Ðể đồng bào không nằm ngoài sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tại huyện Ðơn Dương - nơi được xem là 'thủ phủ rau' với sản lượng lớn nhất Lâm Ðồng, người đồng bào DTTS cũng đang dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Nhiều nông dân người đồng bào DTTS thôn M’Răng (xã Lạc Lâm) đã lắp đạt hệ thống phun sương trên những cánh đồng rau của mình

Nhiều nông dân người đồng bào DTTS thôn M’Răng (xã Lạc Lâm) đã lắp đạt hệ thống phun sương trên những cánh đồng rau của mình

Tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật

Hiện toàn huyện Đơn Dương có 6.148 hộ đồng bào DTTS, chiếm khoảng 31% dân số, gồm các dân tộc như K’ho, Chu ru, Ê đê, Tày, Nùng… Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 75 triệu đồng/năm. Tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chỉ còn 3,81%.

Đối với một địa phương thu nhập chính của người dân chủ yếu từ nông nghiệp, để đạt được những con số ấn tượng trên là cả một quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi năm 2014, theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của huyện vẫn xấp xỉ 10%, tương ứng trên 614 hộ nghèo, chưa tính tới cận nghèo. Một phần nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS còn lạc hậu, nông cụ sản xuất thô sơ. Cây trồng chủ lực là lúa nước, bắp với năng suất thấp để có lương thực phục vụ đời sống gia đình, hàng năm nhà nước phải cứu đói giáp hạt.

Từ tình hình thực tế ở vùng đồng bào DTTS, huyện Đơn Dương đã tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp khuyến nông, khuyến lâm, tổ chức tập huấn hội thảo cho nông dân vùng đồng bào dân tộc, hướng dẫn người dân về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng giống mới có chất lượng năng suất trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ, lực lượng cộng tác viên khuyến nông, thú y cơ sở tại các thôn đồng bào DTTS để trực tiếp theo dõi và hướng dẫn đồng bào trong sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của nhà nước đầu tư hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi trong vùng đồng bào DTTS như chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, chương trình 135… hỗ trợ giống mới đạt năng suất cao, chú trọng chuyển giao cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất theo công nghệ tiên tiến để giảm sức lao động. Đặc biệt, đối với chương trình nông nghiệp CNC, huyện Đơn Dương chọn một số hộ đồng bào dân tộc có điều kiện năng lực để hỗ trợ đẩu tư mô hình điểm, sau đó nhân rộng mô hình ra cho bà con.

Đến nay, hầu hết hộ đồng bào DTTS ở huyện Đơn Dương đều biết áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, chuyển diện tích đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích sản xuất lúa chỉ còn 2.500 ha (chiếm 12,3% đất sản xuất nông nghiệp), diện tích canh tác rau thương phẩm được nâng lên 4.600 ha, chiếm 40% diện tích canh tác rau trên địa bàn huyện, hầu hết ứng dụng CNC như phủ bạt nông nghiệp, ứng dụng hệ thống tưới tự động. Diện tích sản xuất rau trong nhà lưới, nhà kính do người DTTS làm chủ đạt trên 100 ha.

Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn, thực hiện cải tạo đàn bò vàng theo hướng sind hóa đàn bò đạt 60% đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị đàn bò. Hiện toàn huyện có trên 30 hộ đồng bào DTTS nuôi bò sữa. Đang nói hơn, bò được nuôi nhốt trong chuồng trại, kết hợp trồng cỏ, bắp để cung cấp thức ăn cho bò, chăm sóc trâu bò theo đúng kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng trâu bò ngày càng đạt hiệu quả cao...

Ðổi thay từ tư duy sản xuất

Nhìn vào bộ mặt của vùng đồng bào DTTS ở huyện Đơn Dương hôm nay với nhà cửa, đường xá khang trang và những cánh đồng rau xanh ngát bên đường, không khó để nhận ra rằng, tư duy về sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân DTTS đã được thay đổi đáng kể.

Hầu hết nông dân vùng đồng bào DTTS đã ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy xới đất, máy làm luống, máy gặt lúa liên hợp, máy phun thuốc, tưới nước tự động bằng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt… từ đó giải phóng được sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo đánh giá của UBND huyện Đơn Dương, để đạt được kết quả trong công tác chuyển giao KHKT ứng dụng CNC, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng đồng bào DTTS trong những năm qua là nhờ vào công tác phối hợp tuyên truyền, vận động. Từ đó làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc, tích cực tiếp thu ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất ở vùng đồng bào DTTS đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù vẫn còn gặp phải một số khó khăn để phát triển đồng bộ các khâu CNC tong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS, thế nhưng đời sống vật chất vùng đồng bào dân tộc tại huyện Đơn Dương vẫn đang ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tỷ lệ hộ khá giàu tăng rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị trật tự ATXH được giữ vững, từ đó góp phần tích cực hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp CNC theo hướng thông minh vào năm 2025.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-lam-dong-lan-thu-iii-e-dong-bao-khong-nam-ngoai-su-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-2964637/