E dè điều chỉnh nguyện vọng

Hôm qua, 22-7, thí sinh đã bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2019 song thí sinh tỏ ra thận trọng trong ngày điều chỉnh đầu tiên

Thí sinh (TS) Nguyễn Ngọc Thùy Dương, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), đã đăng ký xét tuyển ngành kế toán tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết TS này đăng ký thêm nguyện vọng vào Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM và Trường ĐH Công nghệ TP HCM. Theo TS này, do không chắc trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM nên muốn điều chỉnh để tăng cơ hội đậu vào các trường khác.

Thí sinh còn cân nhắc

Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, trong buổi sáng ngày 22-7 có khoảng 6 TS đến điều chỉnh theo hướng tăng số lượng nguyện vọng. Tại nhiều trường THPT khác, chưa có nhiều TS đến điều chỉnh. Đại diện các trường cho biết những năm trước, TS không điều chỉnh nguyện vọng sớm mà sẽ theo dõi điểm sàn xét tuyển của các trường đã đăng ký và những trường khác có ngành tương tự.

Ghi nhận tại một số trường THPT của Hà Nội cho thấy các trường đều bố trí phòng, máy tính, giáo viên hướng dẫn, tư vấn để giúp TS điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hiệu quả. Nhưng có rất ít TS đến điều chỉnh trong ngày đầu tiên. Một giáo viên của Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cho hay có tới 10 ngày để điều chỉnh nguyện vọng nên các em còn cân nhắc, theo dõi tình hình ở các trường ĐH. Trên thực tế, ngày 22-7, nhiều trường khối y dược và sư phạm mới công bố điểm sàn xét tuyển. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, TS có thể điều chỉnh nguyện vọng theo 2 cách: trực tuyến từ nay đến 17 giờ ngày 29-7 và trên phiếu từ nay đến 17 giờ ngày 31-7.

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sáng 22-7 tại Trường THPT Marie Curie. Ảnh: Tấn Thạnh

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sáng 22-7 tại Trường THPT Marie Curie. Ảnh: Tấn Thạnh

Y dược, sư phạm công bố điểm xét tuyển

Theo thông báo của Trường ĐH Sư phạm (SP) Hà Nội ngày 22-7, điểm sàn xét tuyển vào trường từ 18-22 điểm. Cụ thể, các ngành SP: ngữ văn, toán học, toán học đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh, tiếng Anh có điểm sàn xét tuyển cao nhất, 22 điểm. Điểm sàn của ngành giáo dục tiểu học, giáo dục tiểu học - SP tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục mầm non - SP tiếng Anh là 18,5. Các ngành còn lại có điểm sàn là 18 điểm.

Ở khối y dược, các ngành đào tạo bác sĩ của Trường ĐH Y Hà Nội có điểm sàn xét tuyển là 21, trong khi hệ đào tạo cử nhân, điểm sàn chỉ dừng lại ở 18 điểm. Khoa Y Dược, ĐHQG Hà Nội cho hay các ngành y khoa, răng hàm mặt chất lượng cao có điểm sàn là 21 điểm, ngành dược học 20, ngành kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật hình ảnh y học 18 điểm. Riêng ngành răng hàm mặt chất lượng cao, dù xét tuyển bằng tổ hợp B, tiếng Anh được tính là môn điều kiện. Thí sinh phải đạt tối thiểu 4/10 điểm môn này mới được nhận hồ sơ xét tuyển.

Lý giải về mức điểm sàn xét tuyển khá cao, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng đầu vào không quyết định tất cả nhưng là khâu rất quan trọng để bảo đảm đầu ra. GS Tú cho rằng trong cùng một ngành đào tạo nhưng điểm chuẩn đầu vào giữa các trường chênh nhau tới gần 10 điểm thì đáng phải suy nghĩ. Trên thực tế, sự chênh lệch điểm đầu vào cũng cho thấy năng lực của các sinh viên rất chênh lệch.

Trường ĐH Y Dược TP HCM quy định 3 mức điểm sàn cho các ngành của trường. Trong đó, y khoa, dược học và răng - hàm - mặt là 3 ngành có mức sàn cao nhất với 21 điểm. Ngành y học cổ truyền xét tuyển từ 20 điểm. Các ngành còn lại cùng mức 18 điểm, gồm: y học dự phòng, điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, y tế công cộng.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) vừa thông báo điểm xét tuyển đối với 9 ngành đào tạo. Trong đó, 2 ngành có điểm xét tuyển cao nhất, với 21 điểm, là: y khoa, răng - hàm - mặt. Ngành dược xét từ 20 điểm, các ngành còn lại xét từ 18 điểm, gồm: Khúc xạ nhãn khoa (điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh từ 7.0 trở lên), điểu dưỡng, xét nghiệm y học, kỹ thuật y học, y tế công cộng, dinh dưỡng.

Cần bình tĩnh

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng TS cần bình tĩnh khi điều chỉnh nguyện vọng. Trước tiên, cần lập ra danh sách những ngành ở những trường mà TS thấy phù hợp, quan tâm xét tuyển theo thứ tự giảm dần. TS thích ngành, trường nào nhất thì đặt nguyện vọng 1 và cứ thế đặt nguyện vọng 2, 3, 4... Nguyên tắc xét tuyển của các trường ĐH là không phân biệt TS đăng ký ở nguyện vọng 1 hay 10 nhưng khi đã trúng nguyện vọng 1 thì không xét đến những nguyện vọng tiếp theo.

Yến Anh - Huy Lân - Ngọc Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/e-de-dieu-chinh-nguyen-vong-20190722225810655.htm