Ðể có 2.000 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Mục tiêu bao trùm trong Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là đến năm 2030, Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp (DN) nội địa đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam; sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Mục tiêu bao trùm trong Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là đến năm 2030, Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp (DN) nội địa đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam; sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Không thể phủ nhận thực tế là trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Hạn chế lớn của CNHT là đến nay vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Về phía DN, quy mô và năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, trình độ công nghệ còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực. Sản phẩm CNHT chưa phong phú về mẫu mã, chủng loại trong khi chất lượng còn thấp, giá thành chưa cạnh tranh. Ðáng lưu ý, sự liên kết giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất lỏng lẻo, luôn là chuyện "con gà, quả trứng". DN trong nước nói rằng chỉ cần DN đầu chuỗi cam kết mua hàng là sẽ đầu tư sản xuất, bảo đảm đáp ứng đúng yêu cầu của bên mua. Còn các tập đoàn đa quốc gia khẳng định họ thực hiện chính sách mua hàng mở, mọi thông tin đều được công khai, nếu DN Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về giá thành, chất lượng, số lượng ổn định thì không có lý do gì họ không mua. Bên cạnh đó, việc DN FDI thường có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo hoặc tự phát triển chuỗi khép kín cũng là nguyên nhân khiến đường gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Việt Nam thêm gập ghềnh, trắc trở.

Phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có sự thay đổi và dịch chuyển do tác động của đại dịch Covid-19, DN Việt Nam cần vận dụng mọi khả năng sáng tạo để tìm kiếm cơ hội mới chen chân vào chuỗi cung ứng mới đang hình thành. Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành đồng bộ các nhóm giải pháp từ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đến ưu đãi về tín dụng, lãi suất đối với DN CNHT; thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa khu vực DN trong nước với khu vực DN FDI; chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển CNHT; tập trung nâng cao năng lực khoa học - công nghệ cho DN; phát triển nguồn nhân lực... nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để "giấc mơ" chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành hiện thực, trước hết bản thân DN phải tự vươn lên nắm bắt cơ hội, nhưng cũng cần có thêm lực đẩy đủ mạnh từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thông qua việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 115/NQ-CP này.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/e-co-2-000-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-614037/