Đường tới vùng Vịnh không dễ dàng với Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh có nhiều lợi ích trong các lĩnh vực trọng yếu. Song nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gặp nhiều hạn chế, bởi Mỹ vẫn vững vai trò thống trị tại khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan trong một hội nghị tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Jade Gao-Pool

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan trong một hội nghị tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Jade Gao-Pool

Xu hướng chuyển dịch tại vùng Vịnh

Giới chuyên gia chính trị, kinh tế quốc tế nhìn nhận, từ sau Thế chiến II, các quốc gia Arab vùng Vịnh đã dựa vào sự bảo vệ của Mỹ. Hàng loạt thỏa thuận phòng thủ chính thức đã được ký kết giữa Mỹ với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Oman, Bahrain. Cùng với đó, Saudi Arabia và Mỹ dù không có hiệp ước chính thức, nhưng Saudi Arabia phụ thuộc vào Mỹ trong vấn đề an ninh. Sự phụ thuộc này được củng cố khi Mỹ có nhiều căn cứ quân sự tại Saudi Arabia, cũng như nắm nguồn cung thiết bị quân sự đối với Saudi Arabia.

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng vững chắc của Mỹ trong nhiều thập kỷ đã bị lung lay đáng kể. Theo giới quan sát, từ năm 2010, quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia Arab vùng Vịnh bắt đầu xuất hiện những thay đổi, xuất phát từ việc Mỹ đã không có phản ứng đủ quyết liệt đối với các sự kiện xảy ra trong Mùa xuân Arab. Vị thế của Mỹ tại khu vực tiếp tục lung lay thêm nhiều phần trong cuộc đối đầu với Iran.

Đây là 2 yếu tố lớn tạo nên xu hướng nhiều quốc gia tìm kiếm các đồng minh thay thế Mỹ. Minh chứng cho điều này là sự hình thành Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố (IMAFT) của Saudi Arabia, cùng với đó là các nỗ lực gia tăng sản xuất vũ khí trong nước của các quốc gia vùng Vịnh.

Để khôi phục và củng cố vị thế của mình, Mỹ đã đưa ra nhiều ưu đãi an ninh hơn. Nổi bật trong đó là Hiệp định Abraham (giữa Mỹ với UAE, Israel và Bahrain); Hiệp định thịnh vượng và hội nhập an ninh toàn diện giữa Mỹ và Bahrain; các thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự ở Qatar... Ngoài ra, Mỹ cũng đàm phán với Saudi Arabia về một hiệp ước quốc phòng toàn diện cho thấy cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự bảo vệ đối với các quốc gia Arab vùng Vịnh.

Dù có những nỗ lực đáng kể, song xu hướng chuyển dịch của vùng Vịnh đã được hình thành và không dễ dàng xóa bỏ. Thực tế cho thấy, Trung Quốc đang là một “điểm đến” nhiều tiềm năng trong xu hướng chuyển dịch của khu vực.

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã phát triển thành quan hệ Đối tác chiến lược được đánh dấu bằng sự hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa ngày càng tăng. Các quốc gia thành viên GCC có góc nhìn về Trung Quốc như một đồng minh đáng tin cậy, được thúc đẩy bởi lợi ích chung về an ninh năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và ổn định địa chính trị.

Một khía cạnh cốt lõi của mối quan hệ Trung Quốc - GCC là thương mại các nguồn năng lượng. Các nước GCC với trữ lượng dầu khí đáng kể là nhà cung cấp quan trọng cho Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Mối quan hệ cùng có lợi này đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc, đồng thời mang lại doanh thu đáng kể cho các nền kinh tế GCC. Năm 2021, riêng Saudi Arabia chiếm gần 17% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, làm nổi bật chiều sâu trong mối quan hệ.

Ngoài năng lượng, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hướng đến mục tiêu cải thiện các tuyến thương mại toàn cầu thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó, các nước GCC đóng vai trò trung tâm trong tầm nhìn này. Các dự án lớn như mở rộng cảng ở Oman và UAE, phát triển các khu công nghiệp ở Saudi Arabia... cho thấy mức độ đầu tư lớn của Trung Quốc vào khu vực. Các dự án này không chỉ tăng cường kết nối, mà còn hỗ trợ đa dạng hóa kinh tế, một mục tiêu chính của các quốc gia GCC khi họ hướng đến mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào hydro carbon.

Về chính trị, mối quan hệ Trung Quốc - GCC dựa trên nguyên tắc chung là không can thiệp vào công việc nội bộ, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và quan hệ ngoại giao ổn định. Điều này rất quan trọng trong việc điều hướng bối cảnh địa chính trị phức tạp của Trung Đông, nơi Trung Quốc vẫn duy trì lập trường trung lập trong khi thúc đẩy đối thoại và giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Các nước GCC coi Trung Quốc là một thế lực cân bằng trong quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Hành động cân bằng này cho phép GCC đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, tăng cường khả năng cạnh tranh địa chính trị.

Trao đổi văn hóa cũng phát triển mạnh mẽ, thể hiện đậm nét sự tương đồng văn hóa ngày càng tăng. Trong lĩnh vực công nghệ, các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đang thiết lập sự hiện diện đáng kể ở vùng Vịnh.

Con đường nhiều chông gai

Mối quan hệ Trung Quốc - GCC đa dạng và năng động, được thúc đẩy bởi lợi ích kinh tế chung, ổn định chính trị và giao lưu văn hóa. Khi cả hai bên tiếp tục điều hướng các thách thức và cơ hội toàn cầu, quan hệ đối tác có khả năng sẽ sâu sắc hơn, định hình tương lai của khu vực và bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các mục tiêu của Trung Quốc tại vùng Vịnh là không đơn giản. Tiến sĩ Ghulam Ali, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, cách tiếp cận của Trung Quốc có phần trái ngược với Mỹ. Trung Quốc duy trì chính sách không liên minh kể từ những năm 1980. Thậm chí, dù có những động thái như Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất, Trung Quốc vẫn không tham gia vào các liên minh quân sự chính thức. Theo giới quan sát, GSI nhấn mạnh đến sự tôn trọng chủ quyền và chỉ trích các liên minh của Mỹ, nhưng không đáp ứng được các yêu cầu an ninh cụ thể của các quốc gia Arab vùng Vịnh.

Nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng tại vùng Vịnh cũng không dễ dàng. Thể hiện ở việc dù đạt được sự chú ý tích cực, nhưng tỷ lệ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang khu vực này vẫn ở mức thấp. Một phần nguyên nhân từ áp lực của Mỹ đã hạn chế khả năng hợp tác của các quốc gia vùng Vịnh với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ.

Tiến sĩ Ghulam Ali chỉ ra rằng, dù Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện trong các lĩnh vực như năng lượng, thương mại và công nghệ mới nổi, nhưng khả năng hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Arab vùng Vịnh trong các lĩnh vực địa chính trị cao hơn vẫn bị hạn chế. Với sự thống trị lâu dài của Mỹ trong khu vực và các cam kết an ninh mạnh mẽ thì Trung Quốc sẽ gặp phải những thách thức lớn, nếu muốn mở rộng ảnh hưởng trong các lĩnh vực này.

Cũng theo Tiến sĩ Ghulam Ali, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab vùng Vịnh sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực không đối đầu và những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ. Trong khi Mỹ vẫn là nhân tố thống trị và có thể mở rộng ảnh hưởng, nếu Hiệp ước quốc phòng với Saudi Arabia được ký kết, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức bổ sung trong việc cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.

Theo Tiến sĩ Ghulam Ali, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng quan hệ với các quốc gia Arab với rất nhiều trở ngại, thách thức. Điều dễ thấy nhất là chiến lược quốc gia giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab vùng Vịnh có nhiều khoảng cách làm hạn chế khả năng hợp tác toàn diện, nhất là trong vấn đề an ninh.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/duong-toi-vung-vinh-khong-de-dang-voi-trung-quoc-post479169.html