Đường xưa mây trắng đã bay về trời

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Ông là thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.

Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu.

Rất nhiều học trò của thiền sư đã gặt hái được nhiều hoa trái trong thực tập và tiếp nối sự nghiệp hoằng hóa mà ông trao truyền suốt những thập kỷ qua.

Ông được xem là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ 2 ở phương Tây, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách xuất bản từ trước 1975 cho đến nay. Một số cuốn sách nổi tiếng của ông là: Đường xưa mây trắng, Phật trong ta, Chúa trong ta, Thả một bè lau...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11-10-1926 ở Thừa Thiên Huế. Thời niên thiếu, ông đã được tiếp xúc với sách vở và tư liệu Phật giáo, nên năm 16 tuổi ông quyết định xuất gia tại chùa Từ Hiếu (Huế) và có pháp danh là Trừng Quang và pháp hiệu là Nhất Hạnh. Qua nhiều năm học hành và tu tập, ông chính thức trở thành nhà sư năm 23 tuổi. Ông theo phái tu Đại Thừa.

Ông chính là người đề xướng trường phái “Engaged Buddhism” (Phật giáo Dấn thân). Ông từng tuyên bố “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn”. Do đó, theo ông, người theo Phật không chỉ tu thân, mà còn phải hành động vì một mục tiêu hay một chủ trương. Dấn thân do đó bao gồm những việc làm như nhận trẻ mồ côi để nuôi, làm thiện nguyện, thậm chí nhập ngũ, hay nói chung là “nhập thể". Nhập thể là đi tu không phải chỉ giới hạn trong chùa, trong thiền am, mà phải ra ngoài xã hội là tác động.

Một số cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Ông để lại cho đời rất nhiều câu nói mang tính minh triết. Trong đó đề cao sự thấu hiểu, yêu thương và tự do. Chẳng hạn như: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”; “Không có hạnh phúc chân chính nào mà không được thiết lập trên tự do. Tự do bắt đầu bằng chánh niệm rất nhỏ. Trầm trầy trầm trật. Nhưng một ngày nào đó nó sẽ trở thành một hạt giống tốt. Và chánh niệm đó sẽ cho mình không gian, từ từ lớn lên. Trong Thánh Kinh nói rằng hạt giống tuy nhỏ nhưng trồng xuống thì sẽ trở thành ra cây lớn, chim chóc có thể bay về trên cây đó mà nương tựa. Chánh niệm cũng vậy. Nếu không có chánh niệm, chúng ta chỉ là những người mê ngủ, nô lệ trong màng lưới nhân - quả mà thôi“; ”Tình yêu của bạn phải khiến cho người yêu cảm thấy tự do"; “Hãy sống như thế nào mà mỗi hành động trong ngày của chúng ta đều là những hành động của yêu thương”; “Cuộc đời của chúng ta phải là một thông điệp của chúng ta”...

Từ ý thức đến thực hành “Buổi sáng thức dậy, tôi mỉm cười, 24 giờ mới hoàn toàn trước mắt tôi. Tôi nguyện sống một cách trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và nhìn tất cả chúng sinh bằng đôi mắt từ bi”. Kể cả di nguyện của thiền sư: “Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: Trong này không có gì. Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: Ngoài kia cũng không có gì. Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là: Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn”.

“Lá rụng về cội”, năm 2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh về lại Việt Nam. Thiền sư đã viên tịch tại chùa Từ Hiếu lúc 0 giờ ngày 22-1-2022, nơi ông xuất gia cách đây 80 năm, hưởng thọ 96 tuổi, nhưng những di sản tinh thần của ông sẽ còn ở lại với đời rất lâu.

Kính tiễn biệt Thiền sư thảnh thơi về nơi cõi Phật!

CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/duong-xua-may-trang-da-bay-ve-troi/22606.htm