Duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp
Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm, các tổ chức tín dụng có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV-2024. Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và vay vốn) của khách hàng trong quý III đã cải thiện so với quý II nhưng chưa được như kỳ vọng. Trong quý IV, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng có thể cải thiện tốt hơn so với quý III và năm ngoái, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Trong đó, 17% tổ chức tín dụng được khảo sát nói rằng dự kiến điều chỉnh tăng nhẹ giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, nhưng tính chung cả năm, giá bình quân sản phẩm, dịch vụ được các tổ chức tín dụng ước tính giảm so với năm ngoái và có thể tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.
Các tổ chức tín dụng cũng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV và cả năm nay, có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm, dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,1% và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,09% so với cuối năm ngoái. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV và 7,9% trong cả năm. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV và 13,2% trong cả năm.
Đánh giá tổng thể năm, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ so với năm ngoái. Riêng rủi ro của các nhóm khách hàng là tổ chức tín dụng tăng nhẹ trong quý III nhưng kỳ vọng “giảm nhẹ” trong quý IV và cả năm. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV. Tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 là gần 80%, song, vẫn có gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và hơn 4% còn lại ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý cuộc khảo sát được thực hiện trước thời điểm bão số 3 đổ bộ, do đó, các nhận định và kỳ vọng/dự báo của các tổ chức tín dụng tại cuộc khảo sát chưa tính đến những tác động và thiệt hại do bão gây ra.
Tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại
Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 9-2024, lãi suất huy động trung bình 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm, lên mức 5%/năm; trong khi lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%/năm, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 30-9, tín dụng của ngành Ngân hàng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Theo Thống đốc, thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi.
Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 17-9 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 và mới chỉ đạt 6,63% vào cuối tháng 8.
Như vậy, trong tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm gần 2,4 điểm %, tương đương với quy mô là khoảng 300.000 tỷ đồng. Riêng trong nửa cuối tháng 9, lượng tín dụng được hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế là gần 220.000 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng, ngành Ngân hàng đã cho vay thêm được 1,2 triệu tỷ đồng, thực hiện được khoảng 60% mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra và hạn mức có thể cho vay thêm trong quý 4 còn khoảng 800.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect, với những động thái điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như tạm dừng phát hành tín phiếu, tiếp tục cắt giảm lãi suất tín phiếu… hay quyết định gần đây của Kho bạc Nhà nước khi muốn mua tổng cộng 250 triệu USD từ các ngân hàng thương mại cũng góp phần hỗ trợ thanh khoản thị trường. Nhìn chung, những hành động này thể hiện rõ ý chí của nhà điều hành nhằm cải thiện thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất hấp dẫn.
Từ những phân tích trên, VNDirect kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm và chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Các chuyên gia của VNDirect cũng giữ nguyên dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 5,2-5,3%/năm cho cuối năm nay, thấp hơn dự báo 5,3-5,5%/năm trong báo cáo chiến lược giữa năm được công bố trước đó. Sự thay đổi này phản ánh kỳ vọng việc Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ hơn trong bối cảnh tỷ giá hối đoái và áp lực lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/duy-tri-mat-bang-lai-suat-cho-vay-o-muc-thap-680809.html