Duy Hồ và ly cà phê cảm xúc The Married Beans
'The Married Beans với ý nghĩa yêu là cưới - ra đời - cũng xuất phát từ tình yêu trọn vẹn tôi dành cho cà phê', Duy Hồ tâm sự.
Nụ cười thường trực, say mê với mọi thứ dính dáng đến cà phê, chọn tên thương hiệu gợi nhớ bộ phim tình cảm lãng mạn nổi tiếng...
Những điều gắn với CEO 32 tuổi mang đến cho người ta cảm nhận anh vẫn đang trong tuần trăng mật cuộc “hôn nhân” cà phê.
Ly cà phê cảm xúc
Chịu ảnh hưởng cơn áp thấp sau bão Mulan, Đà Lạt sáng cuối tuần mưa rả rích, trời trở lạnh sâu. Nằm trong khuôn viên một biệt thự cổ xanh mướt cỏ cây trên đường Hùng Vương, quán cà phê The Married Beans tỏa ra một cảm xúc ấm cúng, từ hương cà phê Arabica nồng nàn, quyện với không gian nội thất nâu gỗ ấm áp.
Nơi quầy bar, một nhóm khách đang thích thú theo dõi ông chủ Hồ Phạm Minh Duy - được quen gọi là Duy Hồ say sưa “training” nghệ thuật pha chế.
Không chỉ tỉ mẩn từ khâu chọn dụng cụ, tra cà phê, chế nước, một công thức đặc biệt được vị CEO The Married Beans chia sẻ chính là cảm xúc!
“Mời chị thưởng thức một ly, trong đó có đầy đủ hương vị của đời sống đồng bào dân tộc K’ho - cái nôi cà phê của Đà Lạt và đậm đà cảm xúc của Married Beans”, Duy Hồ rót ly cà phê vừa pha, mời khách.
Chị Tô Phương Lan, trú tại Trần Phú, Đà Lạt, một khách ruột của Married Beans vẫn nhớ lần đầu biết đến thương hiệu này gần 5 năm về trước.
Chị kể : “Cà phê gì mà nước lại màu nâu, vị nhạt như nước ốc. Chỉ có hương thơm là rất quyến rũ”. Được tặng một hộp cà phê túi lọc, chị Lan tò mò pha và uống thử. Uống hết hộp rồi đứt bữa, chị Lan mới nhận ra mình đã nhớ cái hương, vị của loại cà phê đó.
Đến The Married Beans tìm mua, chị Lan “ghiền” luôn cái không gian đong đầy cảm xúc của những người yêu cà phê.
Và chị cũng hiểu được, thứ cà phê mà chị trót phải lòng ấy, là kết quả của một quy trình chuẩn mực và liên tục được cập nhật, cải thiện, từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, rang sấy đến pha chế của riêng Married Beans – thương hiệu tiên phong trong dòng cà phê specialty (cà phê đặc sản) “made in Việt Nam”.
“Không chỉ “nghiện” cái thứ nước nâu óng ánh, ngọt đắng xen vị chua nhẹ, thơm nồng nàn, tôi còn bị lôi cuốn bởi những câu chuyện sau mỗi ly cà phê mà những người làm ra nó chia sẻ. Tôi dần cảm nhận được trong mỗi ly cà phê có tâm huyết của người nông dân, có mùi của đất ẩm sau cơn mưa đầu mùa, mùi gỗ mục, mùi rơm rạ khô trên cánh đồng, mùi của tán rừng Tây Nguyên...”, chị Lan chia sẻ.
Hệ sinh thái của The Married Beans
Trước khi khởi sự với The Married Beans vào năm 2015, Duy Hồ đã có 6 năm tham gia đội ngũ tình nguyện viên trong dự án hỗ trợ người nông dân Đà Lạt làm cà phê organic do một số nhà đầu tư Đài Loan khởi xướng.
Thời gian này, anh được đào tạo bài bản về cà phê, tại nhiều khóa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dự án đang triển khai thì phải dừng do chủ đầu tư qua đời.
Quyết định bước tiếp con đường này, chàng trai 24 tuổi khi ấy đã rong ruổi khắp vùng trồng cà phê tại Lâm Đồng để đặt hàng cà phê “đặc sản”.
Giá thị trường khi ấy chừng 8-10 nghìn đồng/kg tươi, anh sẵn sàng trả gấp đôi: 16-20 nghìn đồng. Ấy nhưng đến đâu anh cũng nhận cái lắc đầu quầy quậy.
Bởi ngoài việc phải sản xuất theo quy trình chuẩn mà anh hướng dẫn sẽ tốn thêm nhiều công sức, thời gian, người nông dân còn nghi ngại, trót nghe theo “nó”, tới ngày thu hoạch, “nó” không thu mua giá hứa hẹn thì lỗ vốn.
Thế là, cùng với vận động, thuyết phục, cam kết bao tiêu sản phẩm, Duy Hồ quyết định ứng 40% tiền cho người nông dân. Một số hộ khi ấy mới tạm ứng lòng tin nơi anh, quyết định thử sức.
Ông Võ Phước, ngụ tại 64/3 Cầu Đất, Thương Trường, Đà Lạt - một trong những hộ nông dân đầu tiên “bắt tay” với Duy Hồ kể, gia đình ông đã 3 đời trồng cà phê theo cách cha truyền con nối, nay phải thay đổi mọi thứ: chuyển từ bón phân hóa học sang phân vi sinh; 3 tháng trước khi thu hoạch phải ngưng bón thuốc sâu; Khi thu hoạch phải lượm riêng trái chín chứ không được tuốt cả cành như trước…
“Ban đầu, nhiều lúc chỉ muốn quay lại cách làm cũ. Nhưng mà cậu ấy không chỉ kiên trì hướng dẫn mà còn ăn ngủ cùng chúng tôi ngoài rẫy, tận tay đào hố, xử rãnh, bón phân, chăm chút, theo dõi từng gốc. Vụ đầu tiên, chúng tôi thu hoạch được hơn 10 tấn/ha, chỉ bằng một nửa so với xưa giờ, nhưng giá bán thì gấp đôi. Tính ra, lợi nhuận cũng không chênh bao nhiêu, nhưng chúng tôi thấy vui khi nghe Duy Hồ kể, sản phẩm của chúng tôi được lên kệ ở Nhật, Hà Lan”, ông Phước hào hứng.
Rồi dần dần hình ảnh chàng trai đi xe máy, đội khăn rằn Duy Hồ đã xuất hiện ở rẫy của nhiều hộ trồng cà phê khác trong vùng. Cứ vậy, đến nay, hệ sinh thái cà phê đặc sản của The Married Beans đã phát triển được trên tổng diện tích gần 200ha, cung cấp ra thị trường gần 150 tấn arabica/ năm.
Chưa vội “đếm lãi”
“Thời điểm đó, tất cả những gì tôi có là thời gian và tiền bạc đều nằm ở cánh đồng. The Married Beans với ý nghĩa yêu là cưới - ra đời - cũng xuất phát từ tình yêu trọn vẹn tôi dành cho cà phê”, Duy Hồ tâm sự.
Đầu vào đã ổn. Với “vốn liếng” tư vấn cho nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê, chuỗi khách sạn, resort trong nhiều năm trước đó, Duy Hồ không khó khăn để kết nối tìm đầu ra.
Không chỉ mua đứt bán đoạn sản phẩm, anh chọn cách đồng hành cùng đối tác, từ hỗ trợ đào tạo thông tin, kiến thức, cách thức pha chế; tổ chức các workshop, tọa đàm, các sự kiện về cà phê…
Ông Trần Quốc Hùng, ông chủ quán cà phê T-Coffee tại Hoàng Văn Thụ, Thủ Dầu 1, Bình Dương cho biết, chọn nguyên liệu của Married Beans, chi phí đầu vào cao hơn.
Nhưng cũng nhờ lối đi riêng với Married Beans, chỉ sau 2 tháng khai trương đã trở thành quán đông nhất, nhì Bình Dương. “Mỗi ngày trung bình chúng tôi phục vụ 500-700 khách, ngày doanh thu hơn chục triệu đồng, cuối tuần có thể gấp đôi”, ông Hùng khoe.
T-Coffee là một trong 30 cửa hàng, chuỗi cà phê nằm ở khắp vùng miền đang kinh doanh thành công cà phê đặc sản từ nguyên liệu của The Married Beans.
Đồng thời, Married Beans cũng đang cung cấp nguyên liệu thô cho 20 đối tác rang xay. Ngoài ra 30% sản lượng cà phê của công ty dành cho xuất khẩu.
Trong khi người nông dân, kênh phân phối “ăn nên làm ra” thì Married Beans - ở giữa - chỉ thu về một phần khiêm tốn.
“Doanh thu 3 năm gần nhất hơn 1 triệu USD/ năm. Biên độ lợi nhuận chỉ khoảng 18-20%, so với mức 27-30% của một số doanh nghiệp cùng ngành. Anh có sốt ruột không khi mình đặt nền móng cho dòng cà phê đặc sản, song nhiều thương hiệu sinh sau đẻ muộn đang có sự bứt phá mạnh?”, PV Báo Giao thông đặt câu hỏi.
“Chúng tôi đôi khi phải co kéo về tài chính vì phải ứng trước cho nông dân. Chúng tôi cũng đầu tư lớn cho những hoạt động không mang lại doanh thu như đào tạo, workshop, hội thảo, hội chợ về cà phê… Tôi không vội vã đếm tháng này xuất được bao nhiêu tấn, thu được bao nhiêu lãi. Tôi muốn góp phần nâng giá trị cho cà phê Việt. Muốn vậy, khách hàng phải hiểu, yêu dòng cà phê này, người trồng cũng như người phân phối phải sống khỏe, bền vững”, CEO The Married Beans nói.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Chi hội Cà phê đặc sản Việt Nam cho biết, là Phó chủ tịch Chi hội Cà phê đặc sản, Duy Hồ rất tâm huyết trong mọi hoạt động phát triển cộng đồng yêu cà phê.
Tại Việt Nam, phân khúc cà phê đặc sản mới khởi động được 5 năm trở lại đây. Nhưng trước đó, Duy Hồ và The Married Beans là người đặt những viên gạch đầu tiên. “Hiện dòng sản phẩm này mới chiếm khoảng 2% sản lượng cà phê Việt Nam, nhưng giá trị thu về gấp 10 lần.
Trong khi đó, thị trường cà phê đặc sản thế giới hiện mang về doanh thu khoảng 70 tỷ USD/năm trong tổng doanh thu 220 tỷ USD của ngành cà phê. Chúng ta cần thêm nhiều mô hình như The Married Beans, góp phần nâng tầm giá trị cà phê Việt”, ông Minh nhấn mạnh.