Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và câu chuyện 'Thế trận lòng dân' (4): Tuyên truyền đi trước nhiều bước và trúng đích
Đến thời điểm tháng 11 này, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua Hà Nội đã phê duyệt Phương án thu hồi đất và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được 706,22/793,80ha đất của 7/7 quận, huyện (đạt 87,93% khối lượng). Trong đó, chỉ tính đến tháng 9-2023, hạng mục được đánh giá khó khăn nhất là nghĩa trang, mộ đã thực hiện di dời được 6.332/10.059 ngôi (đạt tỷ lệ 62,95%). Với khối lượng công việc toàn tuyến Dự án, thì tiến độ GPMB, khởi công, thi công của Hà Nội hiện dẫn đầu so với 2 địa phương Hưng Yên và Bắc Ninh. Một 'điểm cộng' nữa, suốt quá trình, thời gian qua, đã không xảy ra bất kỳ phức tạp nào về an ninh, trật tự liên quan đến công tác GPMB đường Vành đai 4. Hệ thống toàn bộ những chủ trương, chỉ đạo, phương pháp và quyết tâm, rất có thể chúng ta sẽ có được 'liệu pháp' hay về công tác GPMB, từ kinh nghiệm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
“Giá dự án nào cũng được như đường Vành đai 4”
“Có thể khẳng định đến thời điểm này, những phần việc khó nhất đối với huyện Hoài Đức chúng tôi đã hoàn thành, đã vượt qua. Vất cả không thể đo đếm; áp lực và khối lượng công việc thực sự lớn nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Nhưng thấy rõ một điều: Giá dự án nào cũng được như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thì Trung tâm phát triển quỹ đất, đơn vị chuyên trách lĩnh vực GPMB, sẽ rất… sướng! Vì sao lại có vẻ nghịch lý như vậy? Là bởi, khối lượng lớn và những áp lực công việc đều đã được định hình rõ, được san sẻ rõ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng vị trí công việc. Trước đường Vành đai 4, không nhiều dự án, kể cả của Trung ương và thành phố, mà lãnh đạo Cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện được xác định rõ “tính chịu trách nhiệm” cao trong GPMB như vậy. Ở đây, quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất đã được quán triệt, thông suốt đến tận cơ sở, và được định lượng, đánh giá bằng hiệu suất công việc. Lãnh đạo Cấp ủy, chính quyền, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội xuống tận thôn, xóm trò chuyện, đối thoại với người dân; rồi ra tận thực địa để khảo sát, lắng nghe ý kiến; và về cơ sở để sinh hoạt chi bộ, dự hội nghị, tranh thủ sự đồng tình. Trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ, vướng ở đâu tháo gỡ ngay ở đó, và tháo gỡ sớm. Vấn đề nào vượt thẩm quyền đều được kịp thời báo cáo lên trên để xin ý kiến, và hồi âm cũng không quá lâu... Những phương pháp, cách làm đó đã tạo hiệu ứng mạnh, tích cực trong nhận thức của người dân, để từ nhận thức nhanh chóng chuyển sang đồng thuận, chấp hành chủ trương của Nhà nước về GPMB đường Vành đai 4. Khi người dân đã thông về chủ trương, thì chỉ còn lại những phần việc mang tính kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Áp lực lớn nhất là tiến độ và tuân thủ quy trình, quy định pháp luật về kiểm đếm, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB”.
Ông Nguyễn Chí Hiệu (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, Hà Nội)
“Hiệu quả của truyền thông, của công tác tuyên truyền trên nhiều phương diện”
“Trong khoảng 1 năm qua, huyện Thường Tín đã thực hiện kiểm kê, lập hồ sơ được 128,71ha/134,53ha (đạt 95,67% khối lượng); thực hiện kiểm kê được 3,96 ha/3,96ha đất ở (đạt 100% khối lượng); đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB được 114,44ha/134,53ha (đạt 85,6%); và đã di chuyển được 1.829/1.846 ngôi mộ (đạt 99,08%)…
Đúc rút được điều gì quan trọng nhất từ những con số này? Đó chính là hiệu quả của truyền thông, của công tác tuyên truyền trên nhiều phương diện. Thực tiễn cho thấy, trong suốt thời gian qua, có rất nhiều những hội nghị thông báo, đối thoại, giải đáp được tổ chức với người dân xung quanh dự án đường Vành đai 4. Cả những cuộc vận động, tuyên truyền “1-1” tại cơ sở ở những “thực địa” có lẽ chưa từng có tiền lệ, như… bờ ruộng, hay sáng 30 Tết. Nhưng vấn đề mấu chốt ở đây, khi cán bộ cơ sở tiếp xúc với đại diện tổ chức, cá nhân có đất, công trình trong diện GPMB, đều nhận ra một điều trong hình dung của đối tượng được tuyên truyền, họ đã biết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Nhà nước nhất định phải làm, và làm bằng được! Tôi cho rằng nhận thức và sự hình dung tích cực ấy của người dân là do chúng ta đã có quá trình chuẩn bị và thực hiện tuyên truyền chủ trương về Dự án hết sức bài bản, lớp lang, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác tuyên truyền đã tính toán và dành được nhiều thời gian để người dân tìm hiểu, suy ngẫm, rồi đi đến đồng thuận. Thành công bước đầu trong công tác GPMB ở đường Vành đai 4 đối với huyện Thường Tín, tôi cho rằng đó là tuyên truyền đã đi trước nhiều bước, và đã trúng đích”.
Ông Phan Thanh Tùng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Tín, Hà Nội)
“Cơ hội quý để đánh giá thực trạng sử dụng, quản lý đất”
“Thời gian qua, không riêng địa bàn huyện Mê Linh, tôi cho rằng toàn bộ 6 huyện và 1 quận có phạm vi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, đều gặp phải những khó khăn trong công tác GPMB liên quan đến đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức... Nhiều xã ở huyện Mê Linh, do tính chất lịch sử để lại, cả do “thói quen” sử dụng đất của các hộ gia đình, mà nếu không có dự án đường Vành đai 4, nếu không có yêu cầu kiểm kê, rà soát, đối chiếu, thì chắc phải rất lâu cả chính quyền cơ sở và người dân mới có cơ hội để nắm rõ được tỷ lệ đất thổ canh, thổ cư, đất ao vườn đang quản lý, sử dụng. Những khu dân cư trong làng, bình thường không có dự án thì ít ai đả động. Nhưng khi thực hiện kiểm kê, cơ quan chức năng sẽ phải phân định rõ diện tích nào là thổ cư giấy tờ hợp lệ? Diện tích nào là nhà được mở rộng từ ao vườn? thậm chí, cả diện tích nào là lấn chiếm đất công, là mua bán sang tay không có chứng nhận pháp lý hợp lệ? Tương ứng với nguồn gốc từng loại đất, người sử dụng sẽ được áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định, khi có dự án nào đó được triển khai…
Chính vì vậy tôi cho rằng, từ câu chuyện GPMB đường Vành đai 4, các địa phương, nhất là vùng ngoại thành, cần có sự đánh giá toàn diện thực trạng quản lý, sử dụng đất. (Xin thông tin thêm là tại huyện Mê Linh vừa qua, trước và trong quá trình GPMB đường Vành đai 4, huyện đã xử lý cơ bản tình trạng lấn chiếm đất công, kéo dài 20 năm ở một xã). Điều này sẽ có nhiều cái lợi. Thứ nhất, thuận tiện cho công tác kiểm đếm, bồi thường, GPMB (nếu có) trong tương lai. Thứ hai, nó sẽ giúp các tổ chức, cá nhân hình dung trước được “giá trị” đất sẽ được bồi thường, hỗ trợ, trong trường hợp bị thu hồi, GPMB. Thứ ba, đánh giá được thực trạng quản lý trật tự xây dựng, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó từng bước chấn chỉnh, phòng ngừa, và tập trung giải quyết những vi phạm, sai phạm nhức nhối, có hệ thống và kéo dài. Khi chúng ta làm tốt được công tác quản lý, sử dụng đất ở địa phương, thì nhận thức pháp luật và trách nhiệm công dân của người dân cũng sẽ được nâng lên”.
Ông Nguyễn Văn Hai (Phó Giám đốc Ban quản lý QL Dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh, Hà Nội)
“Cần linh hoạt về chủ trương, quy định, nhất là ở những dự án đặc thù”
“Tuyến Vành đai 4 thời gian qua và hiện nay, quận đang tập trung nhiều nhất vào địa bàn phường Yên Nghĩa, liên quan đến khu vực nghĩa trang, và tái định cư. Trên lý thuyết, với khoảng 5km đường qua địa bàn, diện tích đất thu hồi GPMB khoảng 70ha tại 4 phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai, Phú Lãm, Phú Lương; hiện nay cơ bản 3 phường đã hoàn thành khối lượng công việc, chỉ còn mỗi Yên Nghĩa, nhưng, đây cũng là địa phương vất vả nhất trong câu chuyện Vành đai 4 của quận Hà Đông.
Lãnh đạo thành phố từng nhiều lần về Hà Đông làm việc với cán bộ chuyên trách, cũng như trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Về phía quận, đồng chí Bí thư, Chủ tịch quận cũng nhiều lần dẫn đầu đoàn công tác của quận về cơ sở để lắng nghe ý kiến của người dân, thông tin - phân tích về chủ trương, và từ đó báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những nguyện vọng chính đáng, hợp tình, hợp lý. Nhưng thực tế, đã và đang có những khó khăn cả khách quan và chủ quan, vượt thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của quận. Ví dụ, việc tái định cư cho người dân; giữa “đầu đi” và “điểm đến” đến thời điểm này vẫn chưa thống nhất được “mặt bằng giá” hợp lý; chưa kể tâm lý của nhiều người trong diện GPMB luôn viện dẫn chính quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước: nơi tái định cư ít nhất phải bằng, hoặc hơn nơi ở cũ.
Cũng liên quan đến câu chuyện hỗ trợ, thụ hưởng chế độ tái định cư; quy định đại khái chỉ áp dụng đối với cá nhân sinh sống thường xuyên trên khu đất được cấp “sổ đỏ”. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp vì cuộc sống mưu sinh, họ cho thuê nhà, đất đã được cấp “sổ đỏ” ấy, và đi thuê chỗ khác diện tích nhỏ hơn, vị trí khuất nẻo hơn. Nên khi cơ quan chức năng rà soát, xác định thực trạng ăn ở, những trường hợp này sẽ bị ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng quy định về tái định cư… Từ những buổi đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, quận đã tập hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền, và có cả những đề xuất. Ở đây tôi muốn chia sẻ suy nghĩ, đối với những dự án lớn, đặc thù, rất cần có những chủ trương, chỉ đạo “đặc thù”. Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án đặc thù. Nhưng xét về quy mô, tính chất, khối lượng công việc trong thời gian tới, thì quận Hà Đông sẽ bắt tay triển khai dự án lớn hơn nhiều, là mở rộng Quốc lộ 6; liên quan đến cả nghìn tổ chức, cá nhân, trong đó rất nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, rất cần cơ chế, chủ trương chỉ đạo vừa bám sát quy định pháp luật, vừa linh hoạt, kịp thời, sát thực tế, để cấp cơ sở hiệu quả hơn trong quá trình tuyên truyền, triển khai GPMB…”.
Ông Nguyễn Minh Trường (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông, Hà Nội)
“Phát huy vai trò của lực lượng Công an trong công tác dân vận”
“Tôi cho rằng quá trình triển khai GPMB đường Vành đai 4 thời gian qua, tuyên truyền và dân vận là 2 lĩnh vực hết sức quan trọng để đạt được những thành công bước đầu. Cấp cơ sở như xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) chúng tôi, không quá để nói rằng thực sự như diễn ra những “chiến dịch” về tuyên truyền - dân vận. Từ các đồng chí trong Thường vụ xã, rồi cán bộ cơ sở, đại diện các ngành, đoàn thể, người cao tuổi uy tín… đều tham gia trách nhiệm trong các tổ, đoàn công tác tuyên truyền - dân vận. Và nòng cốt trong đó, không thể thiếu lực lượng Công an xã. Họp Thường vụ, tôi nêu quan điểm và các đồng chí trong Thường vụ nhất trí ngay, phải phát huy vai trò của lực lượng Công an trong công tác tuyên truyền - dân vận. Nắm người, nắm hộ, nắm việc, ít cán bộ ban, ngành, đoàn thể nào hơn được lực lượng Công an. Tuyên truyền bài bản, có cách thức, có nghệ thuật, xuất phát từ nắm rõ chủ trương, hiểu rõ quy định pháp luật, hơn ai hết, cũng chính là lực lượng Công an. Tất nhiên cùng với đó, đòi hỏi từng cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần dân, sát dân, bám cơ sở và gắn kết chặt chẽ với đoàn viên, hội viên các ngành, đoàn thể. Tuyên truyền - dân vận đạt kết quả sẽ không chỉ góp phần thành công cho dự án, mà nó củng cố bền chặt hơn mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các lực lượng ở cấp cơ sở. Quan trọng hơn nữa, đó là tiền đề để hình thành và giữ vững thế trận an ninh nông thôn, như Văn Bình chúng tôi.
Ông Ngô Đình Tiến (Chủ tịch UBND xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội)