Ðể chuyển đổi số mang lại hiệu quả

Nền kinh tế số (KTS) của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Chuyển đổi số (CÐS) đã làm thay đổi nhiều ngành kinh tế, từ sản xuất chế tạo cho đến nông nghiệp, thương mại, vận tải hay giáo dục và tài chính; đồng thời, mang tới nhiều cơ hội phát triển mới cho các lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ CÐS và động lực quan trọng nhất để vượt qua chính là quyết tâm của các cấp, các ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Người dân thử trải nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Người dân thử trải nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Tận dụng tốt các lợi thế

Mặc dù còn gặp nhiều thách thức nhưng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong thúc đẩy CÐS và KTS. Thậm chí, xét trên một số tiêu chí, Việt Nam còn đi đầu ở không ít lĩnh vực. Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm mạng 5G, dự kiến chính thức triển khai từ năm 2021. Giá cước dịch vụ in-tơ-nét băng thông rộng cố định tại Việt Nam ở mức thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam đã có sự nhìn nhận rõ ràng về làn sóng CÐS quyết định đến tăng trưởng và thịnh vượng. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, điều tiết các mảng khác nhau của nền KTS.

Có thể thấy, khung pháp lý hiện hành đang tạo không ít thuận lợi cho sự phát triển của KTS, thúc đẩy CÐS tại Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ủy ban Chính phủ điện tử vào năm 2018, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chiến lược, cơ chế, chính sách để tạo môi trường pháp lý cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình cung cấp các dịch vụ viễn thông công cộng đến năm 2020 được ban hành năm 2015 và sửa đổi năm 2018 nêu rõ dành kinh phí 7,3 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng in-tơ-nét toàn quốc. Hay Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 đã xác định rõ then chốt trong việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như CÐS là nguồn nhân lực... Những điều này đã góp phần giúp KTS của Việt Nam có bước phát triển ấn tượng thời gian qua.

Trước hết, phải kể đến thương mại điện tử là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong nền KTS của Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và KTS (Bộ Công thương), tăng trưởng doanh thu bán lẻ về thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) của Việt Nam tiếp tục tăng hơn 25%. Ðáng chú ý, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 đến nay, tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ có khả năng lên tới 13 tỷ USD (năm 2014 chỉ đạt khoảng ba tỷ USD). Bên cạnh đó, các nền tảng kinh tế chia sẻ cũng đang phát triển mạnh mẽ nhờ nền tảng điện toán đám mây và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao. Ðơn cử, ngay khi có mặt tại Việt Nam, các nền tảng chia sẻ chuyến đi (Grab, Uber, GoViet,...) đã nhanh chóng “chiếm sân”, tạo sức ép lớn buộc các nhà cung cấp dịch vụ ta-xi truyền thống phải phát triển các nền tảng và ứng dụng di động của riêng mình để cạnh tranh lại các đối thủ mới gia nhập thị trường. Việt Nam cũng là “ngôi sao mới” trong ngành công nghệ tài chính (Fintech) toàn cầu. Chỉ trong vòng gần bốn năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 công ty như hiện nay. Không những vậy, bên cạnh lĩnh vực chính là thanh toán, các công ty Fintech còn tiến công sang nhiều mảng mới như công nghệ bảo hiểm, quản lý tài sản,... thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Vượt qua các rào cản

Bên cạnh các cơ hội, quá trình CÐS cũng đang đặt Việt Nam trước không ít thách thức. Mặc dù Nghị định số 95/2014/NÐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đầu tư 3 đến 10% tổng doanh thu hằng năm cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhưng thực tế đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp. Mặt khác, quá trình số hóa cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước của Việt Nam, điển hình là ngành thuế. Những khó khăn chủ yếu liên quan đến việc chống xói mòn cơ sở tính thuế đối với các mô hình kinh doanh mới, nền kinh tế chia sẻ hay sự xuất hiện của thị trường số dựa trên các nền tảng thương mại điện tử hoặc nguồn thu nhập mới từ sử dụng dữ liệu,...

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), chúng ta đã bỏ lỡ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước vì những lý do chủ quan và khách quan. Cách mạng công nghiệp 4.0 lần này là thời cơ cho Việt Nam thực hiện đột phá. Và để làm được điều đó cũng như có thể CÐS hiệu quả, Việt Nam cần vượt qua năm rào cản chính. Ðầu tiên và quan trọng nhất là ý chí lãnh đạo và quyết tâm chính trị. Những yếu tố này sẽ quyết định liệu cách mạng công nghiệp 4.0 và CÐS có thật sự diễn ra trên mọi lĩnh vực hay chỉ là một khẩu hiệu. Thứ hai, liên quan các quy định pháp lý của Việt Nam. Ðó là những vấn đề nảy sinh do sự không đồng nhất giữa những quy định ghi trên văn bản và việc thực thi hoặc các quy định thường không bắt kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế. Thứ ba, nguồn nhân lực ở ba cấp độ, bao gồm cấp độ đại trà của xã hội là người tiêu dùng cho việc tiếp nhận các ứng dụng số, nhóm nhân lực làm công nghệ thông tin cho sản xuất số và nhóm tinh hoa để dẫn dắt quá trình số hóa. Người Việt Nam dễ thích nghi với công nghệ số và phù hợp làm việc như “công nhân” trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thế nhưng, chúng ta lại thiếu nhóm nhân lực có thể đảm nhiệm vai trò “tổng công trình sư” để dẫn dắt quá trình CÐS. Bên cạnh đó, sáng tạo và đổi mới vẫn chưa thể hiện là thế mạnh của đất nước. Minh chứng rõ nét nhất là hầu hết các sản phẩm số của Việt Nam gần đây đều là những nền tảng ứng dụng cho các ngành khác nhau chứ không phải là sản phẩm mới, đạt được tiếng vang. Thứ tư, phải hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhiều sức sống. Cuối cùng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam còn khá thô sơ về dữ liệu, tốc độ truyền tải, do đó cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, để thúc đẩy mạnh mẽ nền KTS, CÐS, bên cạnh ý chí và quyết tâm của Chính phủ, cần có một cơ quan thống nhất nhằm đẩy mạnh, điều chỉnh và thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến CÐS. Cơ quan này có thể công nhận chính thức sự tồn tại của nền KTS trong nền kinh tế tổng thể để tạo ra sự nhất quán, đồng bộ và khả thi trong việc sửa đổi, xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình và kế hoạch cho nền KTS. Ðồng thời, sáng tạo, cởi mở cần được coi là tôn chỉ cho quá trình thực hiện số hóa, bắt đầu từ Chính phủ và lan tỏa ra xã hội.

Khung thể chế và pháp lý đóng vai trò quan trọng. Những chính sách hợp lý về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ và tự do hóa thị trường nghiên cứu khoa học sẽ tạo ra những bước đột phá cho Việt Nam trong quá trình CÐS. Ngoài ra, tiếng Anh và giáo dục chính là chìa khóa để hội nhập và CÐS thành công. Giáo dục truyền thống sẽ được thay thế bằng các hình thức như giáo dục trực tuyến, tại nhà hay tự học.

PGS Nguyễn Ðức Thành

Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Ðại học Quốc gia Hà Nội)

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/43050102-%C3%B0e-chuyen-doi-so-mang-lai-hieu-qua.html