Ðể ai cũng vui như tết

Năm nào cũng thế, cứ gần đến Tết Nguyên đán trên các diễn đàn, các mạng thông tin lại tràn ngập những câu chuyện buồn vì người bán hoa mất tết vì hàng bán ế. Nhiều hình ảnh những chậu hoa cây cảnh bị đập bể, phá nát, những khuôn mặt âu sầu vì thức ngủ, vì lo lắng khi cả đống tiền bỏ ra chưa thể thu hồi, khi công sức làm cả năm nay đều đổ sông đổ biển…

Ðể ai cũng vui như tết

Những lời chỉ trích người mua, những lời kêu gọi tha thiết cho người bán “đừng đợi 30 tết mới đi mua hoa”, “đừng mua hoa vào ngày 30 tết”, “hãy cho người bán hoa một cái tết an vui”…

Mấy ai thấu hiểu

Nói về chuyện này, người mua, người bán đều có cái lý của mình. Hãy xem một số nguyên nhân chúng tôi đã tìm hiểu được. Thứ nhất, một số gia đình có thu nhập thấp họ luôn có tâm lý “có hoa cũng được, không có cũng chẳng sao” nên rẻ thì mua mà đắt quá cũng chẳng cần. Vì thế, họ trông chờ vào ngày cuối năm, nếu hoa rẻ mới mua về “cho có với thiên hạ mà cũng phù hợp với gia cảnh của mình”. Gặp năm, hoa mà đắt thì cũng khỏi mua chưng tết hoặc sẽ mua những loại hoa có giá bình thường. Thứ hai, những ngày đầu, người bán hoa luôn hét giá cao hơn bình thường khoảng vài ba lần. Một số người bán hoa chuyên nghiệp cho biết: “Mấy ngày trước tết phải hét giá cao để bán và thu hồi vốn nhanh, những ngày sau bán rẻ lại một chút cũng có lãi rồi”. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý người mua sợ bị mua đắt và thực tế, vẫn đang diễn ra như vậy. Những ngày đầu, vừa hỏi chậu cúc đại đóa người chủ đã hét với giá 900.000 đồng. Giá này phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp lớn mua đi biếu tặng. Cũng người chủ này, chỉ vài hôm sau, chậu cúc y như thế chỉ bán 500.000 đồng và ngày 30 tết giá chỉ còn phân nửa. Không ít người nói rằng: “Mua trước vài ba ngày làm gì cho mất oan một lúc tới mấy trăm ngàn đồng?” Thứ ba, vì sợ bị hét giá và mua hớ hàng, nhiều người có tâm lý đợi đến ngày gần tết mới mua cho đúng giá.

Ðể người bán, người mua đều vui

Người bán hoa luôn mong người mua hoa chia sẻ những nỗi nhọc nhằn, nỗi khó khăn vất vả mà cả năm trời dành tâm sức cho những chậu hoa.

Họ chỉ trông chờ vào mấy ngày tết để gia đình được hưởng những thành quả lao động sau một năm. Sự vất vả ấy cũng cần được trả công xứng đáng.

Người khá giả, biết chơi hoa thì không ai đợi đến 30 tết mới đi mua hoa vì mua sớm hoa đương nhiên sẽ đẹp. Với những gia đình khá giả thế này, dù hoa có đắt hơn vài trăm ngàn đồng cũng không vấn đề gì với họ.

Người khá giả thì ít, phần đông toàn người lao động nghèo. Nói đâu xa, giáo viên nghe sang thế nhưng ba ngày tết trong nhà nhiều thầy cô chỉ có dăm triệu bạc. Ai nỡ bỏ tiền triệu để mua hoa? Góp nhóm, căn cơ mãi mới cầm được vài trăm bạc nên tâm lý đắn đo, cân nhắc nên mua hay không là điều đương nhiên. Vậy mà gặp người bán lại cứ hét giá trên trời làm sao họ có thể mua nổi?

Vì ít tiền nên tâm lý chờ đợi khi giá hoa vừa phải mới dám mua về chơi tết cũng là điều bình thường. Tránh cái cảnh người mua được rẻ thì cười hớn hở, người bán rẻ lại buồn não nề và để ai cũng được vui như tết thì cả người mua và người bán cần phải có sự thông cảm, thấu hiểu cho nhau theo nguyên tắc: Người bán đừng hét giá trên trời và người mua cũng đừng trả giá rẻ mạt.

Phan Tuyết

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/%C3%B0e-ai-cung-vui-nhu-tet-134992.html