Đường thủy nội địa cần chế tài mạnh như Nghị định 100 để răn đe vi phạm
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa tại Cần Thơ.
Quang cảnh hội nghị
Ngày 16/4, tại Cần Thơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa, nâng cao năng lực quản lý và bảo đảm ATGT đường thủy cho các Sở GTVT, Ban ATGT, Cảng vụ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa...
Hội nghị tập trung giới thiệu một số nội dung chính trong các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa mới ban hành, trong đó tập trung vào công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hoạt động, cảng bến thủy nội địa, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa;
Tăng cường TTKS, xử lý các vi phạm giao thông đường thủy nội địa; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa việt Nam; các giải pháp bảo đảm ATGT, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TP. Cần Thơ kiểm tra đảm bảo trật tự ATGT đường thủy.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng ATGT vẫn luôn là yêu cầu ưu tiên hàng đầu trong đời sống của nhân dân và hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, những năm qua các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, TTKS, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa nhưng vẫn có những diễn biến phức tạp tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.
Người tham gia giao thông đường thủy không chấp hành việc mặc áo phao, chở hàng vượt mớn nước an toàn, chở quá số người quy định,…thậm chí còn tồn tại cảng, bến không có giấy phép hoạt động.
Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
“Chúng tôi mong rằng qua hội nghị này, nhận thức và trình độ của cán bộ đang làm công tác quản lý đường thủy nội địa, đăng kiểm, lực lượng thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp vận tải thủy được nâng cao", ông Phan Văn Duy nói.
Các đại biểu cho rằng thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT đang được các các ngành có liên quan, các địa phương triển khai quyết liệt. Trong vùng nước quản lý của một số đơn vị nhiều năm liền không xảy ra TNGT đường thủy.
Bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, mức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy vẫn chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang cho rằng, công tác quản lý đường thủy gặp rất nhiều khó khăn. Về đường bộ, Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ra đời đã có sự tác động rất lớn đối với đời sống xã hội.
“Tôi hi vọng rằng đường thủy cũng thế. Ở đây Vụ ATGT thuộc Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thuộc Bộ GTVT là cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT xây dựng nghị định, làm sao có nghị định thay thế Nghị định 132.
Nếu Nghị định 132 mà hoàn thiện, đầy đủ như Nghị định 100 thì sắp tới tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa sẽ khả quan hơn”, ông Lê Việt Cường đề xuất.
Đối với ý kiến từ phía địa phương, ông Phan Văn Duy cho biết sẽ tổng hợp và có văn bản trả lời cụ thể.
Cạnh đó, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa đề nghị ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy.
Tại hội nghị, Cục Đường thủy nội địa đã trao tặng 600 áo phao, dụng cụ nổi cầm tay cho Ban ATGT Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và TP. Cần Thơ.