Đường tuần tra Biên Giới: Cần có giải pháp để phát huy hiệu quả 'kép'
Mới đây, một doanh nghiệp phản ánh việc UBND xã Biên Giới, huyện Châu Thành ngăn cản không cho phương tiện vận chuyển đất của doanh nghiệp này lưu thông trên đường tuần tra biên giới với lý do gây sụt lún đường.
Không có chuyện “cấm đường” doanh nghiệp
Doanh nghiệp này cho biết, trên tuyến đường tuần tra biên giới có nhiều loại phương tiện khác vận chuyển hàng hóa, thậm chí có cả xe container lưu thông, chỉ riêng xe của doanh nghiệp là bị UBND xã Biên Giới “làm khó”. Cụ thể ngày 13.7.2023, UBND xã ban hành Công văn số 141/UBND gửi Phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND huyện Châu Thành với nội dung: “Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, trên địa bàn xã có đường tuần tra biên giới.
Hiện có đoàn xe vận chuyển đất của doanh nghiệp NM.PV xã Phước Vinh lưu thông trên đoạn đường tuần tra biên giới từ cầu Phước Trung đi qua địa bàn xã Biên Giới gây sụt lún đường, trọng tải phần đất vận chuyển khoảng 10m3 trên xe; mỗi ngày có 50 lượt xe lưu thông.
UBND xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Vàm Trảm Trâu tuyên truyền giải thích đây là đường tuần tra biên giới và có đoạn nằm trong đường vành đai biên giới, do đường nhỏ, chỉ phù hợp với các loại xe trọng tải nhỏ và đề nghị doanh nghiệp di chuyển các tuyến đường khác trong nội địa nhưng doanh nghiệp không chấp hành”.
Nội dung Công văn 141 của UBND xã Biên Giới đã làm doanh nghiệp NM.PV bức xúc với lý do, trên đường tuần tra biên giới vẫn có xe container chở hàng hóa lưu thông, xe máy cày chở nông sản của nông dân lưu thông… đâu là căn cứ để UBND xã cho rằng phương tiện của doanh nghiệp là nguyên nhân chính gây sụt lún đường. Bên cạnh đó, UBND xã căn cứ vào thẩm quyền nào mà đề nghị doanh nghiệp phải lưu thông đường khác?
Được biết, ngày 14.3.2017, Bộ Quốc Phòng ban hành Quyết định số 727/QĐ-BQP về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Đường tuần tra biên giới tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 2017-2020). Theo Quyết định 727, địa điểm đầu tư thuộc các huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Chủ đầu tư dự án là Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
Quyết định nêu rõ mục tiêu xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 2017-2020) phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quản lý biên giới, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Như vậy, đường tuần tra biên giới được đầu tư xây dựng với mục tiêu “kép” là phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quản lý biên giới, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội khu vực.
Trao đổi về phản ánh của doanh nghiệp NM.PV, ông Đỗ Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, UBND xã Biên Giới gửi công văn cho UBND huyện và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành để báo cáo tình hình chứ không có cấm đường. Tuy nhiên, do công văn viết không “suôn sẻ” về nội dung nên dẫn đến việc doanh nghiệp NM.PV hiểu lầm là Chủ tịch UBND xã Biên Giới không cho phương tiện của doanh nghiệp này lưu thông (!?).
UBND huyện cũng đã làm việc với doanh nghiệp và Chủ tịch UBND xã Biên Giới, Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu về vấn đề này, đến nay cơ bản đã giải quyết xong. Doanh nghiệp đã gửi danh sách phương tiện của doanh nghiệp cho Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu để nắm và quản lý do phương tiện lưu thông trên khu vực biên giới. Hiện phương tiện của doanh nghiệp NM.PV đã lưu thông lại bình thường trên đường tuần tra biên giới.
Cần có biện pháp hữu hiệu
Tại Công văn 141 của UBND xã Biên Giới đã thể hiện rõ “UBND xã Biên Giới phối hợp với Đồn Biên phòng Vàm Trảm Trâu tuyên truyền giải thích đây là đường tuần tra biên giới và có đoạn nằm trong đường vành đai biên giới, do đường nhỏ, chỉ phù hợp với các loại xe trọng tải nhỏ và đề nghị doanh nghiệp di chuyển các tuyến đường khác trong nội địa nhưng doanh nghiệp không chấp hành”. Với nội dung như thế, nhiều người hiểu Chủ tịch UBND xã Biên Giới đề nghị doanh nghiệp NM.PV không được lưu thông trên đường tuần tra biên giới một cách rõ ràng chứ không thể cho rằng, đây là do lỗi văn bản soạn không “suôn sẻ”.
Tuy nhiên ở góc độ nào đó, việc UBND xã Biên Giới lo ngại trước đường tuần tra biên giới bị lún sụt, hư hỏng cũng thể hiện sự quan tâm đối với cơ sở hạ tầng giao thông ở địa phương.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND xã chỉ cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực tế. Còn vấn đề xác định xe của doanh nghiệp nào chở quá tải trọng hay không; có phải phương tiện của doanh nghiệp NM.PV gây sụt lún đường hay không là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền như: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, ngành Giao thông vận tải…
Đường tuần tra biên giới góp phần tạo điều kiện cho người dân vận chuyển hàng hóa, lưu thông thuận lợi nên việc bảo đảm tuyến đường này phát huy mục tiêu “kép” là vấn đề mà ngành GTVT tỉnh, các huyện có đường tuần tra biên giới đi qua cần có giải pháp căn cơ. Trong đó cần có những quy định tải trọng phương tiện lưu thông; tăng cường lực lượng chức năng tuần tra xử lý xe quá tải trọng… nhằm bảo đảm kết cấu đường tuần tra biên giới, hạn chế hư hỏng, xuống cấp.