Đường về đang gần lại của 'chị đại' khoác áo chung thân
Hơn chục năm thi hành bản án chung thân về tội Giết người, Nguyễn Thị Nga, SN 1989, trú tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã biết tu tỉnh. Giờ Nga trầm tính hơn, lao động chăm hơn và biết lắng nghe lời cán bộ trại giam...
Nẻo đường hướng thiện:
Quá tam 3 bận
Dáng người hơi dong dỏng, nét mặt có phần cá tính, bướng bỉnh, phạm nhân Nguyễn Thị Nga bảo rằng khuôn mặt mình không còn xinh như trước, bởi do hậu quả của sự ngỗ ngược xưa kia. Từng có ước mơ làm đầu bếp, nhưng đang ở độ tuổi ăn học, Nga đã theo nhóm bạn trai, gái trong huyện tham gia nhập cuộc vào những thói hư, tật xấu. Ban đầu, cô ta vào quán hát gần nhà.
Tại đây, mặc dù là cô gái sống ở thôn quê, nhưng Nga đã hòa nhập với cả chục bạn bè uống rượu, chơi kẹo và những thói hư tật xấu của giới trẻ gây ra những ảo giác nguy hiểm. Thậm chí, không ít lần Nga theo nhóm bạn ra Hà Nội chơi và những tụ điểm ăn chơi của giới trẻ Hà thành, cô ta cũng khá thông thạo. Cũng bởi vì a dua cùng chúng bạn, 18 tuổi, khi trong người đã có hơi men, Nga đã gây tai nạn. Người va chạm với cô bị gẫy chân, còn Nga bị khá nặng ảnh hưởng đến não, khuôn mặt cũng có phần bị ảnh hưởng, biến dạng.
Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Thị Nga bảo rằng cũng có lẽ bị ảnh hưởng từ hậu quả vụ tai nạn, nên tâm tính của cô hàng có phần hung hăng hơn trước. Nên khi hồi phục một phần sức khỏe, Nga tiếp tục nhập hội tham gia với nhóm bạn xấu. Vì thế, 19 tuổi, Nga bị TAND huyện Tĩnh Gia xử 15 tháng tù cho hưởng án treo về tội “trộm cắp tài sản”. Cứ tưởng, Nga sẽ lấy đó là bài học để sống tu tỉnh, học lấy một nghề gì đó ấm cho bản thân. Thế nhưng, cô ta đã phạm sai lầm hết lần này đến lần khác. Nga tiếp tục tái phạm nguy hiểm. Hơn 1 năm sau, 12-2009, TAND huyện Tĩnh Gia tiếp tục xử Nguyễn Thị Nga 12 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Ngày 27-3-2010 Nga chấp hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, khi ra tù không được bao lâu, Nga tiếp tục gây ra chuyện tày đình.
Theo tài liệu điều tra, tối một ngày đầu tháng 5-2011, Nga cùng với Lê Văn Chiến, Nguyễn Ngọc Nại đến quán cà phê MU (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) để uống nước và hát karaoke. Khi đến quán có một nhóm thanh niên đang ngồi uống nước, trong đó có anh Lê Quang Long cùng anh Trần Mạnh Hùng và 2 người bạn khác. Tại đây, Nga đã mang bia sang bàn anh Long mời nhưng bị các anh này từ chối. Ấm ức nuôi hận trong lòng, vì cho rằng nhóm của anh Long dám coi thường “chị đại”. Một lúc sau, khi ra hàng hoa quả gần đó, Nga thấy nhóm anh Long cũng đi từ quán hát đi ra và định lên taxi. Nga cầm dao gọt hoa quả ra gõ cửa xe yêu cầu nhóm anh Long xuống nói chuyện. Vì sợ, nên cả 4 cùng xuống xe.
Lúc này, có một người đi qua, có biệt danh là Long Sứt. Anh Long nói với Long Sứt “bọn nó định đánh em”. Long Sứt nói: “Đứa nào đụng đến nó là chết với tao”. Nga bực tức nhưng không nói gì và đi vào bàn chỗ hai người bạn của mình đang ngồi uống bia. Khi ngồi đó, Nga vẫn đem lòng ấm ức và định bụng sẽ cho anh Long biết mình là ai. Vì vậy, Nga đã cầm dao đi ra cổng. Khi ra đến cổng, thấy Long đang đứng nói chuyện với chị Mai (là nhân viên trong quán). Nga ngồi đối diện hỏi “sao còn chưa về?”. Anh Long đứng lên trả lời “em đang đợi xe”. Ngay lúc đó, Nga đứng lên lấy dao đâm một nhát vào bụng của anh Long. Bị đâm bất ngờ, anh Long loạng choạng ôm ngực kêu cứu và gục ngã. Không dừng lại, Nga còn dùng dao hăm dọa tất cả những ai có ý định đưa anh Long đi cấp cứu, rồi mới bỏ trốn. 6 tiếng sau khi gây án, Nga đã bị bắt.
Đường về đang gần...
Nhận bản án Chung thân về tội Giết người, Nga mới bừng tỉnh. Bởi bản thân vừa bị cách ly hơn 2 năm về tội Trộm cắp tài sản, giờ lại tiếp tục phạm tội nguy hiểm hơn. Chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân, muốn chứng tỏ mình là “chị đại”, mà Nga đã đẩy bản thân vào vũng bùn đen tối. Thời gian đầu về trại cải tạo, Nga đã chống đối ra mặt. Nhưng được sự động viên của cán bộ quản giáo, Nga dần nhận ra lỗi lầm và xác định chỉ có con đường lao động tốt trong trại giam, ngày về của cô mới có cơ hội ngắn lại.
Vì vậy, sau gần chục năm cải tạo trong trại, phạm nhân Nguyễn Thị Nga bảo rằng mình đã trải qua nhiều công việc khác như như từ làm mã, đến làm hạt cườm, nhưng với cô công việc nào cũng hoàn thành. Bởi những lao động trong trại giam, chỉ cần chăm chỉ, linh hoạt chút thôi và không quậy phá là có kết quả lao động cải tạo tốt.
Nhắc đến gia đình, phạm nhân Nguyễn Thị Nga bảo rằng vì hoàn cảnh, gia đình cũng xa xôi nên thường khoảng 1 năm gia đình mới ra thăm cô 1 lần. “Có lúc em cũng buồn khi nhìn thấy những bạn tù khác có người thân thăm gặp thường xuyên hơn. Nhưng rồi, em cũng tự nhủ với mình là tội lỗi do chính bản thân không biết vâng lời gây ra nên giờ không trách ai được. Vì vậy, dù có lúc rất cô đơn và rất buồn nhưng em vẫn cố gắng lao động cải tạo. Em hiểu rằng, chỉ có con đường lao động đạt loại khá tốt thì ngày bẻ án của em mới đến gần...”, phạm nhân Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Phạm nhân Nguyễn Thị Nga cho biết, giờ đây khi được gia đình, bố mẹ tha thứ cho lỗi lầm của mình nên đó cũng là động lực và là điểm tựa để cô hướng tới. Bên cạnh đó, Nga cũng đang đếm từng ngày để đến ngày bẻ án xuống có thời hạn và như thế, cô có thể xây đắp, học nghề và nghĩ dần đến ngày được tái hòa nhập cộng đồng. “Em mong muốn, sau khi được ra trại, sẽ làm một công việc nào đó như may hay sẽ đi học thêm nấu ăn để làm đầu bếp, dần đứng dậy làm lại cuộc đời...”, phạm nhân Nguyễn Thị Nga tâm sự.