'Đường về' rất gần của những học viên sau cai nghiện ma túy
Tại cơ sở cai nghiện ma túy (CNMT), học viên được dạy nghề, lao động trị liệu. Khi trở về cộng đồng, họ được TP Hà Nội, địa phương cho vay vốn, tạo việc làm.
Con đường sáng này gần hay xa phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm, cố gắng, tính kỷ luật, tự giác của người sau CNMT.
Luôn đồng hành cùng học viên cai nghiện ma túy và sau cai
Ngày 2/11, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 89) tổ chức tọa đàm, trao đổi về dạy nghề, việc làm cho học viên tại các cơ sở cai nghiện và vay vốn, tạo việc làm cho người sau CNMT tại nơi cư trú với chủ đề “Đường về”. Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi – Ủy viên Ban Chỉ đạo 89 Chính phủ; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn – Trưởng ban Chỉ đạo 89 TP.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 89 TP nhấn mạnh, trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo các cấp luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người CNMT. TP đặc biệt quan tâm tới công tác cai nghiện, quản lý sau cau nghiện, trong đó có công tác lao động trị liệu tại các cơ sở và tạo việc làm tại nơi cư trú cho người sau CNMT.
TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách trong công tác dạy nghề, tạo việc làm và vay vốn dành cho học viên sau cai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tại các cơ sở CNMT cũng như tại địa phương, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho học viên sau cai trở về nơi cư trú còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nhu cầu được dạy nghề tại các cơ sở CNMT là mong muốn của học viên, là cầu nối để trở về cuộc sống lành mạnh, là nhân tố quan trọng góp phần giảm nguy cơ tái nghiện. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo TP cũng như các địa phương.
Tại Chương trình, nhiều học viên Cở sở CNMT số 3 và số 6 đã chia sẻ về việc trong thời gian cai nghiện đã được học nghề, mong muốn khi trở về hòa nhập cộng đồng có thể làm việc, vay vốn kinh doanh nhỏ. “Tại cơ sở CNMT, chúng tôi đã được học nghề Điện dân dụng trình độ sơ cấp 3 tháng. Chúng tôi muốn khi trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng được chính quyền quan tâm giới thiệu cho một công việc hoặc cho vay vốn để mở cửa hàng nhỏ, có thu nhập ổn định cuộc sống” – anh Nguyễn Đình Tú, một học viên chia sẻ.
Hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm cho người sau cai
Công tác định hướng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện, người sau cai nghiện ma túy luôn được Bộ LĐTB&XH, UBND TP Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương và gia đình học viên đặc biệt quan tâm. Bởi hầu hết chúng ta đều biết rõ, nếu công tác định hướng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện, người sau CNMT được thực hiện tốt sẽ giúp học viên có hành trang vững chắc hơn để trở về gia đình, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống; từ đó giảm nguy cơ tái sử dụng ma túy.
Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành từ TP đến cơ sở; đặc biệt là sự quan tâm, chủ động của người thân và của học viên, trong thời gian qua đã có nhiều học viên sau cai nghiện đã tiếp tục được rèn luyện, học tập và tạo môi trường làm việc phù hợp, giúp họ vượt qua sự cám dỗ của ma túy, có những thành công nhất định trong công việc. Họ thực sự trở thành những tấm gương sáng để nhiều học viên khác noi theo.
Trước những mong muốn của học viên CNMT về việc được tạo việc làm, lãnh đạo TP, Công an, Sở ĐTB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội, Hiệp hội DN trẻ TP và các địa phương, DN cho biết luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành khi học viên tái hòa nhập cộng đồng.
Trưởng phòng LĐTB&XH quận Long Biên Trần Thị Hoài Hương thông tin: quận Long Biên đã chỉ đạo các phường và các ngành vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ học viên hoàn thiện quy trình, thủ tục về công tác quản lý, theo dõi hỗ trợ. Cùng với đó, ban hành các quyết định để phân công cụ thể cho các tổ trưởng tổ dân phố, hội đoàn thể… cùng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai trở về. Học viên sẽ được tham gia vào các mô hình quản lý sau cai trên địa bàn quận để được chia sẻ, động viên, tư vấn về sức khỏe, pháp luật, hỗ trợ học văn hóa, tìm việc làm, học nghề…
Công tác phòng chống và kiểm soát ma túy, CNMT và quản lý sau CNMT phải tích cực đổi mới, nâng cao hơn nữa về chỉ tiêu và chất lượng. Thông qua hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo 89 TP Lê Hồng Sơn đề nghị các ban ngành đoàn thể, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt hơn nữa về công tác CNMT và quản lý sau cai. Trong đó xác định được tầm quan trọng của công tác dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu cho người CNMT tại các cơ sở cai nghiện. Đồng thời hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau CNMT tại nơi cư trú thông qua các mô hình sau CNMT.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, giới thiệu các chính sách của T.Ư và TP cho người sau CNMT… Sở LĐTB&XH Hà Nội bên cạnh việc chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch công tác cai nghiện và quản lý sau cai cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp tiếp nhận, tổ chức quản lý, điều trị cho học viên tại cơ sở. Bám sát nhu cầu của học viên cũng như các quy định, chính sách hiện hành; chủ động tham mưu xây dựng cơ sở chính sách, phối hợp nhằm đổi mới, nâng cao công tác dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Sở LĐTB&XH Hà Nội khẩn trương phối hợp với các sở, ban ngành hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình HĐND ban hành về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, quản lý sau cai nghiện; giải trình, bảo vệ các chính sách đặc thù, vượt trội của Hà Nội trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đối với các học viên đang CNMT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhắn nhủ, tương lai, cuộc sống, đường về có tốt đẹp, thành công hay không chính là phụ thuộc vào bản lĩnh, nghị lực, nỗ lực cố gắng của bản thân mỗi học viên. Hãy tận dụng tối đa hiệu quả, cơ hội cai nghiện, học nghề, thành nghề có việc làm, thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, để những nỗi đau, giọt nước mắt cơ cực không còn rơi trên khuôn mặt đau khổ của những người thân yêu của mình.
Cai nghiện ma túy thành công, vinh dự được kết nạp Đảng
Cai nghiện thành công là một hành trình đầy gian nan và thử thách. Song việc giữ gìn không tái nghiện cũng là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. Tại chương trình, các đại biểu và học viên giao lưu với anh Ngô Hữu Mười (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) và anh Nguyễn Trường Giang (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), sau khi hoàn thành CNMT năm 2014 và 2013 đến nay đều không tái nghiện.
Hiện nay anh Mười là Tổ phó Tổ Quản lý kinh doanh khai thác chợ Đông Xuân, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 xã Đông Xuân; anh Giang làm nghề xây dựng, tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ B93 từ năm 2014 đến nay. Với sự cố gắng nỗ lực và ý chí vươn lên, cộng với sự hỗ trợ của địa phương, ngày 18/5/2022 anh Ngô Hữu Mười vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duong-ve-rat-gan-cua-nhung-hoc-vien-sau-cai-nghien-ma-tuy.html