Đường tới không gian của người đàn ông giàu nhất thế giới
Tỷ phú Jeff Bezos đã mô tả hành trình lên không gian ngày 20/7 là 'chuyến phiêu lưu vĩ đại nhất của mình', nhưng lại là 'bước khởi đầu nhỏ bé' trong kế hoạch xây dựng đường lên vũ trụ. Còn với công chúng quốc tế, đây thực sự là bước ngoặt của ngành du lịch vũ trụ trong tương lai.
Hàng thập kỷ hiện thực hóa ước mơ
“Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, đã xây dựng một đế chế kinh doanh riêng trên trái đất, nhưng trái tim và tâm hồn của ông lại hướng tới những vì sao”, CNET trong một bài viết đã nói về tình yêu của tỷ phú Jeff Bezos với không gian như thế. Theo Astronomy, Bezos đã quan tâm đến du hành vũ trụ từ khi còn là một đứa trẻ, nhờ những chuyến nghỉ hè đến trang trại ở Nam Texas của ông nội Bezos, ông Lawrence Preston Gise.
Cuốn sách "Amazon Unbound" tiết lộ, ông nội Bezos đã dành những năm 50 và 60 của thế kỷ trước để nghiên cứu công nghệ vũ trụ tại Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ. Nhờ đó, mùa hè của cậu bé Bezos được gói gọn bởi những cuốn sách về khoa học viễn tưởng, và những thước phim về tàu vũ trụ Apollo.
Khi đang theo học trung học ở Nam Florida, Bezos đã nói với bạn bè rằng ông muốn làm một doanh nhân về không gian và đã lên kế hoạch biến du hành vũ trụ trở thành một phần sự nghiệp của mình, theo một bài viết năm 1999 trên Wired. Khi trở thành thủ khoa đầu ra trung học năm 1982, ông đã có một bài phát biểu về vấn đề dân số quá tải và ô nhiễm, với giải pháp tưởng như bất khả thi, đó là đưa nền văn minh con người lên vũ trụ.
Nhưng chỉ khi trở thành một tỷ phú với khối tài sản khổng lồ, Jeff Bezos mới có đủ tiềm lực để biến ước mơ thành hiện thực. Hiện thực ấy được đặt tên là “Blue Origin”, công ty hàng không vũ trụ được ông thành lập năm 2000. Phương châm của Blue Origin, xuất hiện lần đầu tiên trên logo của công ty, là "Gradatim Ferociter", tiếng Latinh có nghĩa là "từng bước quyết liệt". Trong một bài phỏng vấn, Bezos giải thích rằng: "Bạn không thể đi tắt, mọi thứ cần có thứ tự và thời gian, nhưng hãy bước đi bằng niềm đam mê và sự dữ dội".
Người ta cho rằng, Bezos đã đưa chính tôn chỉ sống của mình vào phương châm phát triển của Blue Origin. “Mỗi năm trôi qua, tôi ngày càng tin tưởng rằng Blue Origin, công ty vũ trụ, là công việc quan trọng nhất mà tôi đang làm,” ông nói trong một bài phỏng vấn năm 2018. Khi Bezos tuyên bố vào tháng 2 rằng ông sẽ từ chức CEO Amazon, ông cũng khẳng định sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện, cũng như hai nỗ lực lớn khác của mình: tờ The Washington Post, và Blue Origin.
Chuyến bay vào vũ trụ của Jeff Bezos hôm 20/7 là kết quả đỉnh cao của gần hai thập kỷ nghiên cứu khoa học tên lửa. Được đặt tên theo tên phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ Alan Shepard, tên lửa New Shepard được tiết lộ vào năm 2015. Theo Space, sau 6 năm, đến nay New Shepard đã hoàn thành 15 chuyến bay thử nghiệm, tất cả đều không người lái, với chuyến thử nghiệm gần nhất vào ngày 14/4 vừa qua, được đặt tên là NS-15.
Bước ngoặt cho du lịch không gian
Đến ngày 20/7, New Shepard được phóng lên từ miền tây Texas, Mỹ vào đúng dịp kỷ niệm 52 năm ngày tàu Apollo 11 lên Mặt trăng, thực hiện thành công chuyến du hành kéo dài 10 phút. “Đây là một bước nhỏ trong những gì Blue Origin sẽ làm. Những gì chúng tôi thực sự đang cố gắng làm là chế tạo các phương tiện không gian có thể tái sử dụng. Đó là cách duy nhất để xây dựng một con đường lên vũ trụ”, Bezos nói trong bài phỏng vấn với CNBC.
Chuyến bay, theo Reuters, đã đánh dấu sự gia nhập của Blue Origin vào thị trường không gian tư nhân, vốn đang được thống trị bởi SpaceX của Elon Musk. Ở thời điểm hiện tại, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không vũ trụ tư nhân đang nóng hơn bao giờ hết. Không chỉ để hiện thực hóa mơ ước, việc các tỷ phú bay vào không gian còn là phát súng khơi mào cho một cuộc đua khốc liệt trong ngành công nghiệp này.
Song, Jeff Bezos không coi đây là một cuộc chạy đua, mà khẳng định, ông muốn lan tỏa tình yêu Trái Đất tới tất cả mọi người. Dù chuyến bay ngắn ngủi nhưng hành trình của tàu vũ trụ Shepard đóng một cột mốc quan trọng với tầm nhìn của Bezos, bởi ông thành lập Blue Origin với mục tiêu tạo ra "một tương lai nơi hàng triệu người có thể sống và làm việc trong không gian".
Tuy nhiên, vị tỷ phú 57 tuổi vẫn giữ được những kỷ lục cho riêng mình. Ông hiện tại là nhà sáng lập duy nhất thực hiện chuyến bay đầu tiên có người lên vũ trụ bằng sản phẩm của công ty mình. Chuyến bay ngày 20/7 vừa qua cũng có cả người trẻ tuổi nhất và người lớn tuổi nhất từng bay vào vũ trụ. Đây là sứ mệnh không gian đầu tiên trên thế giới với các hành khách tham gia hoàn toàn "không chuyên".
Trong lá thư gửi Bezos hồi năm 2016 trước khi qua đời, John Glenn - phi hành gia Mỹ đầu tiên bay lên quỹ đạo Trái đất, dự báo rằng những nỗ lực của ông hiện nay sẽ sớm biến du hành không gian trở nên phổ biến như đi máy bay. "Nếu anh quay lại cách đây 100 năm, sẽ chẳng ai tin anh có thể mua một tấm vé rồi bay khắp thế giới... Nhưng đó là một thay đổi có thể diễn ra chỉ trong 100 năm thôi", nhà sáng lập Amazon tự tin dự báo.
Nguy cơ tiềm tàng hay cơ hội mới?
Những nỗ lực của Blue Origin cũng như tỷ phú Jeff Bezos cũng vấp phải nhiều quan ngại. Bay vào không gian là ngành tiềm ẩn rủi ro. Những yếu tố chính ảnh hưởng tới nguy cơ bao gồm trình độ kinh nghiệm của công ty phóng, số lần phóng mà phương tiện từng thực hiện và loại động cơ tên lửa sử dụng, theo Joseph Fragola, giám đốc điều hành Asti Group, LLC kiêm kỹ sư hệ thống từng tính toán rủi ro cho NASA trong nhiều thập kỷ.
Blue Origin đã phóng tàu New Shepard 15 lần trong những chuyến bay thử nghiệm không người lái và chỉ thất bại một phần với sự cố trong đó khoang chở khách hạ cánh an toàn nhưng động cơ đẩy tên lửa đâm xuống đất. Ngoài kinh nghiệm phóng tàu của công ty Blue Origin, tàu New Shepard sẽ chỉ bay chặng ngắn thay vì tiến vào quỹ đạo, và chỉ sử dụng động cơ tương đối đơn giản, theo Blake Putney, kỹ sư điện làm về phân tích rủi ro cho các phương tiện của NASA.
Tuy nhiên, theo Space, phần lớn rủi ro trong chuyến bay vào không gian phụ thuộc vào độ mạnh và độ phức tạp của động cơ. Động cơ tàu con thoi rất phức tạp và cần khai hỏa trong thời gian dài để chở phi hành đoàn vào không gian, có nghĩa thời gian có thể xảy ra sự cố trong quá trình cất cánh sẽ lâu hơn. Putney nhấn mạnh một yếu tố rủi ro lớn khác là hệ thống dù ở khoang chở khách chịu trách nhiệm đưa phi hành đoàn hạ cánh an toàn. Nếu gió thổi mạnh và tạt ngang, khoang tàu có thể lộn nhào.
Live Science cho biết, sau thảm họa của tàu Challenger năm 1986, Fragola tính toán tỷ lệ phóng thất bại của đội tàu con thoi với độ phức tạp cao là 1/120, một con số khá chính xác. Khi xem xét kinh nghiệm của Blue Origin từ trước tới nay, Fragola tính toán tỷ lệ tên lửa gặp trục trặc là 1/100 - 1/500, nhưng ước tính chuẩn nhất là 1/200. Dựa trên các hệ thống tương tự, quy trình hủy phóng kiểu này thường có tỷ lệ thành công là 80%, vì vậy nguy cơ không sống sót trong chuyến bay là 1/1.000, giống như bất kỳ phi hành gia nào khác bay bằng tên lửa.
Mặc dù vậy, chuyến bay của tỷ phú Bezos vẫn là một cột mốc quan trọng đối với Blue Origin và ngành công nghiệp máy bay không gian thương mại. Blue Origin vẫn chưa công bố giá vé, nhưng chúng dự kiến sẽ có giá hàng trăm nghìn USD. Bezos cho biết công ty đang lên kế hoạch cho hai chuyến bay có phi hành đoàn nữa trong năm nay, và sẽ tăng tần suất trong tương lai.
Đáng chú ý, NASA đã "bật đèn xanh" cho Blue Origin vào tháng 12 để thực hiện sứ mệnh quan sát Trái đất, thám hiểm hành tinh và phóng vệ tinh bằng tên lửa New Glenn, đưa công ty vũ trụ tiến gần hơn một bước tới các vì sao. Vào tháng 5, Blue Origin đã được NASA bàn giao 1 tỷ USD để sản xuất các thiết kế ban đầu cho hệ thống hạ cánh của Artemis 3, nhằm mục đích đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2024.
Tuy nhiên, có lẽ sẽ mất một thời gian để xây dựng ngành du lịch vũ trụ, Marco Caceres, chuyên gia phân tích không gian của Teal Group Corp, một công ty phân tích thị trường hàng không và quốc phòng, nhận định. Còn những người yêu không gian và hâm mộ Jeff Bezos, sự thành công của New Shepard chắc chắn sẽ tiếp thêm cho họ niềm tin.