Đường về - Bài 1

Cộng đồng người Việt hiện có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ lâu Đảng, Nhà nước ta luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, một bộ phận trong số người ra đi vẫn ôm mối hận thù chế độ, chống phá đất nước. Một bộ phận còn băn khoăn, lo lắng trước ma trận thông tin về cách hành xử của Nhà nước, Chính phủ ta với kiều bào. Bên cạnh đó, vẫn có những người bất chấp mọi hiểm nguy để tìm đến 'miền đất hứa'. Nhưng với sự nỗ lực, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta về chính sách người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người mang nặng định kiến, từng tuyên bố 'không bao giờ trở lại' đã trở về trong vòng tay Mẹ Việt Nam.

NƯỚC MẮT NƠI “MIỀN ĐẤT HỨA”

Đang yên lành, đùng một cái, cô cháu họ có việc làm ổn định tại văn phòng một công ty tài chính lớn ở TP. Hồ Chí Minh ly dị chồng. Không chỉ bố mẹ cháu mà cả dòng họ nhốn nháo, bởi cô cháu gái chính là niềm tự hào của cả dòng họ. Học hành giỏi giang, việc làm đẳng cấp với thu nhập cao ở thành phố lớn, lại có chồng kinh doanh bất động sản, giàu có và thời thượng. Lại đùng một cái, sau ly hôn cả hai vợ chồng cùng sang Úc. Loanh quanh thế nào lại “châu về hợp phố”. Cả họ đoán già đoán non về chuyện ly hôn rồi tái hôn của đôi trẻ, vì vợ chồng bác cả nhất quyết không bật mí điều gì. Hai năm sau, khi vợ chồng cô cháu gái trở về thăm quê, ai nấy mới té ngửa vì cái kế hoạch “sang bển” bằng mọi giá của chúng.

Cô vợ vẫn sang trọng, đài các; anh chồng vẫn phong cách, thời thượng, nhưng sao trong mắt cô cháu gái lại vương một nỗi buồn. Ngập ngừng một lúc khi tôi hỏi cuộc sống bên ấy thế nào, cháu trả lời như hụt hơi: Hồi còn ở Sài Gòn, nghe bạn bè nói ở bển, trẻ con chỉ cần được tạm trú thì dù quốc tịch gì cũng được nhập học miễn phí đến hết trung học cơ sở. Hai khoản y tế và giáo dục được nhà nước đài thọ toàn phần, trong khi ở Sài Gòn phải chi phí rất tốn kém đã làm cháu choáng ngợp. Thế là vợ chồng bàn nhau ly hôn giả để sang bển. “Vậy ổn rồi. Nhiều cặp ly hôn giả để đi Tây mà thành ly hôn thiệt đó cháu!” - tôi động viên. “Nhưng sang bển rồi mới thấy mình vội vàng, nông nổi quá cô ơi! Ở bển này, ảnh kinh doanh bất động sản nên chẳng có chuyên môn gì. Tiếng Anh lại không giỏi nên rất khó tìm việc. Còn cháu, tiếng Anh khá hơn nhưng bển này chỉ làm văn phòng, tuổi cũng gần bốn mươi nên tìm việc cũng khó”. “Vậy rồi…” - tôi định hỏi vậy các cháu làm gì để sống? Nhưng thấy vẻ e ngại trong mắt cháu nên kịp dừng lại. “Thì cũng kiếm việc làng nhàng, không cần chuyên môn sâu. Thôi coi như hy sinh vì con cái, cô ạ!” - cô cháu gái trả lời mà mặt buồn rượi.

Ra thế! Không cần chuyên môn sâu, hẳn là mấy việc chân tay như làm nail, bán hàng trong siêu thị, phục vụ quán ăn hay làm vườn, đánh cá… Rõ ràng so với ông chủ kinh doanh bất động sản hay nhân viên văn phòng của công ty tài chính thời còn ở Việt Nam, thân phận vợ chồng cô cháu gái bên trời Tây đã thay đổi hoàn toàn. Hèn gì trông nó buồn đến thế! Vậy mà cả dòng họ, trong đó có tôi đã vui mừng cho gia đình bác cả, mừng cho gia đình cháu đã đạt được giấc mơ định cư trời Tây. Rồi vừa nghe tin vợ chồng cháu về thăm quê, mấy đứa em, cháu họ đã xếp hàng chờ nhận quà, vì “anh chị ấy bên Tây về, thiếu gì tiền”!

Dù gì, câu chuyện tìm “miền đất hứa” của cô cháu họ tôi còn có kết cục không đến nỗi nào, bởi vợ chồng vẫn cùng sẻ chia những khó khăn, gian khổ nơi xứ người để nuôi dạy con cái. Thực tế là không ít gia đình có người thân xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài chia sẻ tài chính mà đổi đời. Ngược lại cũng không ít gia đình sống dở chết dở vì giấc mơ xuất ngoại. Đã có biết bao câu chuyện buồn, thậm chí là đau buồn của những người cố thực hiện giấc mơ hoang đường nơi xứ người. Ngay hàng xóm của nhà tôi ở quê, gia đình đã thế chấp nhà và vay mượn thêm để con trai đi xuất khẩu lao động tại Úc. Công ty tuyển dụng cam kết nếu không đi được sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền cùng giấy tờ liên quan. Nhưng tiền đi đã 2 năm mà người vẫn ôm đống nợ ngân hàng và có nguy cơ phải bán nhà trả nợ.

Rõ ràng, dù ra đi bằng cách nào thì con đường xuất ngoại làm giàu chưa bao giờ dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng. Những hình ảnh về “miền đất hứa” với khoản thu nhập cao chót vót và một công việc ổn định chỉ là ảo tưởng với những người chưa va chạm với thực tế đầy khắc nghiệt ở những quốc gia xa xôi. Bởi dù ở đâu, muốn có cuộc sống sung túc thì vẫn phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả sinh mạng như 39 người Việt xấu số đã chết thảm khốc trong một xe container đông lạnh bên nước Anh cách đây mấy năm.

Ai cũng có quyền mơ ước về một cuộc sống giàu sang ở những đất nước văn minh, hiện đại. Thế nhưng không ít người vì quá tôn sùng cuộc sống xa hoa ở những đất nước tiên tiến mà không biết rằng ở đó, người ta cũng phải lao động như khổ sai mới đủ sống và có chút dư dả gửi về gia đình. Nhiều người khi về nước mang cái “mác” Việt kiều Mỹ, Úc, Canada nhưng họ cũng chỉ là những thợ đánh cá, làm vườn, bồi bàn, làm nail… vất vả không khác gì lao động trong nước. “Việc nhẹ lương cao” chỉ là cái bẫy để kẻ lừa đảo chiêu dụ những người nhẹ dạ. Không chỉ đi Mỹ, châu Âu, không ít người Việt bị sập bẫy đến Campuchia để rồi phải làm việc như nô lệ. Vậy mà vẫn không ít người cố xuất ngoại bằng mọi giá để tìm kiếm sự “đổi đời” một cách hoang đường.

Vào những ngày cả thế giới đảo điên vì đại dịch Covid-19, dù đất nước còn nghèo, còn thua xa những cường quốc phương Tây về kinh tế nhưng Nhà nước, Chính phủ đã tìm mọi cách đón con dân đất Việt từ mọi nơi trên thế giới trở về lánh đại nạn. Họ được đất mẹ mở rộng vòng tay bao dung, chở che, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được chữa trị miễn phí, được hỗ trợ phương tiện trở về quê nhà… Cho dù có những giấc mơ thành hiện thực thì tiền bạc, cuộc sống xa hoa nơi “miền đất hứa” nào còn có nghĩa gì khi đến mạng sống cũng không giữ được!?

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137686/duong-ve-bai-1