Duy trì khai thác hiệu quả mỏ Đại Hùng
Vào lúc 8 giờ 2 phút ngày 8-2-2023, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã đạt mốc sản lượng khai thác 1 tỉ thùng dầu, đánh dấu mốc son trong hành trình 35 năm phát triển, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của mỏ Đại Hùng. Nhân sự kiện này, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Tuệ - Giám đốc Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) - để hiểu hơn về những thành quả của PVEP.
PV: Được biết, Đại Hùng là mỏ có số phận khá đặc biệt với hợp đồng chuyển giao cho Việt Nam trị giá 1 USD. Ông có thể cho biết những thông tin khái quát về mỏ Đại Hùng?
Ông Lê Đức Tuệ: Mỏ Đại Hùng nằm ở vùng nước sâu xa bờ, Lô 05-1(a), ngoài khơi Việt Nam. Đại Hùng cũng rất đặc biệt bởi từ khi đưa vào hoạt động năm 1994 đến nay, mỏ đã trải qua nhiều nhà điều hành khác nhau.
Đầu tiên, trong quá trình đấu thầu quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác mỏ Đại Hùng, các nhà thầu quốc tế, số lượng lên đến 9 tổ hợp gồm các công ty dầu khí lớn của thế giới như Shell, BP, Total, BHPP... đều đánh giá đây là một mỏ dầu khí lớn với tài nguyên dầu khí tại chỗ có thể từ 500 đến trên 1.000 triệu thùng dầu (khoảng 70 đến trên 150 triệu tấn). Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc và chọn tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia) - nhà điều hành, Petronas Carigali (Malaysia), Total (Pháp), Sumitomo (Nhật Bản) và PVEP (Petrovietnam).
Mặc dù kỳ vọng rất lớn, tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, kết quả không được như mong đợi, do nhiều yếu tố như mỏ ở khu vực nước sâu xa bờ, cấu trúc địa chất phức tạp, sản lượng không lớn, chi phí khai thác, vận hành cao, trong khi giai đoạn đó, giá dầu thô xuống thấp kéo dài nên không hiệu quả. Vì vậy, sau đó mỏ được chuyển giao cho các nhà điều hành khác nhau và đến tháng 5-2002, sau khi đánh giá thấy rằng nếu tiếp tục khai thác cũng không có hiệu quả kinh tế, các nhà thầu nước ngoài đã quyết định rút lui và để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư với giá tượng trưng 1 USD để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nhận lại toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của dự án.
Trong bối cảnh khó khăn đó, để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10-2003, theo đề nghị của Petrovietnam, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho PVEP thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Sau đó, Hợp đồng dầu khí Lô 05-1(a) đã được ký năm 2009 với quyền lợi tham gia 100% của PVEP và người điều hành là Công ty Dầu khí Đại Hùng, tiền thân của Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC).
Giai đoạn đầu PVEP POC tiếp nhận mỏ Đại Hùng, tất nhiên không phải có hiệu quả kinh tế ngay, mà rất khó khăn do đặc thù của mỏ như đã nói trên và có lúc giá dầu chỉ còn có trên 10 USD/thùng, hầu như chỉ khai thác cầm cự, thậm chí những lúc có ý định ngừng hoạt động. Tuy nhiên, ở vào thế không thể lùi được nữa, PVEP POC đã khẩn trương triển khai các hoạt động như khoan thăm dò thẩm lượng thêm các giếng mới, hoàn thiện các giếng đang khai thác, đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại từ đầu năm 2005 với sản lượng khai thác đã được nâng lên đáng kể sau khi kết nối thêm các giếng khai thác mới. Cùng với đó là quá trình tối ưu chi phí, đội ngũ CBCNV nhanh chóng trưởng thành dần thay thế các chuyên gia nước ngoài, giúp tiết giảm chi phí. Công tác phát huy sáng kiến, sáng chế được đẩy mạnh giúp tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng, giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt là giá dầu phục hồi dần, nên việc khai thác mang lại hiệu quả. Đến cuối năm 2009, tổng sản lượng dầu đã khai thác đạt gần 5 triệu tấn. Đến nay, sản lượng khai thác bình quân hằng năm của mỏ Đại Hùng khoảng 2,6-2,8 triệu thùng dầu.
Trong quá trình khai thác, phát triển mỏ Đại Hùng đến nay, có một dấu ấn rất lớn là PVEP POC đã phát triển thêm được khu vực Đại Hùng 02 để bổ sung vào sản lượng khai thác, nhờ đó đã duy trì, phát triển, kéo dài thời gian khai thác của mỏ Đại Hùng đến ngày hôm nay. Khu vực Đại Hùng 01 phát triển từ năm 1994 đến nay với các giếng khai thác ngầm, hoàn toàn tự nhiên nên sản lượng đã suy giảm nhiều, hiện sản lượng không đáng kể, chủ yếu là khai thác từ Đại Hùng 02. PVEP POC vẫn không ngừng nghiên cứu, phát triển và nỗ lực tiết giảm chi phí, để duy trì và tối ưu hiệu quả của mỏ Đại Hùng.
PV:Vừa qua, PVEP đã đạt được mốc sản lượng khai thác 1 tỉ thùng dầu, ông có thể đánh giá những đóng góp của mỏ Đại Hùng vào thành quả chung của PVEP?
Ông Lê Đức Tuệ: Đóng góp thứ nhất phải nói là, thông qua hoạt động tại mỏ Đại Hùng, PVEP POC đã đào tạo được đội ngũ CBCNV có kinh nghiệm, năng lực, không chỉ cho sự phát triển của công ty mà còn cho cả PVEP và ngành Dầu khí. Rất nhiều nhân sự đã trưởng thành tại đây và tiếp tục cống hiến tại các doanh nghiệp khác trong ngành Dầu khí ở những vị trí chủ chốt.
Thứ hai là sự đóng góp về sản lượng của mỏ Đại Hùng với PVEP và Petrovietnam. Mặc dù sản lượng có thể không quá lớn nhưng đó là 100% của Việt Nam.
Ngoài ra, đóng góp về tài chính với PVEP cũng tương đối lớn. Năm 2022, mỏ Đại Hùng đã đóng góp doanh thu 7.200 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2.700 tỉ đồng.
Đến nay, sau gần 30 năm đi vào vận hành và 20 năm kể từ khi được chuyển giao về cho Việt Nam, mỏ Đại Hùng đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của PVEP. Từ năm 1994 đến nay, tổng sản lượng của mỏ Đại Hùng đạt 68,8 triệu thùng dầu. Trong đó, tính từ khi PVEP tiếp nhận dự án năm 2003 đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt 44 triệu thùng dầu, doanh thu 82.077 tỉ đồng (3,67 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước 12.061 tỉ đồng (534 triệu USD).
Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng, đóng góp lớn nhất của PVEP POC với PVEP và ngành Dầu khí là PVEP POC hoàn toàn có đủ năng lực, đủ điều kiện, khả năng điều hành các dự án dầu khí từ khâu thăm dò, khoan, phát triển và vận hành khai thác.
PV: Với sự kiện 1 tỉ thùng dầu của PVEP, cảm xúc của ông như thế nào?
Ông Lê Đức Tuệ: Đối với cột mốc này, không phải riêng cá nhân tôi, mà tất cả CBCNV PVEP POC nói riêng và PVEP nói chung ai cũng cảm thấy rất tự hào. Trong quá trình làm việc cũng có những lúc khó khăn, áp lực, thăng trầm, nhưng chúng tôi đã luôn nỗ lực vượt qua thách thức, giữ vững nhiệt huyết của những người đi tìm lửa để góp phần nhỏ bé vào thành quả chung của PVEP.
Đối với cá nhân tôi, từ ngày đồng hành với PVEP đến nay đã 30 năm, tôi cảm thấy rất tự hào vì mình cũng có một phần đóng góp nhỏ nhoi trong kết quả đó của PVEP.
PV: Trở lại với mỏ Đại Hùng, đã qua thời gian khai thác rất dài, hiệu quả của mỏ trong thời gian tới và hướng phát triển của mỏ trong tương lai như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đức Tuệ: Thứ nhất, với tình hình như hiện nay, nếu chúng ta không có động thái gì hơn, cứ thế mà khai thác thì rất có thể sẽ phải đóng mỏ vào cuối năm 2024, 2025. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì khai thác, bảo đảm hiệu quả, PVEP, PVEP POC đang tiến hành phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, xây dựng thêm một giàn nữa như giàn Đại Hùng 02 để tăng sản lượng và duy trì hoạt động khai thác. Hiện nay, PVEP POC đang tích cực phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, mục tiêu hướng đến là sẽ có dòng dầu đầu tiên vào quý III/2024.
Thứ hai là trong năm 2023, PVEP POC tiếp tục khoan thẩm lượng thêm một khu vực nữa là Đại Hùng Nam. Nếu trong trường hợp khoan, thẩm lượng như kỳ vọng ban đầu thì sẽ tiến hành phát triển luôn Đại Hùng Nam, tiếp tục phát triển thêm một giàn nữa.
PVEP POC đánh giá vẫn còn có những tiềm năng ở khu vực mỏ Đại Hùng Lô 05-1(a) và vẫn tiếp tục nghiên cứu, thăm dò mở rộng. Có nghĩa là kỳ vọng sau năm 2024, chúng ta vẫn duy trì hoạt động khai thác của mỏ Đại Hùng.
Từ năm 1994 đến nay, tổng sản lượng của mỏ Đại Hùng đạt 68,8 triệu thùng dầu. Trong đó, tính từ khi PVEP tiếp nhận dự án năm 2003 đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt 44 triệu thùng dầu, doanh thu 82.077 tỉ đồng (3,67 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước 12.061 tỉ đồng (534 triệu USD).
Bên cạnh đó, PVEP POC cũng phối hợp với PVEP nghiên cứu tìm các lô lân cận, để trong trường hợp có phát hiện tiềm năng tốt thì kết nối vào Đại Hùng để mang lại lợi ích kinh tế, tăng nguồn thu cho Petrovietnam, PVEP và cho Chính phủ, góp phần vào bảo vệ an ninh biển đảo của Tổ quốc.
PV: Ông nhận định thế nào về những thách thức với hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của nước ta trong thời gian tới?
Ông Lê Đức Tuệ: Thứ nhất, đối với ngành Dầu khí, chi phí thăm dò rất cao, rủi ro cũng rất lớn, tỷ lệ thành công ngày càng giảm, trước có thể là 30%, sau này giảm dần xuống chỉ còn 20%, thậm chí 10%, khoan 10 giếng mới được 1 giếng là thành công. Chi phí 1 giếng tới mười mấy triệu USD, rất lớn so với những ngành công nghiệp khác. Bên cạnh đó, các tiềm năng dầu khí còn lại phần lớn là ở khu vực phi truyền thống, nước sâu, xa bờ, mỏ nhỏ, cận biên. Với thực tế đó, công tác thăm dò dầu khí ngày càng khó khăn hơn.
Thứ hai, PVEP là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, khi thăm dò một giếng phải bỏ số tiền lớn như thế thì rất trăn trở. Rõ ràng, doanh nghiệp tiêu một đồng của Nhà nước thì rất xót xa khi tỷ lệ thành công thấp, rủi ro cao như vậy. Nhưng chúng ta cần phải thực hiện hoạt động thăm dò, khai thác bởi ngành Dầu khí phải có thăm dò mới tìm được mỏ mới, phát triển, nó là cốt lõi trong các lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí. Nếu chúng ta không thăm dò mở rộng mà cứ thế khai thác thì chắc chắn sản lượng sẽ xuống dần, không có nguồn bổ sung, bù vào thì sẽ hết.
Do đó, cần có cơ chế, cũng như sự thấu hiểu, chia sẻ của các bộ, ngành, phải chấp nhận được chỗ này, mất chỗ khác. Còn nếu yêu cầu tỷ lệ thành công 100% cộng với bảo toàn vốn thì chắc chắn không ở đâu trên thế giới có thể thực hiện được.
PVEP, PVEP POC đang tiến hành phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, xây dựng thêm một giàn nữa như giàn Đại Hùng 02 để tăng sản lượng và duy trì hoạt động khai thác. Hiện nay, PVEP POC đang tích cực phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, mục tiêu hướng đến là sẽ có dòng dầu đầu tiên vào quý III/2024.
PV: Theo ông, Luật Dầu khí 2022 có phải là một sự ghi nhận của Chính phủ, các bộ, ngành đối với vai trò của ngành Dầu khí trong tình hình mới?
Ông Lê Đức Tuệ: Luật Dầu khí năm 2022 mới đã mở ra rất nhiều điều so với Luật Dầu khí cũ. Đó là một trong những “bảo bối”, tạo thuận lợi cho ngành Dầu khí phát triển.
Tuy nhiên, đối với những công việc đặc thù như thăm dò dầu khí như tôi đã nói trên thì ngoài Luật Dầu khí còn cần sự thấu hiểu, chia sẻ với ngành Dầu khí. Dĩ nhiên sẽ có chỗ này chỗ khác, có những dự án hiệu quả kinh tế rất thấp, có những dự án lãi rất cao, bởi ngành Dầu khí là siêu rủi ro nhưng cũng mang lại siêu lợi nhuận. Hai cái đó luôn đồng hành với nhau.
Luật Dầu khí mới có rất nhiều điểm mới cho ngành Dầu khí phát triển, như tạo điều kiện phát triển những mỏ nhỏ, cận biên, trao quyền cho Petrovietnam, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển của ngành Dầu khí. Chúng tôi kỳ vọng Luật Dầu khí mới sẽ nhanh chóng đi vào thực tế, góp phần hiện thực hóa giá trị tài nguyên, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
PV: Ở góc nhìn của mình, ông nhận định tương lai của ngành Dầu khí như thế nào? Liệu ngành Dầu khí có sớm bị thay thế bởi các xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra rất mạnh mẽ hay không?
Ông Lê Đức Tuệ: Chuyển dịch năng lượng là xu thế không thể đảo ngược, nhưng để thay thế hoàn toàn năng lượng truyền thống cần có thời gian, chứ không thể một sớm một chiều. Do đó, phải khẳng định rằng, trong tương lai, ngành Dầu khí vẫn sẽ có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chắc chắn sẽ khó khăn hơn ngày xưa nhưng ngành Dầu khí vẫn có dư địa, tiềm năng phát triển, đóng góp cho đất nước. Hiện nay, trên thế giới vẫn có nhiều khu vực phát hiện được những mỏ dầu khí rất lớn và biết đâu chúng ta cũng có những tiềm năng lớn như thế ở những cấu tạo phi truyền thống.
Trên cơ sở những tiềm năng đã được đánh giá và kỳ vọng đó, tôi tin rằng ngành Dầu khí vẫn có nhiều cơ hội để vươn tới thành công trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Đối với ngành Dầu khí, chi phí thăm dò rất cao, rủi ro cũng rất lớn, tỷ lệ thành công ngày càng giảm, trước có thể là 30%, sau này giảm dần xuống chỉ còn 20%, thậm chí 10%, khoan 10 giếng mới được 1 giếng là thành công. Chi phí 1 giếng tới mười mấy triệu USD, rất lớn so với những ngành công nghiệp khác.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/duy-tri-khai-thac-hieu-qua-mo-dai-hung-680625.html