Đứt lìa bàn tay, biến dạng khuôn mặt vì chơi pháo cận Tết

Thời gian gần đây, hàng loạt người bị thương nặng phải nhập viện vì sử dụng pháo nổ tự chế, báo động tình trạng thiếu an toàn trong việc sử dụng pháo mỗi mùa Tết về.

Càng gần Tết Nguyên đán, càng nhiều trường hợp nhập viện vì pháo nổ được ghi nhận trên khắp cả nước. Các bệnh nhân nhập viện có trường hợp bị thương nặng ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bỏng mặt, thậm chí là tử vong.

Nhiều tai nạn thương tâm khắp cả nước

Trong một tuần trở lại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ liên tiếp tiếp nhận 5 ca tai nạn do pháo nổ. Nạn nhân đều là những người trẻ có độ tuổi 14-17.

Trường hợp T.H.H. (15 tuổi) nghịch pháo tự chế bị nổ vào tay trái. Người bệnh nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái, chảy máu nhiều. H. đã được phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh, huyết động ổn định, mỏm cụt 1/3 dưới cẳng tay trái dịch thấm băng.

Nghiêm trọng hơn, H.V.Q. (17 tuổi) nhập viện sau khi bị pháo nổ trong tình trạng tỉnh, mắt mờ, xây xát nhiều vị trí, vết thương cung mày trái 4 cm, dập nát cẳng bàn tay hai bên. Người bệnh được chẩn đoán sốc đa chấn thương với chấn thương sọ não, hàm mặt, chấn thương phức tạp bàn tay hai bên.

Sau phẫu thuật, người bệnh được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Sau phẫu thuật 4 ngày, thiếu niên này tỉnh chậm, vẫn thở máy, tiên lượng nặng.

Trước đó, ngày 6/1, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cũng ghi nhận một trường hợp 19 tuổi nhập viện sau khi sử dụng pháo tự chế.

Bệnh nhân được chuyển đến viện trong tình trạng lơ mơ, đứt lìa bàn tay (P), nhiều vết thương vùng mắt, hàm mặt, cổ, ngực, bụng và cơ quan sinh dục, các vết thương chảy nhiều máu. Bệnh nhân sau đó đã được mổ cấp cứu cắt lọc khâu mỏm cụt 1/3 dưới cẳng tay phải, cắt lọc cố định xương hàm trên bên (T) và điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình cũng như khoa Răng hàm mặt.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên vụ pháo nổ đã để lại di chứng nặng nề. Bệnh nhân mất một bàn tay (P). Vết thương lớn vùng mặt trái chắc chắn để lại sẹo, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ trên gương mặt bệnh nhân.

 Bệnh nhân tại An Giang bị mất hẳn bàn tay (P) sau tai nạn liên quan đến pháo nổ. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân tại An Giang bị mất hẳn bàn tay (P) sau tai nạn liên quan đến pháo nổ. Ảnh: BVCC.

Ngày 25/12/2022, tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, 5 học sinh đặt mua các hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo để bán. Quá trình thực hiện đã gây ra nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 em bị thương nặng.

Làm gì khi gặp người bị tai nạn pháo?

BSCKI Nguyễn Thị Diễm Hà, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn.

Ngoài ra, pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… nên việc người đốt sẽ tiếp xúc rất gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay...

Cách bước sơ cứu khi gặp tai nạn do pháo nổ:

- Đối với chấn thương ở mắt, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt. Sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.

- Nếu bị chảy máu mắt phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay.

- Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cho nạn nhân cẩn thận.

- Nếu bị bỏng da, hãy nhanh chóng làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, bạn hãy nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần phân biệt giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa để sử dụng an toàn cũng như đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2021 đã có những quy định và phân biệt rõ ràng về các loại pháo này.

Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng "đốt" phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ) là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại pháo này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt, trừ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dut-lia-ban-tay-bien-dang-khuon-mat-vi-choi-phao-can-tet-post1395173.html