Duy trì và phát triển kiến trúc xưa và nay ở Hà Giang
n với Hà Giang ngày nay, chúng ta không chỉ ấn tượng bởi hệ thống giao thông đường bộ ngoằn ngoèo uốn lượn trên địa hình hiểm trở gây cảm xúc đến thót tim trên những cung đoạn quanh co, gấp khúc bên núi cao vực thẳm.., mà cùng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi đây chúng ta cũng dễ nhận thấy một Hà giang đã khác xưa, đang chuyển mình vươn lên phát triển với một diện mạo mới. Kiến trúc Hà Giang hôm nay được nhìn nhận từ ba mảng kiến trúc chính, hình thành và tích kết theo từng giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội diễn ra sau nhiều năm cùng những bước thăng trầm vượt khó của một tỉnh thuộc diện khó khăn nhất nước.
Nhận diện kiến trúc Hà Giang xưa…
Trước hết, mảng kiến trúc xưa gồm các bản làng đặc trưng và những nếp nhà dân gian truyền thống, có tuổi đời từ hàng trăm năm trước, ngày nay được khai thác làm du lịch.
Đó là mảng kiến trúc hình thành từ dân gian. Không gian ở của mỗi dân tộc từ cấu trúc bản làng đến khuôn viên nhà và mỗi ngôi nhà thể hiện nổi bật lên sự gắn kết nhuần nhị giữa không gian cư trú với môi trường tự nhiên, sự hòa quyện bền chặt giữa văn hóa vật thể với phi vật thể. Chúng là những bằng chứng sống động, biểu hiện đầy đủ nhất về tinh hoa bản địa được tích tụ qua nhiều thế hệ, tạo ra nét riêng biệt về kiến trúc của người dân trên vùng núi cao nguyên. Hình ảnh những mảng tường rào đá xếp, tường trình nhà đất vàng thổ, sàn vách ngăn gỗ và mái ngói âm dương thẫm màu thời gian... hiển hiện trong các bản làng cùng những ngôi nhà cổ truyền sắp xếp rất tự nhiên trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Hà Giang luôn có sức truyền cảm và lôi cuốn đến lạ lùng.
Có 03 dạng nhà đặc trưng nhất là nhà đất, nhà nửa đất – nửa sàn và nhà sàn, tiêu biểu cho kiến trúc nhà ở truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và ở Hà Giang nói riêng, Hiện tại còn không ít số ngôi nhà lâu đời khá độc đáo và đặc sắc về kỹ thuật xây cất cùng giá trị kiến trúc vẫn còn rải rác, khuất nẻo trong các thôn bản, nhưng vẫn chưa được quan tâm đánh thức giá trị.
Có thể thấy, Hà Giang đang sở hữu một quỹ kiến trúc xưa không nhỏ và rất đặc biệt, chứa đựng đậm nét văn hóa bản địa và tính chất địa phương, là tài sản vô giá cần duy trì bài bản để bảo tồn duy trì và khai thác giá trị nhiều mặt cho hiện tại và trong tương lai.
Sau nhiều năm tiến hành công việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong mối quan hệ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, việc tu bổ tôn tạo các bản làng cổ, phố cổ, chợ cổ nhằm gìn giữ những công trình xưa đã có kết quả tích cực, tiêu biểu như: Nhà họ Vương (Dinh thự Vua Mèo); Nhà của Pao ở Sủng Là; Nhà Chúng Pủa Homestay ở Mèo Vạc… hoặc ở Phố cổ và Chợ cổ Đồng Văn; Phố Cáo, thị trấn Phó Bảng… để phục vụ tham quan, du lịch.
Cùng với đó là các bản làng văn hóa, du lịch cộng đồng xuất hiện ngày một thêm nhiều trên cơ sở các bản làng đã có, đặc biệt hấp dẫn như Bản Lô Lô Chải (người Lô Lô), làng văn hóa Ma Lé (người Giáy), làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha (người Tày), Nậm Đăm (người Dao), làng cổ Thiên Hương… đã thu hút nhiều lượt khách đến thăm và ở lại.
Khả năng làm kinh tế du lịch trên địa bàn cùng với chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị các bản làng truyền thống trong xây dựng Nông thôn mới đang rất cần thiết, để từng bước giữ gìn và phát triển kho tàng văn hóa lịch sử với kiến trúc truyền thống ở Hà Giang, góp phần xóa nghèo, cải thiện đời sống người dân.
Kết quả bước đầu là đã đánh thức tiềm năng sẵn có và hình thành được một chuỗi cung ứng dịch vụ tham quan du lịch, tạo sự đồng bộ nhất định về văn hóa – kiến trúc với cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt rõ nét và dễ thấy điều này trên cung đường 4C đi qua 4 huyện phía Đông thành phố Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nhiều điểm đến tham quan hấp dẫn đã trực tiếp quảng bá tốt hình ảnh một Hà Giang đang trên đà phát triển.
Để tiếp tục phát triển bền vững, cùng với việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông bộ để thuận tiện đi lại hơn nữa, Hà Giang cần sớm thực hiện việc rà soát để tổng đánh giá quỹ kiến trúc xưa gồm: Hệ thống hóa các bản làng dân tộc và nhà ở dân gian truyền thống hiện có để làm cơ sở đánh giá, phân loại và xây dựng kế hoạch lâu dài, thứ tự ưu tiên thực hiện nhằm duy trì và phát huy giá trị tại chỗ không những bản thân ngôi nhà mà còn cả không gian cảnh quan phụ cận.
Một ví dụ như ở Lũng Táo, ngôi nhà họ Vừ là một tòa nhà cổ vuông vức 2 tầng trình tường, có quy mô khá lớn (được xây dựng trước cả Nhà họ Vương?), kiến trúc theo kiểu nhà phòng thủ, cân xứng và chặt chẽ với nhiều chi tiết trang trí lạ mắt. Khung cảnh trước nhà là một thung lũng trải dài ruộng bậc thang, bao quanh có nhiều cây cối cổ thụ đẹp. Nếu được duy tu tôn tạo, chắc chắn nơi đây sẽ là một điểm tham quan trải nghiệm hấp dẫn. Hiện tại tòa nhà như đơn độc đứng ngoài thời cuộc, đầy vết sẹo thời gian do bị xuống cấp nặng trước sự bất lực của chủ nhân, nhà các con cháu mới xây dựng sát bên gây nguy cơ chèn lấp và làm hỏng dần một cơ ngơi quý giá. Hoặc trong làng cổ Thiên Hương còn một loạt các ngôi nhà đất trình tường hàng trăm năm tuổi nhưng vẫn chưa được chú ý khai thác tham quan du lịch…
Vấn đề giữ gìn bản sắc kiến trúc thông qua việc tôn tạo nâng cấp các bản làng truyền thống và những ngôi nhà cổ hiện có để làm kinh tế du lịch như hiện tại, về lâu dài để đúng thực chất và thành công hơn nữa, nhất thiết phải đưa người dân địa phương vào cuộc và đảm bảo lợi ích chính đáng cho họ, tạo điều kiện để dân bám trụ giữ nhà lâu bền.
Thực tế, một số nhà cổ đã bị bán đi và chủ đầu tư mới kinh doanh làm homestay ở một số nơi đã diễn ra vì mục đích thương mại, không thể sinh động bằng chính dân bản địa làm chủ việc này trên cơ sở hướng dẫn giúp đỡ có tổ chức của nhà chuyên môn và chính quyền địa phương. Không quá vì lợi ích kinh tế du lịch và không chỉ vì hút khách mà làm đảo lộn nếp sống dung dị của chủ nhân những bản làng truyền thống vốn sống yên bình với những cơ ngơi thấm đẫm mồ hôi của nhiều thế hệ người dân dựng lên, đặc biệt cần một chế tài để hạn chế nhanh nguy cơ đẩy dần người dân ra khỏi nơi chốn của chính mình…
Do vậy, cần đề cao sự kết hợp giữa Nhà nước với người dân tại chỗ phát triển kinh tế du lịch bằng chính sách khuyến khích, cơ chế phù hợp sẽ duy trì và phát triển bền vững nguồn kiến trúc xưa, vừa bảo tồn được lâu dài bản sắc kiến trúc dân tộc vừa cân bằng được 2 vế “Ích nước – Lợi dân”.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi – Mèo Vạc được quy hoạch gồm các ngôi nhà làm homestay, xây dựng theo kiến trúc nhà truyền thống người H’Mông, tái hiện tích cực các hoạt động lễ hội trưng bày và bán hàng, thuận tiện cho khách đến nghỉ dưỡng và chiêm nghiệm nếp sống văn hóa, ẩm thực trong không gian kiến trúc đặc trưng của dân tộc H’Mông. Tại đây người dân được trực tiếp tham gia kinh doanh và có cơ hội để thể hiện chính mình với du khách bốn phương, do Làng được xây dựng trong vùng đất có đông người H’Mông. Đây là một dạng mô hình làm kinh tế du lịch cần được đúc kết, nghiên cứu thêm để có thể nhân rộng, đa dạng hóa các loại hình duy trì, phát triển kiến trúc xưa trong bối cảnh hiện tại.
Kiến trúc hiện nay qua những công trình do Nhà nước đầu tư?
Đó là kiến trúc các đô thị và vùng nông thôn, trong đó chứa đựng các công trình hành chính, văn hóa giáo dục, y tế, thương mại… đã và đang hình thành theo quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, ở các trung tâm xã nông thôn và làng bản sau 10 năm tiến hành xây dựng Nông thôn mới và vẫn đang tiếp tục thực hiện đến năm 2025.
Nhìn chung, bộ mặt đô thị và nông thôn Hà Giang đã được nâng cấp, nhất là hạ tầng cơ sở phục vụ các hoạt động và tiện ích cộng đồng nhưng cũng tồn tại không ít những hạn chế về kiểu dáng, do còn nặng về nhu cầu thực dụng và nhẹ về thẩm mĩ kiến trúc ở khá nhiều công trình đã xây dựng như: Trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện…
Đặc điểm rõ nhất là tổ chức không gian đô thị miền núi thường dựa theo địa hình địa mạo, tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, hài hòa với môi trường tự nhiên để tạo nên bản sắc chung và đặc điểm riêng cho mỗi đô thị. Nhưng trên thực tế, việc san lấp để tạo quảng trường rộng, làm thẳng làm phẳng địa hình quá mức vẫn diễn ra tại nhiều nơi và có khá nhiều công trình nhà cửa xây dựng ở miền ngược nhưng kiến trúc lại rất miền xuôi, kiểu cách chung chung.
Một số hiếm hoi công trình thể hiện sự tìm tòi, khai thác thể hiện kiến trúc truyền thống, một số lại rơi vào tình trạng nhái kiến trúc cổ, thiếu nghiên cứu chuyển hóa… Thiết nghĩ, những công trình xây dựng từ ngân sách Nhà nước rất cần hoặc phải qua thi tuyển kiến trúc, chọn lọc ra những phương án thiết kế tốt, phù hợp với văn hóa bản địa và địa hình cảnh quan tự nhiên… để có thể góp phần trực tiếp và nhất quán trong việc giữ gìn bản sắc kiến trúc ở đô thị và nông thôn miền núi đúng nghĩa.
Kiến trúc của những công trình do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện?
Qua các dự án xây dựng do doanh nghiệp tư nhân đầu tư là những khu dịch vụ du lịch là chính, như nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng hoặc điểm dừng chân ngắm cảnh… Những cơ sở này đều có điểm chung là vị trí xây dựng đắc địa, gắn liền với khung cảnh, cảnh quan đẹp. Công trình xây dựng với quy mô khác nhau và thường có nét riêng, về kiến trúc đã có những thể hiện đáng ghi nhận như cụm nhà nhỏ xinh 2 tầng, hình dáng mô phỏng như những chiếc gùi dựng trên nương rẫy trong Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village Reort ở Quản Bạ, hoặc nhẹ nhàng, mộc mạc đậm chất núi rừng như cụm nhà hàng nhà nghỉ Skyview Khánh Đinh trong Bản Luốc ở Hoàng Su Phì…
Ngược lại, một số có vị trí xây dựng rất đắc địa, khung cảnh đẹp tuyệt vời nhưng kiến trúc công trình lại chưa tương xứng, chắp vá và khô cứng như ở Canh Ha Homestay bên thắng cảnh ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, hoặc gây nhiều tranh cãi như nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pí Lèng ở Mèo Vạc.
Đối với những công trình do dân tự phát xây dựng bám theo đường hoặc bên các danh lam thắng cảnh trong những năm gần đây cũng đang là vấn đề nổi cộm. Những ngôi nhà xây dựng theo kiểu nhà chia lô, một số nhà hình khối cục mịch, lạc lõng giữa không gian đang xuất hiện ngày một thêm nhiều là một nguy cơ đối nghịch với mong muốn về giữ gìn bản sắc.
Không có điều kiện kinh tế, đất đai ở đô thị một phần đã đành nhưng ở nông thôn rộng rãi hơn tình hình vẫn tương tự. Tâm lý kinh tế hóa nhà ở, chối bỏ kiến trúc truyền thống trong dân hiện nay đang khá phổ biến, xu thế bám đường xây nhà, kiến trúc chắp vá lủng củng làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan tự nhiên đang là vấn đề không nhỏ ở Hà Giang cần được xem xét ở góc độ quản lý và hướng dẫn thực hiện từ phía chính quyền.
Nhìn chung, với một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và quý báu, được thể hiện qua các loại vật dụng, nhà ở, trang phục, trang sức, âm nhạc, hát, múa, trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian… mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có một nền văn hóa dân gian riêng biệt, độc đáo mang đậm nét văn hóa vùng núi phía Đông Bắc. Đặc biệt về kiến trúc có bản làng cổ, nhà cổ là những viên ngọc quý của kiến trúc xưa đã và đang cần tiếp tục mài dũa, đánh thức để bảo tồn giá trị.
Kiến trúc truyền thống cần được nghiên cứu chuyển hóa thể hiện trong kiến trúc hôm nay không những đối với những công trình sử dụng ngân sách Nhà nước mà cả các công trình dự án của doanh nghiệp vốn tư nhân được phép xây dựng.
Khuyến khích và hướng dẫn người dân nơi đây xây cất nơi ở của mình hướng đến những giá trị truyền thống vốn có để cùng duy trì, phát huy kiến trúc xưa và nay trên đất Hà Giang ngày một thêm đậm đà bản sắc.