Duyên dáng tình quê

Vùng đất miền Tây trù phú với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hình thành nên nét văn hóa đặc trưng miệt vườn sông nước với những chiếc cầu khỉ bắc qua sông rạch, kênh mương. Cầu khỉ gắn liền với đời sống sông nước miệt vườn và trở thành hình ảnh quen thuộc, rất đỗi thân thương của người dân miền Tây.

Cây cầu khỉ gắn liền với đời sống sông nước của người dân miền Tây. Ảnh: Phương Nghi

Cây cầu khỉ gắn liền với đời sống sông nước của người dân miền Tây. Ảnh: Phương Nghi

Cây cầu khỉ duyên dáng tình quê vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Cây cầu khỉ từ lâu đã gắn bó, chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, mỗi khi đặt chân lên cây cầu khỉ, mọi người dường như đã quen với "nhịp lắc" và cái gập ghềnh ấy đã đi vào thơ ca qua tiếng hát êm đềm của mẹ ru con:

"Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời".

Lời ru như sợi dây kết chặt nghĩa tình, gợi lên nét dịu dàng yêu thương. Nhớ quá những cây cầu tre gập ghềnh ngày nào qua câu ca dao mộc mạc, quê mùa như khúc hát ân tình, nhớ đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, những thanh niên nông thôn ngồi vắt vẻo trên cầu đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

Khi nhắc đến làng quê miền Tây Nam bộ, người ta nghĩ ngay đến những chiếc cầu khỉ đã đi vào ký ức của những người con xa xứ mà họ đã từng gắn bó. Cầu khỉ là nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu của miền đất đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh con người đi qua chiếc cầu đong đưa, phía dưới là nước, trên có tay vịn trông có vẻ yếu ớt và rất ngộ nghĩnh nhưng rất đáng yêu.

Cây cầu lắt lẻo bắc qua các dòng kênh, rạch càng điểm tô thêm nét đẹp cho làng quê yên ả, thanh bình. Thông thường, ở những chỗ không tiện sử dụng xuồng ba lá, người miền Tây thường bắc những chiếc cầu đơn giản để dễ dàng đi lại. Thân cầu thường làm bằng tre hay cây gỗ nằm trên những thanh tre bắt chéo, phía trên có tay vịn, cứ mỗi bước chân đi qua là cầu đung đưa lắt lẻo.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Trương Hoàng Thiêm, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau: Cầu khỉ có nhiều loại lớn, nhỏ khác nhau, tùy theo độ rộng của con mương, rạch mà cầu có một nhịp, hai nhịp hay ba nhịp, nhưng nhìn chung, chất liệu và hình dáng cây cầu đều giống nhau. Chiếc cầu nhỏ một nhịp thường không có tay vịn nên rất khó đi và nguy hiểm. Không cầu kỳ, cũng chẳng cao sang, cây cầu khỉ đã "hòa mình" vào cuộc sống người dân ở kinh rạch, nối liền hai bờ cho mọi người qua lại giao hòa cùng nhau, mang đến niềm vui hạnh ngộ đôi bờ cho con rạch làng quê. "Cây cầu khỉ luôn có những nhịp lẻ vì người ta muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu khỉ chia dòng sông làm hai phần đều nhau" - ông Thiêm lý giải.

Cầu khỉ là nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu của miền đất đồng bằng sông Cửu Long. Nếu hình ảnh cây cầu khỉ quen thuộc với người dân sông nước miệt vườn thì nó lại là nỗi e ngại của người dân chốn thị thành, những bước chân run run khi bước nhẹ lên "chiếc lưng trần" của cây cầu khỉ giống đôi chân của một cụ già. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ cũng có nhiều câu nói chứa đựng từ "cầu" miêu tả những câu chuyện thế thái nhân tình: "Phải chi lấy được vợ vườn/Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang"… Mùa mưa, nước dâng ngập con mương, cây cầu khỉ bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trượt. Lũ học trò mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư ôm chặt chiếc cặp nhỏ bên hông, sợ chẳng may trượt chân rơi xuống nước làm ướt trang vở học trò.

Ông Lưu Quốc Bình, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Chiếc cầu khỉ là hình ảnh quen thuộc bao thế hệ của người dân miền Tây. Nhưng ai đã qua cầu khỉ rồi thì thật thú vị làm sao, nó như một trò chơi cảm giác mạnh làm thi vị thêm cuộc sống của chúng ta. Cầu khỉ còn là nơi thơ mộng với nhiều cảnh đẹp, lạ mắt nên người ta thường tìm cầu khỉ làm ngoại cảnh quay phim, chụp hình đám cưới, đây còn là nơi kết nối nhiều mối tình thơ mộng và nuôi lớn bao ký ức tuổi thơ miệt vườn".

Giờ đây, vùng đất trù phú miền Tây Nam bộ đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu bê tông chắc chắn và rộng rãi, khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Hiện nay, không còn dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một trước khi có thể bước đi thành thạo trên cây cầu khỉ quê hương. Nhưng về sâu trong từng ngõ, ngách, thôn, xóm, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu khỉ vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, chiếc cầu khỉ như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình, vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân nơi đây một thời gian khó.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duyen-dang-tinh-que/