Duyên với nghề
Cơ duyên gắn bó với nghề của tôi bắt đầu cách đây hơn 10 năm, khi có người nói 'học xã hội học đi làm phóng viên cũng được'. Sau khi tốt nghiệp cử nhân xã hội học, tôi nộp hồ sơ xin vào thử việc tại Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Đồng Phú và gắn bó từ đó đến nay.
Thời gian làm phóng viên chưa lâu so với nhiều đồng nghiệp nhưng những năm tháng gắn bó với nghề đã cho tôi nhiều trải nghiệm. Nhớ tuần đầu tiên đến nhận việc, tôi đọc báo mỗi ngày để biết văn phong, cách viết tin, bài, phóng sự... Sau đó, tôi được phân công đi viết một bài về công tác dân vận ở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. Chập chững vào nghề, tôi không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng, nhất là đối với cô gái có tính nhút nhát từ bé như tôi. Hôm đó, tôi chạy xe hơn 20km, qua nhiều đoạn đường lô cao su, cuối cùng cũng tới được UBND xã. Đến trước cửa phòng của chủ tịch UBND xã, lúc này tôi đứng mãi mà không dám bước vào. Vừa lúc, có một chị đi tới hỏi tôi: “Em tìm ai mà sao chị thấy em đứng mãi ở đây vậy. Đây là phòng Chủ tịch UBND xã, em có gặp thì vào đây”. Tôi cười rồi bước vào theo sau chị… Sau vài lần bỡ ngỡ, hồi hộp khi đi phỏng vấn viết bài, tôi đã tự tin lên rất nhiều. Có thể nói, nghề đã phần nào thay đổi tính cách của tôi.
Công tác tại đài huyện, tôi không chỉ chịu trách nhiệm viết tin, bài mà còn kiêm luôn quay phim. Những ngày đầu cầm máy, tôi có phần e ngại vì nhiều ánh mắt nhìn mình. Máy quay phim cùng với chân máy cũng khá nặng với người có thân hình nhỏ bé như tôi. Lúc mới đi quay, nhiều người hay nói là nữ sao không chọn nghề khác mà lại đi quay phim và tôi chỉ cười.
Trong suốt những năm gắn bó với công việc, có nhiều kỷ niệm tôi không thể nào quên. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác hồi hộp, lo lắng khi được cơ quan phân công đi quay bắn đạn thật tại Núi Gió, huyện Hớn Quản. 4 giờ sáng, tôi cùng cô bạn (công tác tại Phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước) chạy xe đến Ban CHQS huyện để đi cùng đoàn công tác. Lúc lên xe, một anh ở Ban CHQS hỏi tôi: “Em đi hả, có được không đấy?”. Tôi hơi bối rối, trả lời: “Em nghĩ được mà anh”. Trả lời xong, tôi lại thấy lo, xưa giờ tôi có quay bắn đạn thật bao giờ. Đến nơi, tôi cũng nhanh nhẹn tác nghiệp, dưới cái nắng oi ả, tiếng súng nổ đùng đoàng bên tai, đôi lúc làm tôi giật thót nhưng cảm giác lo lắng thì không còn nữa, cô bạn đi cùng cười ra hiệu “cố lên nhé”.
Một kỷ niệm đáng nhớ nữa đó là chuyến tác nghiệp ở Chiến khu D, rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Lúc ấy là giữa năm 2018, tôi cùng một nữ cộng tác viên của Báo Bình Phước đi viết về đề tài “Cuộc sống mới ở xã Tân Hòa”. Sau khi thu thập thông tin và gặp gỡ các nhân vật để viết bài này, tôi nảy ra ý tưởng vào rừng Chiến khu D. Thế là lên xe, băng ngang qua con đường tắt, chúng tôi thẳng tiến rừng Mã Đà. Qua chốt barie là con đường bê tông xuyên rừng 20km, hết đường này, rẽ trái sẽ là đường đất đỏ dài 15km đi vào Chiến khu D.
Di tích Chiến khu D nằm trong rừng Mã Đà, hai bên đường có rất nhiều cây rừng to. Vào đến nơi, chúng tôi đi tham quan, các anh trông coi di tích rất nhiệt tình và vui tính. Một anh chia sẻ, vùng Chiến khu D vẫn giữ được những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với nhiều cây cổ thụ trăm năm, nhiều loại cây dược liệu quý… Anh còn hóm hỉnh: “Các em đi xe máy nên cẩn thận nhé, có khi đang đi nghe tiếng rầm rầm trên mặt đất là voi chạy ra đấy”. Đến chiều chúng tôi ra về, đi được khoảng 10km đường đất, tôi thấy tay lái chệch choạc, dừng lại kiểm tra thì bánh xe xẹp lép. Hai chị em thay nhau dắt bộ, đường rừng vắng tanh, chỉ có tiếng chim, tiếng gió lùa, tôi quay sang nửa đùa nửa thật: “Có khi nào ta đang đi bộ, có voi, hổ nhảy ra vồ mình không nhỉ?”. Và đi hết đoạn đường đất, ra đến đường lớn, cuối cùng với sự trợ giúp của những người đi đường, chúng tôi cũng về tới nhà trong niềm vui khôn xiết. Giờ mỗi khi nhắc lại chuyến đi này, tôi vừa vui vừa buồn cười, một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.
Niềm vui của những người làm nghề như tôi là khi bài viết của mình được đăng trên báo, các phương tiện truyền thông. Tôi vẫn không thể nào quên cảm giác vỡ òa sung sướng khi lần đầu tiên bài viết của mình được đăng trên Báo Bình Phước trong chuyên mục Học tập và làm theo Bác, với tựa đề “Cô giáo gieo chữ nơi vùng sâu”. Mỗi khi thấy bài viết được xuất hiện trên trang báo, lòng tôi lại dâng tràn hạnh phúc và cũng không giấu được nỗi buồn khi có những bài viết không được sử dụng. Mỗi lần như vậy, tôi tự nhủ phải tiếp tục cố gắng. Làm phóng viên, mỗi cuộc gặp gỡ nhân vật phỏng vấn là một lần tôi được trải nghiệm điều mới mẻ. Đặc biệt, khi tiếp xúc với những người kém may mắn, tôi như được hòa vào câu chuyện, được cùng vui và cùng đau với nỗi trăn trở của họ. Sau mỗi cuộc gặp gỡ, tôi hy vọng, sự xuất hiện của mình có thể giúp họ san sẻ, vơi bớt nỗi buồn trong cuộc sống.
Công việc đôi khi là cái duyên. Dù gặp không ít sai sót, khó khăn nhưng khi nhìn nhận lại, tôi thấy nghề phóng viên đã giúp bản thân tự tin, trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi cũng hiểu ra rằng, đằng sau những bài báo, phóng sự truyền hình, những thông tin mà khán thính giả, độc giả được tiếp cận hằng ngày là cả một quá trình lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ những người làm báo. Tôi biết những khó khăn mà mình đã và đang gặp phải chỉ là một phần rất nhỏ so với các anh, chị làm báo đi trước. Chính vì thế, tôi càng khâm phục và ngưỡng mộ họ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/200/133435/duyen-voi-nghe