Dương Trường Giang kể về Phố và Mùa
Nhạc sĩ-ca sĩ Dương Trường Giang luôn đưa hai nét đẹp rất đặc trưng của Hà Nội để hòa vào từng nốt nhạc trong mỗi ca khúc của mình, đó là phố và mùa. Lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, ngay cả trong nỗi buồn của Giang Phố (cái tên mà công chúng yêu mến dành tặng anh) cũng không hề ảm đạm, mà vẫn rất tình và da diết nhớ.
Trở lại sau 12 năm không có sản phẩm âm nhạc mang tính cá nhân, MV mới nhất “Chỉ là thời gian dành cho nhau đã hết” của Giang Phố tiếp tục là một sản phẩm nghệ thuật làm khán giả lưu luyến.
Nhắc đến những ca khúc hay về mùa đông và về Hà Nội, công chúng hầu như đều biết đến bài hát Phố không mùa - một bản tình ca lãng mạn với những ca từ tha thiết: “Mùa đi ngang phố hay phố không mùa nữa/ Chỉ một vùng nỗi nhớ ùa trên phố rất vội...”.
Đây cũng chính là ca khúc đầu tiên đưa tên tuổi của chàng nhạc sĩ sinh năm 1987 này đến gần hơn với công chúng. Có thể nhiều người không biết Dương Trường Giang là ai, nhưng lại biết Phố không mùa. Những ngày mới ra mắt MV ấy, Giang Phố song ca với Bùi Anh Tuấn, và ca khúc này đã từng xuất hiện rất nhiều trên các sân khấu lớn nhỏ cho đến tận bây giờ, bởi khán giả mỗi khi nghe, đều nhớ về mùa gió rất miền bắc, rất Hà Nội với những ca từ tha thiết: “Mùa muốn sát bên nhau, để ấm hơn”.
Giang Phố của những ngày tháng ấy xuất hiện như một ca sĩ trình diễn hơn là nhạc sĩ, dù sáng tác nhiều ca khúc như: Đừng quên nhau (Hà Anh Tuấn-Phương Linh thể hiện), Hà Nội mùa lá bay (Dương Trường Giang-Bùi Anh Tuấn thể hiện), Ngày trôi về phía cũ (Trung Quân idol thể hiện), Làm cha (ca sĩ Hoài Lâm thể hiện)...
Sau này, Giang Phố trở thành “người nhà” của Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam với nhiều bài hát như: Lặng yên trong phim “Lặng yên dưới vực sâu”, 11 tháng 5 ngày trong bộ phim cùng tên, A í a (phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”), Chuyện của cát (phim “Cát đỏ”)... Những ca khúc này đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một ca khúc viết cho phim, nó đã có một đời sống riêng và được nhiều khán giả yêu mến phim truyền hình thuộc nằm lòng.
Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc hệ đại học - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, ngay từ sáng tác đầu tiên năm 19 tuổi, ca khúc Thu ảm đạm của Giang Phố đã nhận được giải thưởng Bài hát Việt năm 2006. Với hàng loạt giải thưởng âm nhạc từ khi mới bắt đầu như:
Giải Bài hát Việt (11 giải), giải nhì Giọng hát hay Hà Nội năm 2008, giải ba Giọng hát trẻ Hà Nội năm 2007, giải bạc Liên hoan tiếng hát học sinh phổ thông toàn quốc năm 2005... đã trở thành những động lực mạnh mẽ để Dương Trường Giang kiên định đi trên con đường nghệ thuật không hề dễ dàng này.
Những người trong nghề biết đến và thừa nhận năng lực của Dương Trường Giang khi anh trở thành giám đốc âm nhạc nhiều chương trình mang tầm quốc gia như: Gala cười và Gặp nhau cuối năm (Táo quân) từ năm 2020 đến nay, Gala Gặp gỡ diễn viên truyền hình, Festival Pháo hoa quốc tế (Đà Nẵng) năm 2023-2024, Music Like-Music show (VTVCabs)...
Tất cả những công việc liên quan đến âm nhạc đều được Giang thực hiện bài bản và nghiêm túc. Được mời thực hiện những sự kiện lớn, nhưng anh vẫn luôn đau đáu về con đường nghệ thuật của riêng mình. Chính vì thế, sau một thời gian đủ để chín muồi về các yếu tố, Giang Phố đã ra mắt MV đang được công chúng yêu mến - “Chỉ là thời gian dành cho nhau đã hết”.
Để có được một MV nghiêm túc, mang đậm dấu ấn nghệ thuật cá nhân như lần trở lại này, Giang Phố đã có nhiều năm phải nỗ lực không ngừng và mưu sinh bằng nhiều cách như nhận show trình diễn, dạy học, mở phòng thu... bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Giống như người bạn đời của anh, MC Thùy Dương kể: “12 năm đủ làm thay đổi nhiều thứ, đủ để chúng tôi không còn phải đi vay nợ để làm sản phẩm, vì đã có nhiều anh chị em yêu thương giúp sức, đủ để tôi không còn những đêm ngủ ở phòng thu để đợi người yêu thu âm sản phẩm. Giang đã được làm những thứ anh ấy muốn. Có thể chúng tôi vẫn sẽ nghèo một chút, nhưng Giang được hạnh phúc với những gì mình làm”.
12 năm, nhất là giữa thời đại 4.0, mọi thứ đều thay đổi, quá nhiều. Nhưng có lẽ, chỉ riêng Giang Phố hình như không hề thay đổi. Vẫn là một nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu với một kiểu âm nhạc dường như đang lạc lõng giữa vô vàn những ca khúc có độ dài hai phút hơn, với những giai điệu kiểu cap-cut giật giật trên thị trường, Giang Phố vẫn chọn con đường khó, đến mức thậm chí có khán giả từng thốt lên: “Dương Trường Giang sáng tác hay nhưng như chỉ để một mình cậu ấy hát”. Những câu nói vô tình ấy có lẽ sẽ làm tổn thương người nghệ sĩ nào đó, nhưng không phải là Giang Phố.
Không chấp nhận thỏa hiệp, Giang muốn được sáng tác, trình diễn và sản xuất ra những sản phẩm âm nhạc thật sự có tính nghệ thuật cao. Không chọn cách viết dễ dãi, nghe hay đấy rồi quên đấy, Giang Phố đã quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ về một ngày khán giả sẽ biết đến, nhớ, thuộc và yêu mến những sản phẩm âm nhạc của anh.
“MV này như một món quà đẹp đẽ và thật nhiều cảm xúc mà tôi muốn được gửi tặng cho Hà Nội thân yêu, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Tôi dự kiến sẽ có loạt sáu bài, ngoài MV vừa phát hành, sẽ có Dưới gốc cây sồi già, Chúng ta đã không giữ lời, Rồi ngày mai sau tìm nhau ở đâu trên phố dài, Tâm sự nhé và Nếu buồn hãy buồn ở Hà Nội. Mong khán giả sẽ cảm được và thưởng thức âm nhạc cùng tôi”, nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/duong-truong-giang-ke-ve-pho-va-mua-post852005.html