Đường trăm tỷ ở Cao Bằng vừa hết hạn bảo hành đã phải đào lên làm lại
Đường có tổng mức đầu tư 718,7 tỷ đồng nhưng sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, vừa hết hạn bảo hành, nhà thầu phải đào nhiều đoạn lên để làm lại.
Đường trăm tỷ vá chằng, vá đụp
Thời gian gần đây, PV Báo Giao thông nhận được thông tin phản ánh của người dân TP Cao Bằng về việc Dự án xây dựng đường phía Nam khu đô thị mới TP Cao Bằng có nhiều dấu hiệu kém chất lượng. Nhiều đoạn sụt lún, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
“Tuyến đường được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ năm 2020. Tuy nhiên, ngay từ đầu, đường đã có dấu hiệu kém chất lượng khi mặt đường hằn lún, gãy vỡ nhiều đoạn. Sau đó, do vẫn trong giai đoạn 2 năm bảo hành theo quy định nên nhà thầu đã phải cắt bỏ, đào nhiều đoạn lên để làm lại. Đến nay, dù đã hết 2 năm bảo hành nhiều tháng nhưng mặt đường vẫn đang tiếp tục bị đào lên để làm lại. Cả tuyến chỉ dài hơn 5km nhưng "vá chằng vá đụp", đào lên, lấp xuống để sửa chữa làm mất cảnh quan, ảnh hưởng đến ATGT”, ông N.V.B, một người dân TP Cao Bằng chia sẻ.
Nhiều người dân cho rằng, tuyến đường trên được mở mới, chủ yếu là san núi, đào thành nền đường, đáng lẽ phần nền và móng đường ở đây sẽ phải chắc chắn nhất. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính khiến mặt đường hư hỏng là do biện pháp thi công công trình có vấn đề, có nhiều dấu hiệu kém chất lượng.
Có mặt ghi nhận thực tế tại dự án này, PV bắt gặp cảnh tượng nhiều đoạn đường đã phải cắt bỏ, đào lên làm lại. Trong đó có đoạn dài khoảng 150m, rộng 11,5m, gần như phải đào bóc hết cả phần nền, móng để làm lại từ đầu. Nhiều đoạn tuy đã sửa chữa xong nhưng vẫn còn hằn lún, khiến phương tiện lưu thông không êm thuận.
Một nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Xây dựng Cao Minh cho biết: "Đường này do công ty thi công, hiện đang phải đào bóc cục bộ nhiều đoạn để sửa chữa, bảo hành".
Nói về nguyên nhân khiến đường lún, hỏng, vị này cho biết: Địa chất làm đường ở đây rất yếu. Núi lại có ghềnh đá vôi dẫn đến việc giãn nở khiến nhiều đoạn mặt đường bị trồi lên, sụt xuống gây ra tình trạng lún gãy mặt đường.
Đường hỏng do không kiểm soát tải trọng xe (!?)
Được biết, dự án trên gồm 2 gói thầu, tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 718,7 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2011 - 2014, gia hạn đến hết tháng 12/2019. Tuy nhiên, dự án trên đã liên tục chậm tiến độ, kéo dài đến năm 2020.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị loại II miền núi, dài hơn 5km, điểm đầu từ Km 0+00 tại đầu cầu Sông Hiến đến điểm cuối Km 5+896, giao với QL3 và QL34. Dự án có nền đường rộng 58m với 6 làn đường chính dành cho các loại xe ô tô và 4 làn đường gom hai bên dành cho các loại xe thô sơ; có hệ thống vỉa hè, cây xanh, cống thoát nước, đèn chiếu sáng giao thông đồng bộ.
Ông Nông Đại Lâm, Phó trưởng Phòng QLDA1, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Cao Bằng cho biết: Dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ năm 2020, đến nay đã hết thời hạn 2 năm bảo hành. Năm 2022, trước khi hết thời gian bảo hành, Công ty TNHH Cao Minh đã rà soát, sửa chữa đầy đủ. Tuy nhiên, do việc sửa chữa chưa đạt yêu cầu nên dù đã hết hạn bảo hành nhiều tháng nay nhưng chủ đầu tư vẫn yêu cầu nhà thầu tiếp tục cắt bỏ, làm lại nhiều đoạn trước khi ký hồ sơ bàn giao.
Clip ghi nhận thực tế công tác sửa đường tại dự án trăm tỷ vừa hết hạn bảo hành ở Cao Bằng
Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư và xây dựng tỉnh Cao Bằng khẳng định: Nhiều đoạn đường trong dự án này bị hư hỏng, doanh nghiệp phải bảo hành, làm lại mà không được tính chi phí. Đây là việc làm bắt buộc để bảo đảm chất lượng của dự án nên không có vấn đề gì.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường hư hỏng, phải sửa chữa, đào lên làm lại nhiều lần, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Cao Bằng cho rằng: Nguyên nhân là do sau thời gian vận hành đã không kiểm soát được tải trọng xe. Hơn nữa, nhiều đoạn gặp nền đất yếu dẫn đến hư hỏng.
Theo kế hoạch, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Cao Bằng đang yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Cao Minh bảo hành, sửa chữa các điểm hư hỏng tại Dự án xây dựng đường phía Nam khu đô thị mới TP Cao Bằng trước ngày 30/4 tới để hoàn thiện hồ sơ bàn giao cho UBND TP Cao Bằng quản lý, sử dụng. Sau thời điểm bàn giao, UBND TP Cao Bằng sẽ phải bố trí nguồn vốn ngân sách, tiếp tục sửa chữa, khắc phục những đoạn hư hỏng nếu có.
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Cao Bằng, đơn vị tư vấn thiết kế Dự án trên là Công ty CP Tư vấn xây dựng Bắc Việt. Ban đầu, dự án thuê đơn vị tư vấn giám sát nhưng đến năm 2019, khi hợp đồng thực hiện dự án kết thúc, dự án phải kéo dài đến năm 2020 nên Ban QLDA Đầu tư xây dựng Cao Bằng đã tự giám sát thực hiện dự án này.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại con đường trăm tỷ ở Cao Bằng: