Washington DC. “Chúng tôi đều là những người trẻ, giỏi giang và là người da màu. Chúng tôi sẽ không để bất cứ điều gì cản trở thành công của mình ”, bà viết trong cuốn tự truyện.
Bên cạnh việc nhấn mạnh những điểm đặc biệt về thân thế, cuốn tự truyện của Kamala Harris còn dành nhiều trang viết về chồng bà, luật sư Doug Emhoff sống tại Los Angeles. Hai người đã kết hôn vào năm 2014 và ở cùng với 2 con riêng của ông Emhoff.
Bà tự miêu tả mình là một người coi trọng gia đình, thường nấu bữa tối vào mỗi Chủ nhật, hay chơi thể thao với 2 đứa con và thường được chúng gọi bằng biệt danh “Momala”. “Tôi đã có rất nhiều danh hiệu trong sự nghiệp của mình, và chắc chắn danh hiệu ‘Phó tổng thống’ sẽ rất tuyệt vời, nhưng ‘Momala’ sẽ luôn là danh hiệu có ý nghĩa nhất,” Kamala Harris nói trong cuộc phỏng vấn với Guardian hôm 12.8.
Ngoài trừ Tổng thống Trump, hầu hết các chính trị gia đầy tham vọng tại Mỹ đều muốn làm nổi bật thông tin gia đình của mình. Đối với Kamala Harris, điều này còn có ý nghĩa xây dựng trọn vẹn hình ảnh của bà trước công chúng, nhất là trong bối cảnh bà vẫn phải đối mặt với những lời đàm tiếu, thị phi về tham vọng và sự cứng rắn của mình.
Những góc khuất
Khả năng “mổ xẻ” đối thủ mà bà học hỏi được khi còn làm công tố viên hạt Alameda, rồi sau này là Tổng chưởng lý bang California từ 2011 - 2017, đã góp phần làm nổi tên tuổi của Kamala Harris. Bà đã khiến Jeff Sessions, Tổng chưởng lý đầu tiên được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Trump, phải đứng ngồi không yên vào năm 2017, và khiến luật sư Brett Kavanaugh gặp nhiều khó khăn trong quá trình được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ một năm sau đó.
Phẩm chất của bà còn được thể hiện qua câu khẳng định "cô bé đó chính là tôi" với ứng cử viên Joe Biden tại cuộc tranh luận thứ 2 của đảng Dân chủ vào năm ngoái, khi chỉ trích ông đã phản đối các sửa đổi đối với hệ thống xe bus liên bang.
Kỹ năng tranh luận trực diện tay đôi của Kamala Harris được cho là một lợi thế lớn của bà trước Phó tổng thống đương nhiệm Mike Pence trong cuộc tranh luận trên truyền hình vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, Guardian nhận định những góc khuất trong giai đoạn làm công tố viên của Kamala Harris sẽ là rào cản lớn đối với các cử tri cấp tiến. Để cố gắng biện minh điều này, bà thường nói sẽ cam kết đảm bảo công lý cho tất cả mọi người, qua việc ủng hộ những công tố viên dũng cảm đã truy lùng các phần tử Ku Klux Klan ở phía Nam, hay những người đã điều tra các chính trị gia tham nhũng và những tập đoàn gây ô nhiễm môi trường.
Song, điều đó vẫn không thể giúp bà tránh khỏi những chỉ trích về một số lập trường gây tranh cãi trong vai trò công tố viên.
Kamala Harris bị cho là không biết sử dụng quyền tố tụng của mình để đảm bảo trách nhiệm trước pháp luật đối với những cảnh sát từng nổ súng giết người da màu, thậm chí một số trường hợp còn không can thiệp hay phản đối các động thái yêu cầu văn phòng của bà phải điều tra tất cả các vụ bắn chết người của cảnh sát.
Nhiều nghi vấn khác cũng đã được đặt ra về lý do Kamala Harris ngăn chặn việc thả tự do cho Daniel Larsen, một tù nhân vốn được tòa tuyên án vô tội, nhưng vẫn phải ngồi tù do bỏ lỡ thời hạn nộp đơn xin đình chỉ lệnh giam giữ.
Còn trong giai đoạn làm Tổng chưởng lý bang California, Kamala Harris đã phản đối việc hợp pháp hóa cần sa, và tài trợ một dự luật đe dọa bỏ tù các bậc phụ huynh nếu họ cho phép con cái trốn tiết học ở trường, một hình phạt bị cho là quá hà khắc.
Tất cả những điều đó trên đã tạo nên mâu thuẫn trong quan điểm của những phụ nữ da màu cấp tiến trước sự thăng tiến vượt bậc của Kamala Harris. Rachel Carmona, Giám đốc điều hành phong trào biểu tình Women’s March, một người Mỹ gốc Mexico, dù ủng hộ việc lựa chọn Kamala Harris vào vị trí Phó tổng Thống, và cho rằng đây là một quyết định mang lịch sử và mang tính dài hạn.
Nhưng với bà, điều đó vẫn là chưa đủ, cả bà Harris và ông Biden cần phải sẵn sàng cho việc thúc đẩy một chương trình nghị sự tiến bộ về công lý và quyền bình đẳng ngay từ những ngày đầu tiên.
Bên cạnh sức ép phải tăng cường sự thay đổi từ chính những người ủng hộ, Kamala Harris còn vấp phải sự công kích từ phe Cộng hòa.
Tổng thống Donald Trump và các cộng sự của mình đã không phải tốn nhiều thời gian để công kích ứng cử viên Phó tổng thống của đảng Dân Chủ. Giống như những “thuyết âm mưu” về quốc tịch thật sự của cựu Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Trump cũng đặt vấn đề tương tự với bà Kamala Harris, khi cho rằng bà không đủ điều kiện cho chức vụ cao thứ 2 nước Mỹ, vì có cha mẹ là người nhập cư.
Các nhà bình luận thân đảng Cộng hòa cũng cố gắng tìm ra “gót chân A-sin” của Kamala Harris bằng việc công kích tính cách của bà. Thậm chí, một số cộng tác viên của Fox News đã cố tình phát âm sai tên bà và chế giễu bà ấy là người hay tức giận, nôn nóng và “sắt đá”.
Kamala Harris cho biết, bà chịu ảnh hưởng rất lớn từ mẹ mình, người từng bị châm chọc vì chất giọng Ấn Độ đặc sệt, nhưng vẫn trở thành nữ giáo sư khoa học da màu hàng đầu của Mỹ. Bà cũng cho biết, một trong những câu châm ngôn ưa thích của mình là: “Đừng để ai nói cho bạn biết bạn là ai, bạn hãy nói điều này với họ”.