Dương Thúy Vi và duyên mở vàng cho thể thao Việt Nam
Ngay trong buổi sáng thi đấu chính thức đầu tiên của SEA Games 31, Dương Thúy Vi đã giành HCV wushu nội dung kiếm thuật nữ.
10h ngày 13/5 tại nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội, cô gái vàng Dương Thúy Vi đã về nhất ở chung kết kiếm thuật nữ với số điểm 9,7, hơn đối thủ Nandhira Mauriskha của Indonesia 0,03 điểm, qua đó giành HCV thứ 12 cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
Lúc này, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 12 HCV ở kỳ đại hội trên sân nhà, nhưng tấm HCV của Thúy Vi còn có thêm ý nghĩa khác khi là tấm HCV trong ngày thi đấu chính thức đầu tiên.
Duyên mở hàng huy chương vàng
Người hâm mộ hẳn vẫn nhớ những lần Thúy Vi giải "cơn khát vàng" cho Đoàn Thể thao Việt Nam, không phải một mà 3 lần. Thúy Vi mang về HCV đầu tiên cho Việt Nam ở nội dung thương thuật tại SEA Games 2013. Tới Asian Games 2014, cô tiếp tục "mở hàng" với HCV nội dung biểu diễn thương thuật và kiếm thuật. Đó cũng là tấm HCV duy nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam ở Incheon năm ấy.
Tại SEA Games 2017, Thúy Vi một lần nữa giải "cơn khát vàng". Tấm HCV của Thúy Vi đến ở lúc quan trọng, bởi trong 2 ngày thi trước đó, các vận động viên Việt Nam thất bại ở bắn cung và marathon nữ. Thể thao Việt Nam là một trong 5 đoàn chưa có HCV, vì vậy kỳ vọng và áp lực ở Thúy Vi là rất lớn.
Tuy vậy, "cô gái vàng" của wushu Việt Nam đã có màn trình diễn đẳng cấp để dẫn đầu chung kết kiếm thuật với số điểm 9,67, xếp trên vận động viên chủ nhà Malaysia với khoảng cách 0,04 điểm.
SEA Games 2019, Thúy Vi không tham góp mặt vì chủ nhà Philippines cắt giảm đa số nội dung taolu (biểu diễn) của môn wushu. Và trong lần trở lại kỳ đại hội được tổ chức trên sân nhà, cô gái 29 tuổi vẫn thể hiện được đẳng cấp của nhà vô địch, giành tấm HCV ngay sau ngày khai mạc SEA Games 31.
"SEA Games 31 chắc chắn ý nghĩa hơn cả đối với tôi, bởi không phải vận động viên nào cũng có thể đợi để thi đấu ở một kỳ SEA Games trên sân nhà. Mục tiêu của tôi là giành HCV nhưng lần này sẽ khác hơn những lần trước đây", Thúy Vi chia sẻ trong buổi lễ xuất quân của đoàn Việt Nam cuối tháng 4.
Wushu đã ăn vào máu
Cùng với đàn chị Nguyễn Thúy Hiền, Dương Thúy Vi là một trong những vận động viên wushu thành công nhất lịch sử Việt Nam với 2 lần vô địch thế giới, 1 HCV Asian Games cùng 5 HCV SEA Games, tính tới lúc này.
Thúy Vi bắt đầu tập luyện wushu từ năm 7 tuổi, bởi gia đình đều có truyền thống võ thuật với bố là võ sư Thiếu Lâm Dương Văn Thắng, mẹ Nguyễn Thị Hoa theo tập Vịnh Xuân Quyền. Thành tích sớm đến với Thúy Vi nhưng đi liền với đó là những chấn thương.
Tại Asian Games 2014 nơi Thúy Vi giành HCV duy nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam, cô đã nén đau để tập luyện và thi đấu. "Nén đau thi đấu chỉ là tiếng nói nhỏ cho nỗi niềm của nhiều VĐV thể thao mà thôi. Thậm chí, đến bây giờ, khi thi đấu SEA Games cũng có những chấn thương dai dẳng đeo bám tôi. Nhưng dần rồi quen và mình tìm cách sống chung với lũ", Thúy Vi từng chia sẻ.
Các bác sĩ từng khuyên Thúy Vi ngừng tập luyện và thi đấu mới có thể bình phục hoàn toàn chấn thương, song cô không nghe lời. Quyết tâm đó giúp cô mở hàng HCV cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 2017.
Thúy Vi cho biết cả đời sẽ gắn bó với wushu, bởi môn thể thao này đã mang lại cho cô nhiều thành công, giúp tên tuổi của cô được nhiều người biết đến. "Sau này, nếu không thi đấu nữa, tôi sẽ làm công tác huấn luyện, cố gắng học hỏi nâng cao trình độ để góp phần đào tạo nên những thế hệ vận động viên mới", Thúy Vi chia sẻ.