Đứt lìa tay không thể nối liền vì bảo quản sai cách, bác sĩ khuyến cáo gì?

Người đàn ông ở Huế đứt lìa tay nhưng không được chỉ định nối liền vì bảo quản phần chi đứt rời sai cách. Theo bác sĩ, để phục vụ việc nối phần chi bị cắt rời phải được bảo quản tối ưu trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế…

Khoảng 17h25 ngày 10/11, anh T.B.V. (ở Thừa Thiên Huế) khi đang điều khiển ô tô con chạy theo hướng xã Điền Hải - Điền Lộc (huyện Phong Điền) va chạm với xe máy BKS 74AF-028.xx khiến người đàn ông điều khiển xe máy bị đứt lìa cánh tay trái.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, mất máu, đụng dập phổi, đứt lìa 1/3 trên cánh tay. Qua thăm khám, do việc bảo quản tay không đúng cách nên không có chỉ định nối chi đối với bệnh nhân.

Liên quan vấn đề này, TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, việc quản lý chi đứt lìa trước phẫu thuật rất quan trọng. Kết quả của việc nối chi phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến bệnh nhân, bản chất của chấn thương và kỹ năng cũng như kinh nghiệm của đội ngũ phẫu thuật.

Các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Phẫu thuật tạo hình tiến hành ca nối chi cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Phẫu thuật tạo hình tiến hành ca nối chi cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hai yếu tố đầu tiên không thể kiểm soát được. Do đó, điều quan trọng bác sĩ phẫu thuật vi phẫu có kinh nghiệm cần đánh giá khả năng phù hợp để thực hiện nối chi.

"Mọi bệnh nhân đều được thực hiện đánh giá này và nên được chuyển đến các cơ sở y tế phù hợp một cách nhanh chóng, nơi họ sẽ được hướng dẫn đưa ra quyết định tốt nhất cho lợi ích của mình. Trước khi vận chuyển, cần cố gắng liên hệ với cơ sở y tế để xác định sự phù hợp của việc chuyển bệnh nhân và chuẩn bị cho quy trình nối chi", TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú nói.

Theo TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú, để xử lý mỏm cụt và bảo quản phần chi bị đứt rời, mỏm cụt cần được che phủ bằng gạc ẩm với dung dịch muối sinh lý, quấn nhẹ và nâng cao. Trong trường hợp cần thiết, băng ép có thể được sử dụng để cầm máu. Sau khi bệnh nhân ổn định, cần thu thập và bảo quản tất cả các phần chi bị cắt rời.

Phần chi bị đứt rời được quấn trong gạc ẩm với dung dịch muối sinh lý, sau đó đặt vào một túi nhựa kín, không thấm nước. Túi này tiếp tục được đặt trên đá lạnh, mục đích giữ phần chi ở nhiệt độ lạnh để ngăn ngừa tác động xấu của tình trạng thiếu máu cục bộ trong môi trường ấm. Đồng thời tránh tiếp xúc trực tiếp giữa mô và đá lạnh, điều này có thể gây bỏng lạnh.

Trong các trường hợp cắt cụt không hoàn toàn nhưng phần chi không còn khả năng sống, vết thương được bọc trong gạc ẩm, băng lại, cố định bằng nẹp đơn giản để ngăn ngừa gập góc, và chườm túi đá xung quanh phần chi bị cắt.

"Chụp X-quang hoặc chụp mạch máu nên được thực hiện tại trung tâm tái tạo chi vì những quy trình này nếu thực hiện trước khi chuyển bệnh nhân có thể làm chậm quá trình vận chuyển và tăng thời gian thiếu máu cục bộ", ", TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú nói.

TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú cho biết, để bảo quản phần chi bị cắt rời một cách tối ưu trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế, thứ nhất rửa sạch phần chi bị đứt rời (dùng nước sạch để loại bỏ các chất bẩn nhìn thấy trên phần chi bị đứt rời). Thứ 2, quấn phần chi bị đứt rời bằng gạc ẩm (sử dụng gạc ẩm để bọc kín phần chi bị đứt rời).

Thứ 3, đặt phần chi đã quấn gạc vào túi nhựa khô (cho phần chi được quấn vào một túi nhựa sạch và khô, buộc kín túi). Cuối cùng, đặt túi chứa phần chi vào một túi khác có đá (đặt túi nhựa chứa phần chi vào một túi nhựa khác có đá để làm mát, không để phần chi tiếp xúc trực tiếp với đá).

Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình – Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, trên 90% các trường hợp bảo quản chi bị cắt rời đúng cách đều được nối thành công. Từ đầu năm đến nay, đơn vị thực hiện khoảng 10 ca, trong đó có 1 ca nối không thành công do bị tắc mạch sau phẫu thuật.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dut-lia-tay-khong-the-noi-lien-vi-bao-quan-sai-cach-bac-si-khuyen-cao-gi-169241119081038163.htm