Đứt dây chằng chéo trước - ác mộng của giới cầu thủ
Khoảng 20 - 25% cầu thủ tái phát chấn thương sau khi phẫu thuật dây chằng chéo trước đầu gối - kiểu chấn thương tai hại của Đình Trọng, Duy Mạnh, Tuấn Anh...
Sáu năm qua, AS Roma đối mặt 19 ca rách dây chằng chéo trước đầu gối (anterior cruciate ligament - ACL). Chấn thương đó xuất hiện ở cầu thủ từ già đến trẻ, từ lúc tập luyện đến thi đấu, và trên cỏ nhân tạo lẫn cỏ tự nhiên. CLB ở thủ đô Italy làm tất cả để cải thiện tình hình. Họ thay đội ngũ y tế, ban huấn luyện và sân tập. Nhưng mùa này, Roma vẫn đón thêm ba ca chấn thương ACL, từ Devid Bouah, Davide Zappacosta và tài năng trẻ Nicolo Zaniolo.
Để hiểu chấn thương ACL, cần biết cấu tạo đầu gối. Đầu gối là một khớp nối xương đùi, xương chày và xương mác bằng các dây chằng. Khớp gối là khớp lớn nhất cơ thể, chịu toàn bộ tải trọng của người. Nó cũng linh hoạt bậc nhất khi có thể xoay theo nhiều hướng, nhưng cũng phức tạp nhất. Dây chằng chỉ bị tổn hại nhỏ, cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động của khớp gối.
Cấu tạo khớp gối. Ảnh: Bs. Nguyễn Quang Trọng.
Có bốn loại dây chằng. Dây chằng chéo trước và sau nằm trong khớp gối, nối xương đùi và xương chày. Dây chằng bên mác nối xương đùi với xương mác, còn dây chằng bên chày nối xương đùi với xương chày. Bốn dây chằng này giúp khớp gối linh hoạt.
Trong hai dây chằng chéo, dây chéo sau khỏe hơn dây chéo trước. Hai dây này giúp xương chày không bị di chuyển trước sau, theo phương ngang. Dây chéo sau dễ bị đứt khi xương chày bị đẩy ra sau so với xương đùi. Còn dây chéo trước dễ bị đứt khi xương chày bị trật ra trước so với xương đùi, hoặc xương đùi bị trật ra sau so với xương chày.
Có ba mức tổn thương dây chằng, đó là giãn (mức 1), đứt một phần (mức 2) và đứt hoàn toàn (mức 3). Khi trụ, xương chày cố định, tác động vào phía trước đầu gối có thể khiến dây chéo trước bị căng ra quá mức và đứt. Chấn thương của trung vệ Đỗ Duy Mạnh trong trận Siêu Cup quốc gia hôm 1/3 là ví dụ.
Duy Mạnh đứt hoàn toàn dây chéo trước, đồng thời tổn thương sụn chêm. Sụn chêm hoạt động như miếng đệm giữa hai đầu xương, để chúng tránh cọ xát vào nhau. Tổn thương sụn chêm sẽ khiến cầu thủ bị đau khi di chuyển. Tình huống dẫn tới chấn thương của Duy Mạnh khá giống trung vệ Juventus Merih Demiral, trong trận gặp Roma ngày 12/1/2020.
Duy Mạnh bị chấn thương khi vừa tiếp đất, bị Amido Balde thúc mạnh vào đùi, dẫn tới trật khớp gối, đứt dây chằng, tổn thương sụn chêm.
Demiral (số 28) tiếp đất chân trái, va chạm với cầu thủ Roma, dẫn tới trật khớp gối, đứt dây chằng.
Giới nghiên cứu khoa học vẫn bất đồng khi thống kê nguyên nhân dẫn tới chấn thương ACL. Nghiên cứu của nhóm tác giả Na Uy trên tạp chí Y tế - Thể thao Mỹ năm 1997 chỉ ra rằng 70% ca chấn thương ACL trong bóng đá phong trào đến từ thi đấu, và 46% đến từ tranh chấp tay đôi. Nghiên cứu của nhóm tác giả Na Uy khác trên tạp chí Y tế - Thể thao Anh năm 2015 lại cho thấy 85% chấn thương ACL trong bóng đá chuyên nghiệp nam đến từ tình huống không phải tranh chấp, hoặc tranh chấp không trực tiếp.
Hai thống kê này không đồng nhất, phần vì không gian mẫu chưa đủ lớn, phần vì khác biệt giữa bóng đá phong trào và chuyên nghiệp. Nhưng, có một quan điểm mà các nghiên cứu đều đồng tình, đó là chấn thương ACL trong bóng đá chuyên nghiệp ngày càng tăng, khoảng 6% mỗi năm. Lý do có thể là bóng đá hiện đại ngày càng nhanh và quyết liệt hơn.
Demiral không phải trường hợp chấn thương ACL duy nhất trong trận đấu giữa Roma và Juventus hôm 12/1, còn có Zaniolo. Tiền vệ 20 tuổi liên tục cầm bóng đột phá và làm khổ hàng thủ đội khách. Phút 36, anh nhận bóng từ sân nhà, xộc thẳng vào trung lộ trước sự truy cản của Rabiot từ phía sau và De Ligt từ phía trước. Zaniolo đặt trụ chân phải, lách ngang sang trái một cách đột ngột. Rabiot và De Ligt vào bóng phạm lỗi cùng lúc, nhưng trước khi có tác động, Zaniolo đã kêu lên đau đớn. Việc chuyển hướng đột ngột, trong lúc bị vây ráp, khiến đầu gối của anh không chịu nổi. Hậu quả là Zaniolo đứt ACL và nghỉ hết mùa.
Chuyển hướng đột ngột là một trong những tình huống dễ dẫn tới chấn thương ACL. Memphis Depay cũng gặp trường hợp tương tự Zaniolo. Ngoài ra, vẫn còn một số tình huống khác thường gặp. Marco Asensio bị đối thủ tỳ đè lên lưng trong lúc đang trụ, Kurt Zouma và Zlatan Ibrahimovic tiếp đất bằng một chân duỗi thẳng, sau khi nhảy lên tranh chấp. Gerard Deulofeu bị gập đầu gối khi trụ sau khi va chạm với Van Dijk, hay Merih Demiral bị đối thủ va vào đầu gối đúng lúc tiếp đất. Phần lớn tình huống kể trên đều xuất phát từ áp lực mà đối thủ tạo ra, trực tiếp hay gián tiếp.
Chấn thương ACL xuất phát từ trật khớp gối. Ảnh: Bs. Nguyễn Quang Trọng.
Duy Mạnh là cầu thủ thứ sáu thuộc lứa U23 Việt Nam năm 2018 gặp chấn thương dây chằng nghiêm trọng, sau Phạm Xuân Mạnh, Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng và Lương Xuân Trường. Xuân Mạnh bị rách dây chằng cổ chân, còn năm cầu thủ kia dính ACL. Văn Đức và Xuân Trường chấn thương trong lúc đá tập nội bộ, những cầu thủ còn lại gặp vấn đề khi thi đấu.
Đình Trọng bị đứt ACL ngày 31/5/2019, trong chuyến làm khách của Hà Nội tại HAGL. Trong lúc tỳ đè với tiền đạo Chevaughn Walsh ở phút 37, anh thất thế. Anh chới với vài nhịp, rồi giẫm chân sai tư thế, dẫn tới trật khớp gối, đứt dây chằng. Tình huống này khá giống chấn thương của Deulofeu khi va chạm với Van Dijk hôm 29/2.
Chấn thương ACL là ác mộng với các cầu thủ, vì nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nếu thiếu may mắn. Càng tệ hơn khi các nghiên cứu vẫn chưa thống nhất phương pháp rèn luyện phòng ngừa chấn thương này. Các bài tập thể lực giúp cơ thể quen với các vận động trong lúc khi đấu, có thể hạn chế rủi ro chấn thương. Nhưng, cũng có thể dây chằng trước khỏe hay yếu tùy vào cơ địa mỗi người.
Nỗi sợ lớn hơn cả với chấn thương ACL là quá trình hồi phục và trở lại thi đấu. Cầu thủ bị ACL cần được phẫu thuật tái tạo dây chằng mới, từ dây chằng cũ. Dây chằng mới được đưa vào vị trí cũ, nối hai khớp xương. Để khớp gối quen dần với dây chằng mới, các cầu thủ thường mất sáu đến chín tháng hồi phục. Thời gian hồi phục là bài toán hóc búa, khi các cầu thủ đều muốn trở lại thi đấu sớm nhất có thể. Nhưng, nếu trở lại sớm, họ dễ tái phát chấn thương hơn.
Một nghiên cứu trên tạp chí Hà Lan Elsevier chỉ ra tỷ lệ 15,3% người chơi thể thao trở lại thi đấu trong vòng bảy tháng từ chấn thương ACL, sẽ tái phát. Người chơi bóng đá có nguy cơ tái phát cao nhất, lên tới 20,8%. Nghiên cứu từ Nagelli và Hewett năm 2017 cho thấy gần một phần ba VĐV dính ACL, nếu trở lại thi đấu có nguy cơ bị chấn thương ACL thứ hai trong vòng hai năm đầu. Một nghiên cứu khác trên Sport Sciences for Health tháng 12/2006 cho thấy cầu thủ Serie A hồi phục trong trung bình 203 ngày kể từ sau phẫu thuật ACL, có 52,6 phần trăm khả năng thương tổn đầu gối.
Một lần nữa, các thống kê không thống nhất. Nhưng, điểm chung là cầu thủ trở lại thi đấu sớm hơn, có nguy cơ chấn thương cao hơn. Tháng 9/2015, Nabil Fekir đứt hoàn toàn ACL khi thi đấu cho đội tuyển Pháp. Anh trở lại thi đấu sau đúng bảy tháng, nhanh hơn ba tháng so với dự kiến. Bác sĩ Rajpal Brar đến từ 3CB Performance cho rằng có 25% nguy cơ Fekir tái phát, và 20,5% đầu gối còn lại bị tổn thương do phải chịu nhiều tải trọng hơn.
Chỉ bốn tháng sau khi trở lại thi đấu, Fekir bị tái phát và vắng mặt thêm một tháng. Đầu năm 2018, Fekir một lần nữa tái phát và tiếp tục vắng mặt trong một tháng. Chấn thương còn hai lần gieo rắc lên Fekir, nhưng ở mức độ nhẹ.
Duy Mạnh sẽ mất sáu đến chín tháng hồi phục. Ảnh: Đức Đồng.
Cầu thủ sau khi chấn thương ACL cũng nguy cơ tổn thương phần dưới thân cao hơn bình thường. Kể từ sau chấn thương ACL năm 2014, tiền vệ Hà Lan - Kevin Strootman - dính thêm năm ca chấn thương phần dưới thân. Anh phải nghỉ thi đấu tổng cộng gần một năm với những vấn đề này. Strootman hay Fekir đều vẫn thi đấu ở cấp độ cao nhất. Thống kê của tạp chí Y tế - Thể thao Anh chỉ ra rằng 65% cầu thủ chuyên nghiệp vẫn thi đấu ở cùng cấp độ so với trước khi chấn thương ACL.
Trong năm cầu thủ Việt Nam kể trên, mới có Văn Thanh trở lại thi đấu. Cầu thủ HAGL dính chấn thương ACL ở trận gặp TP HCM ngày 16.9.2018. Đến ngày 3.10.2018, bác sĩ mới phát hiện Văn Thanh bị đứt dây chằng, nhưng không đứt hoàn toàn. Anh trở lại thi đấu ngày 28.4.2019 và đến nay chưa gặp thêm chấn thương nào nghiêm trọng.
Chấn thương ACL được biết đến nhiều nhất trong bóng đá Việt Nam có lẽ thuộc về Nguyễn Tuấn Anh. Tuấn Anh mới 25 tuổi, nhưng đã dính hơn 10 ca chấn thương. Anh đứt dây chằng lần đầu năm 17 tuổi, đi kèm tổn thương sụn chêm. Đến nay, tiền vệ Thái Bình chủ yếu gặp vấn đề phần thân dưới. Tuấn Anh có lẽ thuộc nhóm 20% đến 25% cầu thủ có nguy cơ tái phát hoặc tổn thương thân dưới sau phẫu thuật ACL. Nguyên nhân chưa được làm rõ.
Trường hợp như Tuấn Anh không hiếm. Thomas Vermaelen, Rafinha Alcantara hay Marco Reus đều vật lộn với chấn thương sau phẫu thuật ACL. Đó là cơn ác mộng mà cầu thủ không bao giờ biết liệu họ có gặp phải.