Duy trì cân nặng hợp lý cho người già
Việc duy trì cân nặng hợp lý rất quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Riêng đối với người già, việc thiếu hay thừa cân đều dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe như bị suy nhược, tiểu đường, mỡ máu… Điều này đòi hỏi người cao tuổi phải có chế độ ăn uống hợp lý, tuy nhiên với nhiều người, nhất là những người sinh sống ở vùng nông thôn, để cân bằng được chế độ dinh dưỡng hằng ngày không dễ.
Bà Lê Thị Cúc ở thôn Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh năm nay ngoài 50 tuổi nhưng cân nặng của cơ thể chỉ 45 kg. Nhiều năm nay, cân nặng của bà không nhích lên khỏi con số đó, thậm chí có nguy cơ bị sụt cân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bà không chú trọng đến chế độ ăn uống hợp lý, chỉ ăn theo sở thích và thói quen chứ không chú trọng đến lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Kinh tế gia đình không mấy khó khăn, trong vườn nhà bà chăn nuôi nhiều loại gia cầm nên nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng không thiếu. Tuy nhiên, thói quen ăn khô, thích ăn các loại dưa, cà, mắm muối từ ngày trẻ theo bà đến nay khiến thực đơn hằng ngày của bà khá đơn điệu.
Bà Cúc cho rằng, ăn đủ chất đồng nghĩa với việc ăn ngon miệng và no bụng. Vì thế, trong nhà bà trữ đủ thứ mắm muối và các loại thực phẩm khô. Thói quen ăn uống khiến cơ thể bà thiếu chất trầm trọng mà bà không hay biết vì không có khi nào bà bỏ bữa, thậm chí ăn được nhiều cơm. Chỉ đến khi vào bệnh viện khám bệnh dạ dày, bà mới biết mình bị suy nhược cơ thể. Đi khám về, được bác sĩ tư vấn thực đơn hằng ngày phù hợp với điều kiện sống của gia đình và chú trọng đến các thực phẩm sẵn có tại địa phương nhưng bà chỉ thực hiện được một thời gian ngắn rồi lại quay lại thói quen cũ. Để bổ sung vitamin và một số dưỡng chất khác, bà đã chọn cách uống thêm thuốc chứ không thay đổi thói quen ăn uống.
Không chỉ bà Cúc, nhiều người lớn tuổi đều có thói quen ăn uống khó bỏ, dẫn đến khi mắc bệnh khó điều chỉnh được thực đơn cũng như thói quen của mình. Từ ngày nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Dũng (55 tuổi), thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh tự thưởng cho mình thời gian nghỉ ngơi thoải mái. Là lái xe nên khi còn công tác, thời gian làm việc của ông khá bận rộn. Sống xa nhà, sinh hoạt và ăn uống tập thể nên ông phụ thuộc vào thực đơn chung của nhà bếp trong đơn vị. Nghỉ hưu, đồng hồ sinh học của ông thay đổi dần. Không phải dậy sớm, ông thức khuya hơn, xem bóng đá hoặc các chương trình giải trí trên ti vi. Thức khuya nên đói bụng, dẫn đến ông có thói quen ăn đêm, lại ăn nhiều tinh bột và các loại bánh để sẵn trong tủ lạnh. Thói quen đó duy trì một thời gian khá dài khiến cân nặng cơ thể của ông tăng, vòng bụng to lên rõ rệt. Đi khám, ông còn được kết luận mắc bệnh tiểu đường nên lúc đó mới cuống cuồng thực hiện chế độ giảm cân. Tuy nhiên, do cơ thể đã quen với chế độ dinh dưỡng trên một thời gian dài nên để theo chế độ ăn kiêng và tập luyện với ông rất khó.
Ông chia sẻ: Việc ăn từ 3 bát cơm xuống còn 1 bát để giảm lượng tinh bột thời gian đầu đối với tôi rất khó khăn. Nhiều khi đói hoa mắt, tôi lại lén lút vợ con ăn thêm cơm hoặc bánh kẹo cho đỡ đói. Mất một thời gian dài tôi mới điều chỉnh được thói quen ăn uống, luyện tập của mình, chế độ đường huyết trong cơ thể mới dần ổn định.
Lâu nay, người ta thường lo việc thừa cân hơn nhẹ cân, tuy nhiên mỗi khi chế độ dinh dưỡng thiếu hay thừa các chất đều có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng khác nhau. Với người lớn tuổi thì việc thừa hay thiếu cân đều có nguy cơ dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, suy nhược cơ thể. Trong khi đó, tuổi tác khi đã về già không phải là thời điểm phù hợp cho việc áp dụng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hay giảm cân tích cực mà mục tiêu cần đạt được là nên có chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng hợp lý.
Việc giảm cân quá nhanh thường dẫn tới mất khối lượng nạc trong cơ thể, khiến người cao tuổi khó duy trì một sức khỏe tốt. Tùy theo mức đáp ứng dinh dưỡng và điều kiện sống mà chế độ dinh dưỡng của mỗi người cũng khác nhau. Với nhiều người cao tuổi ở nông thôn, quan niệm “dinh dưỡng chính là ăn ngon miệng, no bụng”, tức là chỉ chú trọng đến số lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng. Ngoài nguyên nhân do đời sống kinh tế một số gia đình còn khó khăn thì đa phần do nhận thức và thói quen, bởi lẽ việc đầy đủ dinh dưỡng không có nghĩa là mỗi bữa ăn đều phải có những món đắt tiền, khó tìm mà quan trọng là phải hài hòa các dưỡng chất cần thiết.
Cân nặng của cơ thể liên quan nhiều đến chế độ ăn uống hằng ngày của mỗi người. Một thực đơn thiếu khoa học thường loại bỏ hầu hết các nhóm thực phẩm và điều đó có thể dẫn tới thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Bác sĩ Nguyễn Xuân Nhàn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị cho biết: Người cao tuổi tốt nhất nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Theo đó nên hạn chế ăn mỡ, thức ăn nhiều đường, tăng cường thêm các thực phẩm giàu acbonhydrat như các loại đậu, đỗ, khoai lang, gạo lứt... Ngoài ra, người lớn tuổi nên vận động thể lực thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý, tăng lượng oxy vào máu giúp quá trình tuần hoàn tốt.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần giữ tinh thần lạc quan, yêu đời và điều chỉnh các thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe. Đề cập đến vấn đề này, ông Dũng cho biết: Quá trình khám và điều trị bệnh tiểu đường, tôi được các bác sĩ khuyên không ngủ muộn hơn 22 giờ nhưng cũng không nên đi ngủ sớm để đảm bảo duy trì được giấc ngủ sâu từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Đây là thời gian để các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi, đồng thời cũng là thời gian cơ thể thải độc, tái tạo tế bào, giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe ổn định, tăng tuổi thọ. Trước đó, tôi cứ nghĩ ngủ muộn thì dậy muộn, miễn sao một ngày ngủ đủ 8 tiếng là được.
Với người cao tuổi, bảo vệ sức khỏe có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý hằng ngày, kết hợp với việc lựa chọn hình thức vận động phù hợp sẽ giúp nâng cao sức đề kháng và phòng tránh được nhiều bệnh tật.