Duy trì ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội mùa Xuân

Ninh Bình với nhiều danh lam thắng cảnh nên đẹp quanh năm. Nhưng mùa xuân sẽ là mùa đẹp nhất, bởi ngoài cảnh đẹp của núi non, sông nước còn có sự đặc sắc của các lễ hội lớn, nhỏ trên vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến. Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 228 lễ hội lớn, nhỏ ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong số đó, có 2 lễ hội được tổ chức với vị thế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là Lễ hội Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư và Lễ hội làng Bình Hải, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô.

Nghi lễ rước Rồng tại Lễ hội chùa Bái Đính.

Nghi lễ rước Rồng tại Lễ hội chùa Bái Đính.

Ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán, làng Bồ Vy, thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô) lại tổ chức lễ hội đấu vật. Bồ Vy là một ngôi làng cổ thuộc thị trấn Yên Thịnh. Nơi đây còn lưu giữ truyền thống vật võ, một sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Việt nên cứ vào mùng 4 tháng Giêng hàng năm, những người dân nơi đây và con em quê hương đi làm ăn xa đều trở về dự hội với một tâm thế vui tươi, phấn khởi, cùng nhau gửi gắm những ước vọng tốt đẹp trong năm mới.

Lễ hội đấu vật làng Bồ Vy mở đầu bằng phần nghi lễ được tổ chức tôn nghiêm tại miếu Trung. Bước vào phần hội, sau màn xe đài trình diễn của các đô vật cao niên với biểu trưng là ngợi ca tinh thần thượng võ, đoàn kết của người dân trong làng, sới vật được chính thức bắt đầu.

Lễ hội thu hút gần 30 đô vật đến từ các xóm về tranh tài, gồm cả nam và nữ, đủ các lứa tuổi, già có, trẻ có, trong đó thú vị và sôi nổi hơn cả là các đô vật nữ.

Bà Trịnh Thị Mỹ, một đô vật làng Bồ Vy tham gia gia lễ hội cho biết: Chúng tôi tham gia với tinh thần giao lưu là chính, nên thấy rất vui và hào hứng. Đây cũng là cách để rèn luyện sức khỏe và tinh thần đoàn kết, vui vẻ trong những ngày Tết...

Ông Nguyễn Văn Y, làng Bồ Vy cho biết: Hội đấu vật tại làng Bồ Vy áp dụng luật thi đấu truyền thống, với đòn đánh "chân không rời đất", làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng". Theo đó, người tham gia không chỉ cần sức khỏe, sự dẻo dai, mà cũng cần nắm được các kỹ thuật, miếng đánh cơ bản.

Mục tiêu của hội làng là chú trọng đến việc rèn luyện sức khỏe, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc, đặc biệt là những người tham gia không quá đặt nặng tư tưởng thắng, thua. Vì thế đối với mỗi người tham gia sới vật là dịp thử sức đầu năm để mong được may mắn, sức khỏe, hanh thông trong năm mới.

Điều đáng quý, là từ những hội vật đầu xuân như thế này, nhiều đô vật làng quê đã được bình chọn đi thi đấu và đạt giải cao tại các cuộc thi, lễ hội lớn của tỉnh và toàn quốc.

Đặc biệt, ngoài yếu tố tâm linh như cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người, Lễ hội đấu vật làng Bồ Vy còn là một hoạt động đầy tinh thần thượng võ, khuyến khích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ, giúp mỗi người hăng hái, nhiệt huyết, hăng say hơn trong lao động sản xuất, học tập, công tác để phát triển và bảo vệ quê hương.

Người dân làng Bồ Vy mong muốn, những điều tốt đẹp của lễ hội làng ngày càng được phát huy, năm sau hướng tới giao lưu với các xã trong huyện để lan tỏa sâu rộng hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương.

Ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, Lễ hội chùa Bái Đính, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) tổ chức khai hội với hàng nghìn phật tử và du khách tham dự. Mỗi năm, chùa Bái Đính thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội mở đầu cho hàng trăm lễ hội diễn ra trong suốt mùa xuân tại Ninh Bình.

Trong không gian thanh tịnh, đông đảo phật tử, nhân dân, khách du lịch thập phương đến chùa Bái Đính những ngày đầu xuân cùng chiêm bái cảnh Phật giữa tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ khoan thai. Tất cả cùng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu mong một năm mới người người, nhà nhà luôn được an khang, thịnh vượng, cát tường, như ý.

Bà Trần Thị Hương, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) cho biết: Thành thông lệ hàng năm, vào ngày mùng 6 Tết khai hội chùa Bái Đính, tôi và các con, cháu lại đến chùa để thắp nén hương, cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình. Đến với khung cảnh tại chùa, dường như ai cũng quên hết những mệt nhọc, lo toan, cảm thấy trong lòng rất thư thái, nhẹ nhõm.

Mỗi người đến chùa có mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, nhưng với gia đình tôi, thì tôi cầu bình an, sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình. Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam, cho nên tôi động viên các con, cháu luôn cố gắng duy trì, dần hình thành nét đẹp đó, giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm về văn hóa và truyền thống của dân tộc...

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: Ninh Bình là vùng đất địa linh với nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Nhắc đến Ninh Bình là nhắc đến nhiều khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có Khu tâm linh chùa Bái Đính và Lễ hội chùa Bái Đính đã và đang trở thành một trong những lễ hội lớn của tỉnh, trong cả nước, ngày càng được nhiều du khách quan tâm và về dự hội.

Hướng tới thiện lành và tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân có công với dân với nước là nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng ở Lễ hội chùa Bái Đính, với nghi thức chính là: Thờ Phật; lễ tế thần Cao Sơn - là vị thần trong "tứ trấn Hoa Lư"; lễ tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, chầu Mẫu Thượng ngàn…

Với hơn 200 lễ hội lớn, nhỏ rải rác khắp các địa phương trong tỉnh, các lễ hội phần lớn được tổ chức vào mùa Xuân từ tháng Giêng đến tháng 3 đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hình thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, thờ thần hoàng làng, tín ngưỡng phồn thực...

Ý nghĩa phần lễ trong các lễ hội Xuân không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng, danh nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, chiêu dân, lập ấp, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

"Thực tế, ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội mùa Xuân là không thể phủ nhận, song tại không ít lễ hội do số lượng du khách ngày càng tăng nhanh đến mức đột biến, làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý. Một số lễ hội đã và đang bộc lộ những hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục, như bị lạm dụng, thương mại hóa, trở thành nơi kinh doanh trục lợi, làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử.

Cùng với đó là tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự... Đối với Ninh Bình, những hạn chế, tồn tại không còn nhiều, nhưng điều quan trọng là cần tuyên truyền, giáo dục người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để không chỉ duy trì các giá trị văn hóa truyền thống mà còn để phù hợp với cả con người trong thời đại ngày nay. Từ đó, lễ hội thực sự là nơi cất giữ, lưu giữ và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, làm cho văn hóa trường tồn và đảm bảo sự thống nhất..." - Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

Mỹ Hạnh - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/duy-tri-y-nghia-tot-dep-cua-le-hoi-mua-xuan/d20230130083931593.htm