Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Quá trình già hóa dân số nhanh chóng dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực... Để thích ứng và giảm tốc độ già hóa nhanh, Hà Nội đã tập trung thực hiện các biện pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn thành phố.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi là người từ 70 tuổi trở lên, một số nước quy định người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, Việt Nam quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019, và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số.
Quá trình già hóa dân số nhanh chóng dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung, nhân lực trong khu vực công nói riêng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.
Tại Hà Nội, xu hướng già hóa dân số cũng đang diễn ra rất nhanh, dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực.
Báo cáo của Chi cục Dân số Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội vẫn trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi khá cao (chiếm 61% đến 63% tổng dân số Hà Nội).
Tuy nhiên, hiện tại xu hướng dân số Hà Nội đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi toàn thành phố là 17% so với tổng dân số, dự báo tới năm 2030 tỷ lệ này là trên 19%.
Như vậy, Hà Nội hiện đang ở cuối thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Khi bước vào thời kỳ “dân số già”, số lượng người cao tuổi tăng, số người trong độ tuổi lao động giảm đã đặt ra vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ tạo ra những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những hệ lụy phức tạp và lâu dài.
Đáng nói, hiện nay, tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, vì thế già hóa dân số đang là một thách thức mà Thủ đô Hà Nội cần phải có kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.
Mức sinh giảm là một trong những yếu tố chính quyết định tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Do đó, để thích ứng và giảm tốc độ già hóa nhanh, cần xây dựng các chính sách và chương trình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng, và các hỗ trợ về dịch vụ xã hội để mọi người có thể đưa ra các lựa chọn sinh sản phù hợp.
Tỷ lệ phân bố dân số người cao tuổi cao hơn ở các vùng nông thôn và xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi ở các nhóm tuổi cao đòi hỏi phải có các chính sách về giới để đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi ở các nhóm tuổi cao, và đặc biệt là người cao tuổi nữ.
Cần tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đưa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh và quản lý bệnh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận được với dịch vụ y tế; xây dựng gói dịch vụ về chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, bao gồm các chăm sóc về y tế, chăm sóc xã hội và chăm sóc tinh thần.
Tại Hà Nội, trong khi vấn đề gia tăng số người cao tuổi là xu hướng tất yếu, thì việc điều chỉnh mức sinh nhằm ổn định quy mô và cơ cấu dân số là nhiệm vụ khả thi, cần chủ động và quyết liệt trong giai đoạn hiện tại.
Theo đó, Hà Nội đã tập trung thực hiện các biện pháp nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn thành phố, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.
Ngày 22/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND nhằm tăng cường công tác dân số trên địa bàn thành phố trong bối cảnh mới.
Chỉ thị số 11 được ban hành nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác từ Trung ương, với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong công tác dân số hiện nay.
Chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần rà soát và triển khai một cách nghiêm túc các chương trình và kế hoạch liên quan đến công tác dân số và phát triển. Sở Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra và đôn đốc thực hiện các chính sách dân số. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính và thích ứng với tình trạng già hóa dân số.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/duy-tri-muc-sinh-thay-the-nang-cao-chat-luong-dan-so-181897.html