Dứt điểm giải quyết tồn đọng, bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp hóa chất
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi làm việc với Công ty Apatit Việt Nam, Công ty CP DAP số 2 và Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Lào Cai mới đây.
Đối mặt khó khăn
Theo ông Nguyễn Tiến Cường - Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam (Apatit) - tổng doanh thu của công ty 9 tháng năm 2019 đạt 2.117 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm, giảm 20% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.168 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm; giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng quặng apatit sản xuất đạt 1.600.000 tấn, bằng 66% kế hoạch năm, giảm 20% so với cùng kỳ. Sản lượng quặng apatit tiêu thụ là 1.480.000 tấn, bằng 58% kế hoạch năm, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, bằng 72% kế hoạch năm; giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
“Các chỉ tiêu chủ yếu đều không đạt kế hoạch và giảm sút nhiều so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu giảm 20%, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thực hiện chỉ đạt 42% kế hoạch năm và giảm 55% so với cùng kỳ 2018. Thu nhập cán bộ công nhân viên giảm 3,5 triệu đồng/người/tháng so với kế hoạch năm và cùng kỳ năm 2018” - ông Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.
Nói về nguyên nhân ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Tiến Cường cho biết, mặc dù từ cuối năm 2018, bước sang đầu năm 2019, nhu cầu quặng apatit của các đơn vị sản xuất trong nước vẫn ở mức cao (năm 2019 các đơn vị đăng ký tổng các loại quặng là 4,8 triệu tấn), song qua quý I, sang quý II/2019 nhu cầu giảm sút mạnh, các sản phẩm sản xuất từ quặng apatit: phân bón, phốt pho vàng và hóa chất tiêu thụ chậm, giá bán sụt giảm mạnh so với cuối năm 2018 (giá giảm khoảng trên 7%), tồn kho sản phẩm các đơn vị tăng cao, chi phí đầu vào tăng.
Cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 (DAP 2) - cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2019 của DAP 2 gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của thị trường ngành phân bón, giá bán và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm DAP giảm rất sâu, chất lượng quặng apatit không ổn định làm tăng định mức sản xuất và kéo theo chất lượng sản phẩm DAP không ổn định, tình hình tài chính của công ty rất khó khăn. Theo đó, tổng doanh thu của DAP 2 đạt hơn 1.051 tỷ đồng, bằng 43% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 1.495 tỷ đồng, bằng 61,7% so với cùng kỳ. Sản lượng phân bón DAP đạt 127.064 tấn, bằng 49% so với cùng kỳ...
Sau sự cố vỡ đê bao bãi thạch cao (gypsum) tháng 9/2018, trong 9 tháng năm 2019 công ty đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm dưới sự giám sát của 2 đoàn giám sát do UBND tỉnh Lào Cai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường thành lập. Theo đó, DAP 2 vừa vận hành vừa tiếp tục triển khai các hạng mục bảo vệ môi trường và khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đê bao bãi gypsum, hoàn thiện hồ sơ, hạng mục công trình bảo vệ môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận cho vận hành chính thức trước ngày 30/10/2019.
“Sản phẩm phân bón DAP là sản phẩm không chịu thuế VAT đầu ra nên không được khấu trừ thuế VAT đầu vào làm tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm và giảm hiệu quả kinh tế (năm 2019 giảm khoảng 95,23 tỷ đồng)” - ông Nguyễn Văn Đông nêu.
Đối với Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, “gam màu” sáng hơn, 9 tháng năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang - thông tin, sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2019 của tổng công ty sụt giảm 30%; lợi nhuận giảm 40% so với cùng kỳ. Trong đó mặt hàng phốt pho vàng giảm cả về sản lượng lẫn giá thành, do một phần ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động đến công nghiệp điện tử dẫn đến nhu cầu phốt pho vàng giảm. Cạnh tranh giữa các nhà cung cấp phốt pho trong nước và ngoài nước cũng làm giá thành giảm. “Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết và nhiều nguyên nhân khác như cung vượt cầu, dư thừa lương thực nên việc tiêu thụ phân bón cũng như nguyên liệu của sản xuất phân bón giảm...” - ông Đào Hữu Huyền nhận định.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Đối với Công ty Apatit, cụ thể liên quan đến xuất khẩu (XK) quặng apatit, ông Nguyễn Tiến Cường kiến nghị, năm 2017, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) giải quyết XK khối lượng khoáng sản tồn kho, tạo điều kiện giúp công ty giữ vững tốc độ tăng trưởng, Bộ Công Thương đã cho phép công ty XK quặng apatit theo Giấy phép số 8274/BCT-HC ngày 8/9/2017, thời gian XK đến hết năm 2020. Trên cơ sở giấy phép được cấp, tính đến 30/6/2019, công ty đã XK được 250 nghìn tấn quặng apatit pha trộn có hàm lượng P2O5 min 30%, theo đúng chủng loại và chất lượng được phép XK.
Việc XK quặng apatit trong thời gian vừa qua đã đem lại hiệu quả nhiều mặt, tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho công ty, giúp công ty thu hồi được vốn ứ đọng, giảm được khối lượng quặng tồn kho, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động và mở rộng thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước đang tiếp tục giảm mạnh. “Trong thời gian tới, dự báo thị trường tiêu thụ quặng apatit trong nước tiếp tục gặp khó khăn, để ổn định doanh thu, việc làm và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, công ty tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác XK nhằm bù đắp sản lượng tiêu thụ sụt giảm trong nước” - ông Nguyễn Tiến Cường cho biết.
Về phía Công ty CP DAP số 2, ông Nguyễn Văn Đông đề xuất, xem xét, gia hạn thời gian áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu thêm 02 năm từ sau ngày 6/3/2020. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho công ty giữ nguyên lượng tồn trữ chất thải gypsum trong 5 năm sản xuất như đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt và bổ sung thêm các tiêu chuẩn kỹ thuật cho thạch cao nhân tạo sản xuất từ gypsum để sản xuất vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lấp mặt bằng, nền móng đường... để có thêm căn cứ nghiên cứu và đầu tư xử lý thạch cao PG hiệu quả và chấp thuận cho công ty được đầu tư mở rộng bãi thải gypsum tạm thời hoặc đầu tư bãi thải gypsum lâu dài trong điều kiện xử lý gypsum đang gặp khó khăn. “Bên cạnh đó, công ty kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế VAT số 71/2014/QH13 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 - 5%” - ông Nguyễn Văn Đông kiến nghị.
Với Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền mong muốn chưa tăng thuế XK phốt pho vàng từ 5 lên 20%, nếu tăng thuế trong bối cảnh hiện nay có thể dẫn tới việc các doanh nghiệp phải dừng sản xuất do không có lãi. “Mặt khác, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với chính quyền địa phương các tỉnh/thành phố ủng hộ các dự án mới của tập đoàn trong giai đoạn 2020-2025. Hiện nay có tâm lý cứ nghe công nghiệp hóa chất là e ngại” - lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang nêu ý kiến.
Tập trung các giải pháp cụ thể
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận những nỗ lực của cả 3 công ty trong công tác điều hành, quản trị để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng năm 2019. Đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế VAT số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất là 0- 5% của cả 3 doanh nghiệp, Thứ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị, trao đổi với Bộ Tài chính (vừa qua Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bày tỏ quan điểm ủng hộ) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tập đoàn và các doanh nghiệp cần chủ động tính toán cụ thể tác động của các chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành cũng như các tác động đến nguồn thu nộp ngân sách nhà nước, việc làm cho người lao động... để có luận cứ cho việc sửa đổi quy định của pháp luật.
Liên quan đến XK quặng apatit, công ty đã có Văn bản số 805/TTr-KHTT ngày 17/7/2019 gửi Bộ Công Thương. Đến nay, Bộ đang giao Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Cục Hóa chất xem xét, giải quyết đề nghị của công ty. Về vấn này, Thứ trưởng lưu ý, tại thời điểm thị trường trong nước đang khó khăn, XK đóng vai quan trọng gỡ khó mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Trên thực tế quặng đã tuyển, hàm lượng đã tăng và qua chế biến hoàn toàn XK có hiệu quả, phù hợp với thị trường, nên phải khẩn trương triển khai xử lý để hỗ trợ cho DN. Ngay trong tuần tới, Cục Hóa chất cần phối hợp với Cục Công nghiệp giải quyết các vấn đề công ty đã kiến nghị” - Thứ trưởng giao nhiệm vụ.
Riêng với khó khăn của Công ty CP DAP số 2, mặc dù DAP 2 đã rất nỗ lực tiết giảm chi phí; tìm mọi giải pháp để duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện thị trường gặp nhiều khó khăn, bất lợi nhưng nếu các kiến nghị trên chưa được chấp thuận thì kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 và năm 2020 vẫn lỗ. Các kiến nghị trên đã được đưa vào phương án sản xuất kinh doanh 3 năm (2018 - 2020) nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng nhìn nhận, DN phải tính toán kỹ lưỡng, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất. Có biện pháp kiểm soát chi phí giá thành chặt chẽ, bắt đầu từ việc đảm bảo dây chuyền vận hành tin cậy, ít sự cố. Bên cạnh đó phải nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, khối lượng sản phẩm từng thời điểm, bám sát thị trường, tránh tồn kho… Tìm mọi biện pháp để tăng hiệu quả sản xuất.
Về vấn đề tài chính, vốn vay và trả nợ ngân hàng, Thứ trưởng đưa ra yêu cầu, trước mắt DAP 2 rà soát khung khấu hao quy định trong Thông tư 45/2018/TT-BTC quản lý, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức và tài sản cố định do Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý, báo cáo Bộ Tài chính. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ DAP 2 trong đàm phán với các ngân hàng. “Vấn đề bãi chứa thạch cao PG tại DAP 2, hướng nghiên cứu xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng hiện tại chưa phải là giải pháp lâu dài do trong khu vực ít có nhà máy xi măng. Trong khi đó lượng thạch cao PG tồn trữ lớn tại bãi chứa của hai nhà máy DAP là vấn đề cấp bách. Do đó, tại thời điểm này, tập đoàn cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các Bộ, ngành sớm xây dựng quy chuẩn để sử dụng gypsum làm vật liệu/làm nền đường giao thông, san lấp mặt bằng, xử lý dứt điểm bãi thải gypsum trong một vài năm tới” - Thứ trưởng đề nghị.
Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, các DN cần chủ động lập kế hoạch sử dụng tro, xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn vào mục đích san lấp mặt bằng và sử dụng vào các mục đích phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến thông tin về hoạt động của nhà máy hóa chất (bao gồm công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường, các ứng dụng của các loại vật liệu xây dựng từ tro, xỉ thạch cao...) để người dân, các cộng đồng dân cư và các cơ quan quản lý tại địa phương nắm bắt đầy đủ thông tin và có cái nhìn đúng về việc phát triển công nghiệp hóa chất.
Về đề xuất của Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang với Bộ Công Thương có ý kiến với các chính quyền địa phương ủng hộ các dự án mới của tập đoàn trong giai đoạn 2020-2025, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, hiện rất nhiều địa phương có tâm lý không khuyến khích việc đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất, nhiệt điện, dệt nhuộm, dệt may và cho rằng đó là những nguy cơ trực tiếp liên quan đến vấn đề môi trường tại địa phương. Thực tế, tại thời điểm này, đầu tư các dự án công nghiệp với những công nghệ mới có thể đảm bảo giảm thiểu đến mức độ tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Luật Môi trường và quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về môi trường thế giới. Thế nhưng vẫn có tình trạng rất nhiều địa phương nói không và từ chối đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. “Đó là vấn đề rất đáng quan ngại. Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ, phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu ngành công nghiệp nào cũng cho là ô nhiễm thì làm sao đất nước có thể phát triển được”- Thứ trưởng bày tỏ.
Về đề nghị của tỉnh Lào Cai tăng thuế XK phốt pho vàng từ 5 lên 20%, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - nêu ý kiến, tình hình sản xuất, tiêu thụ phốt pho vàng đang khó khăn, tăng thuế XK chắc chắn sẽ đóng cửa 6-7 nhà máy trên địa bàn tỉnh Lào Cai (công suất 80.000 - 90.000 tấn/năm). “Đây là đề xuất trong Nghị định 125 sửa đổi do Bộ Tài chính chủ trì về thuế XK một số mặt hàng, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất như hiện tại, nếu tăng thì cũng cần xét đến tình hình thực tế và có lộ trình”, ông Thanh nêu cụ thể.
Liên quan đến đề xuất tăng thuế XK phốt pho vàng của UBND tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất gửi báo cáo bằng văn bản sang UBND tỉnh và Bộ Tài chính để giải trình thêm.
Đối với định hướng phát triển của Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Thứ trưởng Đặng Hoàng An gợi mở, Hóa chất Đức Giang cần phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động nghiên cứu, định hướng trong 5 năm, 10 năm tới, đâu sẽ là lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn của Đức Giang, từ đó điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hợp lý, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, có hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu trở thành doanh nghiệp đầu tàu trong ngành công nghiệp hóa chất, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị giỏi, có nguồn nhân lực trình độ cao, có thể cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng không chỉ ở thị trường trong nước mà cả nước ngoài. Hóa chất Đức Giang cần tận dụng lợi thế về cơ chế quản lý, về nguồn lực đã tích lũy được để đặt các mục tiêu cao hơn, xa hơn. Đây cũng là thực hiện chủ trương của Đảng trong việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường.