Duy trì bền vững tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế
Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Lào Cai đạt 98,4%, tuy nhiên theo xu hướng giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, việc duy trì và phát triển bền vững tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân trên địa bàn tỉnh sẽ là thách thức lớn.
Nhân ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7
Là một trong những xã đầu tiên “về đích” xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã Quang Kim (Bát Xát) chỉ còn hơn 60%. Bên cạnh nguyên nhân về thu nhập và nhận thức của người dân còn hạn chế, trở ngại lớn nhất khiến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở đây giảm mạnh là do sau khi xã ra khỏi vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số trên địa bàn không còn được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Cũng tương tự, trước đây, người dân xã Tân Dương (Bảo Yên) được Nhà nước hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế, nhưng từ năm 2018, xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn nên người Kinh trên địa bàn không còn thuộc đối tượng được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Điều này khiến tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đang từ mức hơn 90%, giảm còn khoảng 80%. Trong những đối tượng không được Nhà nước hỗ trợ, rất ít hộ tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có 705.153 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 98,74 % dân số; đến tháng 5/2019, số người tham gia bảo hiểm y tế là 704.006 người, đạt 98,4%. Mặc dù tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đã đạt chỉ tiêu giao song vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến việc tham gia của các đối tượng có trách nhiệm theo quy định cũng như người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Hơn 80% người tham gia là đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế không ổn định, giảm sút khi chính sách thay đổi.
Năm 2018, thực hiện Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lào Cai có 11 xã thuộc 5 huyện, gồm xã Si Ma Cai (Si Ma Cai); xã Khánh Yên Thượng, Tân An, Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung, Tân Thượng, Liêm Phú, Dần Thàng (Văn Bàn); xã Na Hối (Bắc Hà); xã Phố Lu (Bảo Thắng); xã Tân Dương (Bảo Yên) ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, tương ứng khoảng 5.500 người Kinh không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Năm 2019, 14.197 người dân tộc thiểu số tại 6 xã thuộc 3 huyện, gồm Quang Kim, Cốc San, Bản Vược, Bản Qua (Bát Xát); Văn Sơn (Văn Bàn); Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) cũng không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do các xã này ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 - 2018, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định, 30% do đối tượng đóng nhưng được tài trợ từ Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế của Liên minh Châu Âu (EU) nên đảm bảo 100% người cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế, góp phần hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế hằng năm. Tuy nhiên, từ tháng 1/2019, chương trình tài trợ của EU kết thúc, cùng với tác động của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, người thuộc hộ gia đình cận nghèo ở các huyện không thuộc huyện 30a chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế, còn đối tượng thụ hưởng phải đóng 30%. Vì thế, tính đến tháng 5/2019, số người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế giảm khoảng 4.000 người so với năm 2018.
Để duy trì bền vững tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, bên cạnh sự nỗ lực của ngành bảo hiểm, các cấp chính quyền, các ngành hữu quan cần quan tâm phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân ổn định kinh tế và có điều kiện tham gia các chương trình an sinh xã hội. Theo ông Đoàn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim, mặc dù ra khỏi diện khó khăn nhưng thu nhập của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mới chỉ ở mức vừa đủ đảm bảo cuộc sống, vì vậy nhiều người đắn đo khi phải bỏ một khoản tiền để mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Còn Bí thư Đảng ủy xã Tân Dương Cổ Văn Chuông chia sẻ: Mặc dù là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng trên thực tế, việc tăng độ phủ bảo hiểm y tế trong nhân dân vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Nhiều hộ sau khi thoát khỏi diện hộ nghèo đã không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế vì điều kiện kinh tế chưa ổn định, khó có khả năng mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Theo ông Đường Minh Tấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai, để thay đổi nhận thức của người dân về trách nhiệm cũng như sự tự giác trong tham gia Bảo hiểm y tế không phải là chuyện có thể làm được trong một sớm một chiều. Một trong những giải pháp, nhiệm vụ mà Bảo hiểm xã hội tỉnh chú trọng thực hiện là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về những lợi ích lâu dài mang tính sẻ chia của bảo hiểm y tế, từ đó tích cực, tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế; tiếp tục kiện toàn, duy trì hệ thống đại lý thu bảo hiểm y tế tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia...