'Duyên nghiệp nhân sinh'
Vừa qua, vào lễ 49 ngày của cố điêu khắc gia Hà Minh Tuấn (1971-2023), gia đình và bạn bè đã tổ chức khai mạc cuộc trưng bày mở, mang tên 'Duyên Nghiệp Nhân Sinh' tại không gian xưởng làm việc A Bụt Studio - vốn là nơi làm việc của anh - như một lời chào tạm biệt sau chuyến đi xa vội vã.
Không gian trưng bày giới thiệu những tác phẩm còn lại của cố điêu khắc gia Hà Minh Tuấn (thường gọi là Tuấn “sư”) với điêu khắc đa chất liệu và hơn 20 bức tranh sơn mài, trong đó có nhiều tác phẩm anh chuẩn bị cho cuộc triển lãm còn chưa kịp diễn ra của riêng mình...
Tin điêu khắc gia Hà Minh Tuấn đột ngột ra đi sau một cơn đột quỵ ngay tại xưởng gốm Bát Tràng, nơi anh đang làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân hồi tháng 11 vừa qua đã khiến giới mỹ thuật và bạn bè bàng hoàng, tiếc nuối. Chỉ sau đêm nằm điều trị sau cú ngã, anh đã vội vã rời đi không một lời tiễn biệt. Và thế là vợ anh - chị Trần Thu Thủy - tuổi đời mới ngoài 30 đã trở thành góa phụ với 3 đứa con thơ dại đang cần bao bọc, chở che.
Chị Thủy tâm sự trong nước mắt: “Anh ấy vẫn luôn là anh một con người tài hoa, nhiều nội lực và tràn đầy đam mê. Anh ấy luôn dứt khoát, mãnh liệt và lúc nào cũng sẵn sàng tâm thế lên đường như câu anh ấy thường hay nói: "Đường ta đi hoa trắng nở lâu rồi...". Anh ấy đã “cháy” trọn tới từng phút giây, với những giờ phút cuối cùng vẫn đang thản nhiên đắm mình trong nghệ thuật. Bởi thế, vẫn còn quá nhiều dở dang, quá nhiều xót xa nhưng tôi và các con sẽ tiếp bước xây dựng thương hiệu “A Bụt” như anh hằng mơ ước…”.
Sinh thời, điêu khắc gia Hà Minh Tuấn là một nghệ sĩ luôn tràn đầy nhiệt huyết, tận tâm, tận lực với nghề. Anh đã ấp ủ ý tưởng về một triển lãm trưng bày những tác phẩm tâm huyết của mình với tâm thế “Không xuất hiện thì thôi, đã xuất hiện phải thật đàng hoàng…”. Và đã có đến hơn nửa năm trời anh chăm chỉ, miệt mài, cật lực chuẩn bị cho lần xuất hiện ấy. Nhưng cú bẻ lái bất ngờ của số phận đã khiến dự định của anh mãi mãi thành dang dở. Đến nay, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các anh chị em, bạn bè nghệ sĩ chung tay góp sức đã hoàn thành tâm nguyện ấy của họa sĩ, điêu khắc gia Hà Minh Tuấn.
Chia sẻ về tên triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - vừa là đồng nghiệp vừa là người em trong gia đình cho biết: “Tôi biết anh từ khi bé xíu. Anh làm điêu khắc tượng Phật rất thần thái vì có thời gian 7 năm tu ở Học viện Phật giáo Nguyên thủy Huyền Không (Huyền Không sơn thượng - Huế). Dường như có dự cảm nào đó mà mấy tháng nay anh làm việc cật lực, cứ ngày ngày mấy lượt đi về giữa Tây Hồ - Bát Tràng. Anh làm gốm từ sáng sớm, 13h về ăn cơm vợ nấu, rồi lại quay về xưởng làm việc. Dù làm gốm đã lâu, nhưng năm 2022 anh mới tham gia Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật Việt Nam và tập trung sáng tác tại khu làm việc của Câu lạc bộ tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng suốt thời gian vừa qua. Sau cú ngã tại xưởng, anh rời xa cõi tạm, để lại khoảng 50 đĩa gốm vẽ tích Phật và 7 pho tượng Phật dang dở. Vậy là “DUYÊN” ấy đã thành “NGHIỆP”. Nối duyên, tôi đã làm men, nung chuyến lò cuối và hồi hộp đón chờ, vui mừng khi chúng mang đậm tinh thần, ý thức và phong cách của anh cho cuộc trưng bày cá nhân mang tên “Duyên Nghiệp Nhân Sinh” này…”.
Vẫn còn nỗi niềm bàng hoàng tiếc nuối, nhà báo An Lê - một người bạn của điêu khắc gia Hà Minh Tuấn - đầy trăn trở: “Mới năm ngoái thôi, anh cũng ấp ủ rằng nếu đủ duyên thì năm nay hoặc năm sau sẽ ra một triển lãm tranh, tượng, điêu khắc cá nhân. Giờ đây chính chúng ta lại phải làm điều đó thay anh tại Open Solo mang tên“Duyên Nghiệp Nhân Sinh” để tiễn biệt anh. Đến bây giờ chúng ta mới nhắc đến tên anh là Hà Minh Tuân, thay vì là Tuấn mà anh tự phết vào tính danh mình. Nhưng dù là Tuân hay Tuấn, anh vẫn là con người đó, một con người như chúng ta từng biết, từng yêu quý... Tượng Phật của Hà Minh Tuấn xuất phát từ cái tâm dùng gốm sứ của người Việt để tạo nên hình dung Phật của người Việt. Gốm không xa xỉ, nhưng cũng rất thanh sạch bởi quá trình thanh tẩy. Tượng Phật bằng gốm của Tuấn “sư” đạt được điểm vừa nhìn thấy là chúng ta hình dung Phật trong lòng mình, với những pho tượng đã được nhìn thấy từ ấu thơ, khi được bà dẫn vào chùa làng lễ Phật, dâng lên gói hoa mộc, hoa móng rồng, hoa sói gói trong mảnh lá chuối xanh để cúng dường và cầu nguyện những điều ngây ngô. Thế nên có thể thấy, khi còn đi trong bể khổ, Tuấn “sư” cũng đã có được một chén nước trong để dâng lên Đức Phật trong lòng mình…”.
Tốt nghiệp khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1995, Hà Minh Tuấn là nghệ sĩ tự do với nhiều công trình nội thất, điêu khắc đa chất liệu và sơn mài. Từ 1999-2006, anh tu học tại Học viện Phật giáo Nguyên thủy Huyền Không, quy y với pháp hiệu Chân Mỹ và nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo. Với khoảng thời gian dài gắn liền với thiền tự nguyên thủy xứ Huế, Hà Minh Tuấn với nhiều thao thức về giác ngộ, suy tưởng về các bậc đại giác ngộ và mải miết tạo dựng tượng Phật bằng đất, bằng gỗ hay bất cứ nguyên liệu anh có.
Trong một lần chia sẻ với báo chí về cơ duyên đến với đạo Phật, họa sĩ Hà Minh Tuấn đã nói: “Tôi nghĩ rằng, đạo Phật là một miền tâm thức đơn sơ và sẵn có của bất cứ người Việt Nam nào, như thể đó là mảnh đất đã được chủng những hạt giống hiền lành để con người ta cứ thế mà hướng đến cái Thiện vậy. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Con người mới sinh ra, nào biết gì thiện ác, thế mà bản tính căn bản lại là Thiện, vậy thì từ đâu mà có Thiện, ấy là nhờ tâm thức hướng Phật bản năng và nguyên sơ vậy. Thế nên, tôi nghĩ chẳng có cơ duyên nào đưa tôi tới với đạo Phật, mà là cơ duyên đó đã nằm sẵn ở trong tâm hồn và trái tim của tôi, như những hạt giống được định nghiệp gieo trồng, chỉ đợi đến thời điểm thích hợp là nảy mầm bồ đề, bám rễ bồ đề và nảy nở bồ đề tâm. Thời điểm đó chính là lúc hợp duyên, lúc tôi phải rời xa Hà Nội, để rồi phải chao chát khi nhớ về câu thơ của Nguyễn Bính “Mai này tôi bỏ quê tôi/ Bỏ trăng, bỏ gió. Chao ôi, bỏ chùa…”. Cái chùa của tôi nằm ở trong tâm thức hay ở vùng Tây Hồ, Lãng Bạc. Cái chùa của tôi chỉ có một cội bồ đề đang ẩn mình hay có những ông tượng hiền lành, ngồi im trong ánh sáng âm dương, lảng bảng khói sương. Tôi không nhớ, nhưng tôi biết chắc rằng, từ đó trong tôi đã nảy sinh những công án ngây thơ: “Mình sinh ra từ đâu, thế giới đến từ đâu, vũ trụ đi về đâu?”. Đó là lúc tâm bồ đề của tôi khởi sinh…”.
Cũng bởi thế mà thời gian sau này, khi quay lại với đời thường và trở thành nghệ sĩ thị giác với nhiều hoạt động đa dạng: từ vẽ tranh sơn mài, điêu khắc ngoài trời, trong nhà, thiết kế nội thất, tác phẩm sắp đặt, tương tác trong không gian có kết hợp âm thanh ánh sáng…, thì chủ đề Phật giáo luôn thấm đẫm trong tác phẩm của anh. Hà Minh Tuấn đã vẽ tích Phật lên đĩa gốm, làm tượng Phật và chiêm nghiệm về giáo lý nhà Phật qua tác phẩm cho đến những phút cuối của cuộc đời mình. Với mảng tượng danh nhân, Hà Minh Tuấn cũng để lại những tác phẩm xuất sắc như: tượng đài Trịnh Công Sơn tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội, 2015), tượng chân dung đạo diễn Trần Văn Thủy (Nam Định, 2016), tượng Marie Curie cho Trường Marie Curie (2017), tượng đài Phan Đình Phùng tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội, 2018), tượng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Nghệ An, 2023)…
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - người học chung khóa với điêu khắc gia Hà Minh Tuấn tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ: “Ở khu vườn nhỏ này, dường như vẫn còn nguyên ngọn lửa đam mê sáng tạo của người nghệ sĩ ấy. Bởi nhân duyên với đạo Phật, Hà Minh Tuấn có nhiều tác phẩm tâm huyết với Phật giáo từ năm 2000 cho tới hơi thở cuối cùng. Phật giáo nguyên thủy đã cho nghệ thuật của Tuấn sự giản dị, mộc mạc trong hình hài các vị cao tăng, bồ tát và các vị chư Phật. Phật giáo cũng cho anh cảm nhận được hư vô của kiếp người, cho anh hiểu sâu hơn ca từ của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn trở thành cảm hứng sáng tác của Hà Minh Tuấn với tác phẩm tượng đài Trịnh Công Sơn - trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội. Phật giáo cũng giúp Hà Minh Tuấn tạo nên những chiều sâu nội tâm cho những bức tượng chân dung bè bạn hay danh nhân như Lãng Xuân Hiển, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Trần Văn Thủy… Hà Minh Tuấn đã sống một đời nương tựa vào Phật pháp và cái Đẹp để dành tặng cho cuộc đời những tác phẩm Chân Mỹ - như pháp hiệu của anh và chan chứa tình đời, tình người...”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/duyen-nghiep-nhan-sinh-i718605/