Đường xuân
Tôi chọn Hà Nội. Bởi bốn năm trọ học cạnh một khu chợ xép xập xệ, tồi tàn, mỗi lần đứng trên ban công những ngày giáp Tết, tôi vẫn thường nhìn những túp nhà mái tôn xiêu vẹo chui lủi trong đám lau sậy cạnh khúc sông đen ngòm bốc mùi hôi thối và tự hỏi, những người lao động nghèo nơi đó sẽ đón Tết thế nào?
- Cái con bé ấm đầu này - Mẹ tôi giọng hơi gắt.
Có một ngày, tôi bỗng thấy chán ngán thị trấn này, chán ngán cái sự tẻ nhạt, sáo mòn bản chất ẩn sau lớp vỏ bọc rộn rã, tưng bừng những ngày giáp Tết. Cảm tưởng guồng quay cuộc sống đang diễn tiến bình thường, đột nhiên khựng lại ở cái dấu mốc mang tên năm mới khiến người người mất đà, giật mình, đổ dồn về phía trước với tốc độ chóng mặt, mua bán, sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng và ti tỉ thứ khác như đang chuẩn bị sân khấu cho mấy vai diễn nhạt nhòa, gượng gạo theo một kịch bản khuôn thước, cũ mèm.
Có thể tôi hơi tiêu cực, nhưng tôi nghĩ, ít nhất với gia đình tôi, đó là sự thật. Bởi lẽ, Tết năm nào, mẹ cũng phải vò đầu, bứt tai đi tìm lời giải cho hàng chục hộp quà nhỏ, to, xanh, đỏ để bố lòng vòng biếu tặng cấp trên.
Xong xuôi lại quần quật tay chân soạn sửa, trau chuốt hàng chục mâm cỗ, tàn hồi hương, thức ăn nguội lạnh, người mỏi rã rời, chẳng còn sức mà nhâm nhi, thưởng thức. Bố thì sáng sực nức nước hoa, tối sặc nồng bia rượu. Tôi phụ mẹ nhặt rau, rửa bát, chùi nhà, giặt quần áo, loay hoay mãi rồi cũng chẳng kịp tút tát đi đó, đi đây. Tết như một cơn ác mộng ngộp thở. Đến mức, năm nào hết Tết, mẹ tôi lại sụt bốn, năm cân.
Tôi là con gái út trong gia đình. Tốt nghiệp ngành Sáng tác Văn học, tôi về quê, viết báo độ nhật và ôm ấp giấc mộng hoàn thành những cuốn tiểu thuyết best seller. Vậy mà đã ba năm trôi qua kể từ ngày nhận tấm bằng loại ưu, trên văn đàn chính thống, tên tuổi của tôi vẫn phập phù như những bong bóng mưa mỏng mảnh.
Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, thầy tôi bảo, văn chương không phải là cuộc đua vận tốc mà là hành trình giải mã cái tôi cô độc. Tôi đã thử tự làm mình cô độc bằng những chuyến "phượt" dài ngày lên mạn Tây Bắc cheo leo, rồi chưa kịp nghỉ ngơi đã lênh đênh sông nước miền Tây ngắm những triền điên điển bung vàng sắc nắng.
Những chuyến đi giúp tôi có đủ tư liệu cày cuốc những bút ký, phóng sự dài kỳ trên mấy trang báo lớn mà tôi làm cộng tác viên thường xuyên. Nhưng nó chưa đủ sức làm đầy những trang tiểu thuyết hãy còn dang dở trong chiếc laptop cũ rích của tôi. Giấc mộng tiểu thuyết đành gác lại, nhường chỗ cho những bài báo, trang văn ngắn hạn.
Mấy năm nay, cứ đến mùa báo Tết, tôi lại ra sức tăng tốc "quẩy" vài chục bài báo và dăm cái truyện ngắn sương sương. Đôi khi soi gương, tôi tự cười nhạo chính mình, lấy con số đó nhân cho hai mươi năm, mình sẽ có hơn trăm cái truyện ngắn về Tết? Mấy ai viết được truyện Tết xứng đáng với từ hay?
Truyện Tết giống như những cô gái lạm dụng phẫu thuật thẩm mĩ, ra đường, mặt cô nào cũng na ná cô nào. Dễ hiểu thôi, đã trở thành một thứ công thức, truyện Tết luôn luôn phải ấm áp, hân hoan, tươi sáng. Chắc chắn, trong số đặc biệt, sẽ chẳng tòa soạn nào đăng một truyện Tết viết về đám ma hoặc không có gì khó hiểu nếu những cảnh nóng trần trụi, xù xì bị cắt bỏ. Nắm rõ điều đó, truyện Tết nào của tôi cũng đều luẩn quẩn với bánh chưng, hoa đào, cánh én bằng thứ văn đèm đẹp, làm màu rồi cố gắng dẫn dắt sao cho mạch truyện đi đến kết thúc có hậu. Nhàn nhạt đến mức, nếu đem mớ truyện ấy của tôi trộn với các truyện Tết khác như một món gỏi với điều kiện cắt hết tên tác giả thì e rằng, nửa năm sau, đọc lại, có khi tôi còn không phân biệt nổi đâu là truyện mình viết.
Nghĩ mà ngán ngẩm. Đến mình còn ngán ngẩm truyện mình thì độc giả sẽ cảm nhận ra sao? Hay nó cũng là thứ đồ trang trí cố gồng lên hoa mĩ trên mặt giấy thơm tho mà sự thật chẳng mấy ai đoái hoài, nhòm ngó?
Bởi vậy, mùa báo Tết năm nay, tìm đủ lý do từ chối những lời mời cộng tác của các anh chị biên tập viên thân thiết, tôi nhất quyết không viết truyện ngắn. Tôi bỗng dưng thấy sợ khoảng thời gian lặng lẽ ngồi trên căn gác xép nhỏ cả ngày ròng, bên ô cửa sổ tróc sơn, giữa cái lạnh mùa đông, cố tưởng tượng và nhào nặn nên những xác chữ luôn tỏ ra đồng cảm, thẳm sâu mà đâu giấu nổi sự vô hồn, rỗng rễnh. Tôi muốn đốt cháy hết những thứ chữ nghĩa sắp đặt ấy để trải nghiệm, để nạp đầy năng lượng, vốn sống bằng một chuyến đi xa…
- Nhưng con phải hết sức cẩn thận - Biết tôi là đứa bướng bỉnh, bản lĩnh, bố đồng ý với điều kiện - Tối đa chỉ được đi đúng ba ngày thôi nhé.
Mẹ tôi lườm bố:
- Anh lại làm hư nó rồi!
- Em hay nhỉ? Em là một giáo viên Văn chả nhẽ không hiểu một tác giả trẻ như con bé rất cần sự trải nghiệm?
-Vâng, bố con anh làm gì cũng đúng hết. Chỉ có tôi là khó tính, khó nết thôi. - Mẹ dỗi hờn, chằm chằm nhìn tôi, cằn nhằn.
- Ba ngày chứ ba mươi ngày cũng được!
Tôi chọn Hà Nội. Bởi bốn năm trọ học cạnh một khu chợ xép xập xệ, tồi tàn, mỗi lần đứng trên ban công những ngày giáp Tết, tôi vẫn thường nhìn những túp nhà mái tôn xiêu vẹo chui lủi trong đám lau sậy cạnh khúc sông đen ngòm bốc mùi hôi thối và tự hỏi, những người lao động nghèo nơi đó sẽ đón Tết thế nào?
Ba mươi Tết, xe tôi chạm đến xóm tạm cũng là lúc trời nhá nhem tối. Ba năm rồi, xóm chẳng thay đổi nhiều. Dẫn đường cho tôi là mùi rác rưởi chua ngòm, mùi thịt ôi thiu sặc sụa, mùi nước thải tanh nồng quyện hòa sánh đặc. Dọc hai bên đường, dây điện chằng chịt, rối vò như mạng nhện vắt dọc, vắt ngang trên những cột gỗ còng quèo, bất quy tắc. Một vài nhà khóa cửa kín mít. Những nhà còn lại cũng đã sáng đèn. Ánh đèn vàng vọt dồn bóng tối qua một bên càng làm cho khung cảnh thêm tù mù, nham nhở.
Trên khoảng ngõ đọng nước, mấy đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác đang chơi oẳn tù tì đổi vỏ kẹo. Tôi lái xe chầm chậm để cảm nhận nhịp sống nơi đây chủ yếu hiện lên bằng những thứ âm thanh hỗn hợp. Đâu đó rền rền tiếng chổi quét nhà loẹt xoẹt. Tiếng nói râm ran giọng miền Bắc hòa cùng giọng miền Trung. Tiếng con lợn bị chọc tiết kêu ré lên thảm thiết. Thi thoảng, những bóng xe máy thồ lạch xạch lao vào, đằng sau đùm túm bao nhiêu là thứ hàng hóa ngổn ngang, lỉnh kỉnh. Tôi liền dừng xe, nhấc máy ảnh, bấm liên tục.
Càng vào sâu, ngõ càng chật, những túp nhà san sát nhau càng lụp xụp, hắt hiu. Ở đây, thời gian như đang ngưng đọng và Tết quên gõ cửa. Mải quan sát hai bên, bánh xe máy bất thình lình lọt ổ gà khiến tôi bật ngã. Cả thân xe đổ ập lên hai đùi. Chiếc cần số đã kịp bập vào mắt cá chân tôi một cú đau điếng. Đúng lúc ấy, từ trong nhà, một người phụ nữ chạy ra vừa gồng sức lật chiếc xe đỡ tôi dậy, vừa hốt hoảng:
- Trời ơi, có đau lắm không?
- Dạ, em không sao.
Chị dìu tôi vào nhà, giọng vẫn cuống quýt:
- Ở đây tối quá, vào đây chị xem có việc gì không?
Chị phủi những lớp bụi bám trên quần áo tôi rỗi bỗng thốt lên khe khẽ:
- Em bị chảy máu rồi.
- Em không sao, chị ơi. Em rửa qua một chút là ổn thôi.
Dù tôi luôn miệng bảo "không sao" nhưng chị vẫn tất tả chạy sang nhà hàng xóm xin oxy già và bông y tế về sơ chế vết thương cho tôi. Đoạn thấy tôi chỉ bị toạc một lớp da mỏng, nét mặt chị mới dãn ra yên tâm. Rồi chẳng mấy chốc, hai chị em đã mặn chuyện như thể thân thiết từ lâu rồi. Chị đang vặt lông gà, thi thoảng ngẩng đầu lên bắt chuyện:
- Đồng hương đây rồi. - Giọng chị mộc mạc. - Chị là người Hà Trung.
- Lúc nào có dịp qua Tĩnh Gia, chị gọi em nhé.
- Sao giờ này em còn chưa về quê đón Tết?
- Em còn một số việc riêng chưa giải quyết xong, chị ạ.
Tất nhiên tôi không thể nói ra cái ý tưởng đi tìm trải nghiệm để sáng tác có phần điên rồ của mình. Chị không hỏi gì thêm mà nhìn tôi bằng ánh mắt đồng cảm sưng mọng. Bây giờ, tôi mới nhận ra điều đó. Có lẽ trước khi tôi đến đây, một điều gì đã khiến chị khóc nhiều nhưng tôi không tiện hỏi. Tôi lảng ánh mắt vào trong cái túp nhà vỏn vẹn chừng mười mét vuông, quây bằng thứ tôn gỉ sét và thủng lỗ chỗ, hơi ngỡ ngàng khi mọi thứ đơn sơ được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ.
Thấy tôi bối rối, chị chuyển chủ đề, kể về công việc thường nhật của chị. Ban ngày, chị vặt lông gà thuê ở chợ, ban đêm phụ quán ăn rửa bát. Những ngày giáp Tết này, chị bận rộn luôn chân, luôn tay, có hôm chỉ kịp chợp mắt vài ba tiếng.
- Tất bật cả ngày mà chẳng đáng là bao em ạ. Mình ít chữ thì phải chấp nhận thôi. Thế em làm nghề gì?
- Em ấy ạ. Em viết lách tự do thôi.
Cái nghề có vẻ chẳng ăn nhập với bộ quần áo theo phong cách Military tôi đang mặc.
- Em đến đây có việc gì à?
Tôi đang lúng túng chưa tìm ra lời giải thích phù hợp thì đúng lúc đó, có bà hàng xóm mang sang cho chị bó hoa nhỏ và nhúm lá chanh. Bà nói bằng chất giọng miền Trung nằng nặng:
- Một số cánh bị dập, tôi bóc bỏ ra rồi. Vẫn còn đẹp chán, cắm vào chai Sting trông sẽ chắc chắn hơn. - Bà hàng xóm của chị lén nhìn tôi - Ai mà trông là lạ thế này?
Chị nhanh nhảu:
- Vâng, cháu cảm ơn cô. Là em gái họ của cháu, cô ạ.
- Sáng mai dẫn em họ qua nhà tôi ăn lòng lợn nữa nhé.
Bà hàng xóm về rồi, chị vẫn chờ đợi câu trả lời của tôi. Lúc này thì tôi đã kịp xoay xở tình thế bằng một lý do trọn vẹn:
- Em làm mất con chó cảnh của bà chủ nhà trọ. Có người bảo thấy nó chạy xuống lối này.
- Giờ tối rồi. Sáng mai, chị sẽ đi tìm cùng em. Thế em định ăn Tết ở đâu?
- Em có một mình, lát về mua cái gì đó ăn qua loa là được, chị ạ.
- Chị cũng chỉ có một mình ở đây. Nếu em không chê thì ở lại đón Tết cùng chị cho vui?
Chỉ đợi chị nói thế, tôi mỉm cười đồng ý luôn. Mắt chị ánh lên nét cười dịu nhẹ. Đây là năm thứ hai liên tục chị ăn Tết ở Hà Nội. Năm ngoái, con trai chị bị viêm màng não, phải điều trị hơn tháng ròng tại bệnh viện Bạch Mai. Lúc xuất viện đã là mùng một Tết, bà mẹ đơn thân đành đưa con về đây để tiện bề theo dõi, tái khám.
Chị kể, cái Tết ở xóm tạm tăm tối này vừa buồn lại vừa vui. Buồn một lẽ ai tha hương mà chẳng khao khát được đoàn tụ với gia đình những ngày xuân về, Tết đến. Ngặt nỗi, muốn về thì phải có tiền. Mà đồng tiền thời buổi này là thứ kiếm đã khó, giữ lại càng khó hơn. Những người đủ tiền thì đã khóa trái cửa, khăn gói hồi hương hết rồi. Những người ở lại đều có những hoàn cảnh riêng. Có người nghe xúi bậy, đặt vận may vào trò đỏ đen mà mất toi cả năm vất vả. Có người sau trận ốm thập tử nhất sinh thì trở lại trắng tay. Có người đi ngủ quên đóng cửa, con lợn tiết kiệm không cánh mà bay. Lại có người chưa kịp nhận lương đã bị người ta hầm hầm siết nợ…
Nhưng rồi, năm mới chính là dịp người dân xóm tạm này gạt những muộn phiền, đen đủi ấy qua một bên, nhà nào có gì thì góp nấy, ngồi quây quần trên tấm bạt xanh, ăn uống, chúc tụng, hát hò, tâm sự. Hết mùng hai Tết lại tiếp tục guồng quay xuôi ngược mưu sinh.
- Mỗi người một quê mà, nên mâm cỗ nhiều món, nhiều loại bánh lắm, em ạ. Có gia đình còn mang ra cả con mực to đùng, nướng lên thơm điếc mũi. Họ cười bảo, chẳng kiêng cữ gì hết, năm mới cũng ăn mực, lấy đen trị đen.
Tôi chợt mường tượng ra cái không khí đầm ấm, yên vui và thấm đẫm tình người âm ỉ cháy lên giữa khung cảnh tưởng chừng rất tù túng, cô quạnh này. Tôi vỡ ra rằng, nếu cứ ngồi khóa cửa phòng và viết, cả đời này, tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ nổi những chi tiết bình dị mà nhân văn như vậy. Năm nay, tôi nhất định phải đón Tết ở đây. Không chừng, những trải nghiệm chân thực sẽ đủ chất sống cho tôi hoàn thiện cuốn tiểu thuyết còn dang dở.
- Vậy tại sao năm nay chị không về Tết?
Chị vớt con gà vừa luộc chín ra chiếc rổ nhỏ, bỗng bật khóc:
- Tất niên mà, khách đến thuê vặt lông gà đông quá. Chị mải làm rồi bị lỡ xe, chẳng còn chuyến nào qua Hà Trung nữa. Chiều nay gọi điện, thằng cu còn khoe hai bà cháu đang gói bánh chưng chờ chị về đón giao thừa…
Tôi lướt điện thoại, mở Google Maps. Bây giờ là 8h tối, nếu đi xe máy về Hà Trung với tốc độ trung bình cũng chỉ mất nhiều nhất khoảng ba tiếng rưỡi. Mình có thể chở chị về nhà kịp đón giao thừa. Đột nhiên, một sự ích kỷ dâng lên xâm chiếm tâm trí tôi. Nếu vậy thì mình sẽ bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm cái Tết đặc biệt ở xóm tạm này. Cuốn tiểu thuyết của mình sẽ ra sao? Nhưng đôi mắt sưng mọng của chị đã chiến thắng phần hẹp hòi trong tôi. Chẳng còn nhiều thời gian cho sự chần chừ nữa, tôi nói với chị, giọng quả quyết:
- Em sẽ chở chị về, ngay bây giờ.
Chị sửng sốt:
- Đường sá xa xôi. Chân em lại bị đau nữa. Thế còn gia đình em?
- Bốn tiếng không kịp để em về Tĩnh Gia. Nếu chị tin em thì cho em đón giao thừa cùng gia đình chị được không?
Vượt chặng đường gần 150 cây số, chúng tôi về đến nhà chị thì đúng lúc pháo hoa trong màn hình chiếc ti vi nhỏ nổ từng hồi giòn giã. Mùi hương trầm ngòn ngọt lan tỏa khắp không gian. Nghe tiếng xe máy, một thằng bé gầy gò chạy ra và sung sướng hét lên:
- Bà ơi, mẹ đã về! Mẹ đã về!
Khoảnh khắc này, tôi bỗng thấy vừa rưng rưng xúc động, vừa nhớ nhà da diết. Và mắt tôi cay cay…
Truyện ngắn của Phan Đức Lộc (Công an tỉnh Điện Biên)
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/duong-xuan-578430/