Duyên 'lạ' của thượng úy cảnh sát giao thông
Ít ai ngờ, sau khi cởi quân phục, thượng úy CSGT Lê Hùng Dương (1990) và anh Nguyễn Hoàng Phát (SN 1990) hóa thân thành những 'ông bố' đáng yêu của đàn chó 50 con bị bỏ rơi hoặc ngược đãi tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Nhiều năm qua, 700 chú chó hoang được những người yêu động vật này giải cứu...
Chữ duyên
Trong ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Lê Hùng Dương (thượng úy công an) mở cổng chào đón chúng tôi trong tiếng sủa inh ỏi. Chó lớn, chó nhỏ nhảy bổ tới khi thấy người lạ. Anh Dương lên tiếng trấn an, chúng nép sang một bên. Mở thêm một cánh cửa nữa, những chú chó nhốn nháo bắt đầu hòa ca.
Hàng chục con chó này là nỗi bận tâm của anh hơn 3 năm qua-một người làm công việc không liên quan. Anh Dương đang công tác tại đội CSGT thành phố Buôn Ma Thuột. Tôi hỏi về công việc chẳng liên quan này, anh Dương cười hóm hỉnh: “Tôi vốn yêu chó từ bé, nên việc nuôi chó cũng là cái duyên”. Từ nhỏ, anh đã nuôi qua nhiều chú chó. Gần 3 năm nay, anh chỉ cần biết ở đâu có chó hoang, chó bị chủ ngược đãi, là tìm cách đưa về nuôi.
Chú chó cỏ lông vàng mượt nằm soài dưới chân tôi, ánh mắt vẻ như biết ơn. Anh Dương kể rằng: “Nó tên là Ben, được cứu ra từ lò mổ với hơn 20 vết chích điện. Nếu không được chăm sóc tốt, nó đã chết từ lâu. Khi tôi đến lò mổ, Ben nằm trong lồng, thò chân ra cầu cứu. Ánh mắt nó nhìn tôi như van xin. Tôi thấy có điều gì đó nhói lên trong tim. Từ đó, tôi quyết tâm dùng đủ cách cứu những chú chó đáng thương cận kề cửa tử”. Trong căn phòng với ánh đèn màu rực rỡ , chú chó lông xù màu nâu nằm bệt trên tấm nệm. Con chó nhỏ này đi lạc và bị liệt 2 chân, được anh Dương cứu về chữa trị.
Trong đàn 50 con, có 10 con bị ốm nặng, được anh đưa đến bác sĩ thú y thăm khám. Việc chăm sóc đàn chó từng bị tổn thương về thể chất, lẫn tâm hồn không đơn giản. Chúng có thể rất nhát và có thể rất hung dữ với tính cách thất thường.
Sát cánh cùng anh Dương giải cứu, chữa trị cho những chú chó bị bệnh còn có anh Nguyễn Hoàng Phát. Anh Phát kết nối thêm nhiều anh em cùng yêu thương chó mèo, thành lập Hội cứu trợ động vật Tây Nguyên. Mọi người mở một phòng khám miễn phí dành cho chó mèo bị bỏ rơi do các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trực tiếp chữa bệnh. Toàn bộ chi phí đều từ tiền túi của các hội viên. Để duy trì hoạt động phòng khám, họ vẫn thu tiền các dịch vụ thông thường; trường hợp chó mèo bị tai nạn, chủ nhân nghèo khó, sẽ chữa trị miễn phí.
Anh Phát chia sẻ: “Những ai thực sự yêu thương loài chó mới hiểu được việc làm của chúng tôi. Khi chứng kiến chúng bị đánh đập, chó mẹ đang sinh vẫn bị bắt vào lò mổ chờ ngày giết thịt, tôi rất xót xa. Dù chưa đủ khả năng để giải cứu được nhiều chó mèo, nhưng tôi tin việc làm của mình sẽ lan tỏa tình yêu thương động vật, đẩy lùi nạn bắt trộm chó”.
Sau một thời gian chăm sóc cho chó khỏe mạnh, nếu người nào có nhu cầu nuôi, anh Dương, anh Phát sẽ cho, tặng. Những chủ nhân mới phải là người có lòng yêu thương động vật, không ngược đãi, bỏ đói. Có người sau khi xin được thú cưng, đã mang thực phẩm tới để nhóm nuôi các con chó khác.
Khởi đầu ngày mới của thượng úy Dương bận như con mọn: 5 giờ sáng dậy dọn dẹp, đi chợ mua thức ăn rồi mới đến cơ quan. Hơn 11 giờ, tan làm anh trở về tất bật nấu cháo, đổ thức ăn ra từng tô cho lũ chó.
"Ông bố" của chó
Khởi đầu ngày mới của thượng úy Dương bận như con mọn: 5 giờ sáng dậy dọn dẹp, đi chợ mua thức ăn rồi mới đến cơ quan. Hơn 11 giờ, tan làm anh trở về tất bật nấu cháo, đổ thức ăn ra từng tô cho lũ chó.
Cuối ngày đi làm về, một chú chó màu trắng bật dậy chạy tới dụi đầu vào chân anh Dương. Thượng úy Dương nhớ lại đêm khuya giữa năm 2017 ( lúc còn công tác ở phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk), trên đường chạy xe về nhà, thấy 2 người đàn ông ôm một bao tải với dấu hiệu bất thường nên đuổi theo. Thấy vậy, chúng vứt bao tải xuống đường rồ ga chạy. Anh Dương lại gần, thấy chó mẹ mang bầu nằm thoi thóp. Anh đưa về nhà, trong đêm chó mẹ đẻ được 2 con rồi chết. Hai con chỉ sống một, anh đặt tên là “Bé Trề”. Sáng hôm sau, anh đưa “Bé Trề” ra trạm thú y hỏi cách chăm sóc.
Chú chó lông xù màu vàng trắng thấy anh nựng “bé Trề”, chạy tới nhảy lên người dúi đầu vào ngực anh. Anh bảo: “Đây là bé Mập. Hai bé là con nuôi của anh. Chúng biết là con nuôi nên cũng hơi chảnh. Nhiều lúc mang thức ăn đến tận miệng dỗ dành mới chịu”. Anh đã hứa chăm sóc chúng như thành viên trong gia đình.
Sự gắn bó của những chú chó với thượng úy Dương thực sự như những đứa con. Anh Dương chưa có gia đình riêng nên tình cảm với bầy chó càng sâu nặng. Anh Dương chỉ cần gọi nhẹ "Mập ơi", chú chó lập tức chạy lại quấn lấy chân, nằm lăn ra đất; đòi được nũng nịu, đòi được xoa bụng. "Nó muốn mình bày tỏ tình cảm với nó và nó cũng muốn đáp trả lại mình. Đó là giây phút tôi cảm thấy hạnh phúc nhất", anh Dương nói.
“Dù 2 hay 3 giờ sáng, chỉ nhận thông tin có chó đi lạc, tôi vẫn chạy đi cứu. Lương của tôi dành một phần lớn để nuôi và giải cứu chó. Hiện nhóm của tôi đã có thêm một số thành viên nên công việc cũng đỡ vất vả hơn trước”, anh Dương cho biết.
Từ năm 2017 đến nay, nhóm của anh Dương và anh Phát đã giải cứu, chữa trị và tìm chủ mới cho khoảng gần 700 chú chó, mèo. Cứ có thông tin về chó đi lạc, chó bị thương, bị bỏ rơi, người ta lại báo cho 2 anh biết để đưa về chăm sóc. Hai người đàn ông này chia nhau nhiệm vụ: Anh Dương giải cứu, anh Phát lo việc chữa trị.Và cả hai... chăm sóc.