Ðể du lịch phát triển xứng tầm
ĐBP - Ðiện Biên có tiềm năng để phát triển du lịch, dựa trên '3 trụ cột': du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Về du lịch lịch sử, Ðiện Biên có quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Nhắc đến Ðiện Biên, không chỉ du khách trong nước mà cả thế giới biết đến với cuộc chiến tranh 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Ðiện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau. Là nơi để du khách đến tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh. Nằm ở vùng cực Tây Tổ quốc, Ðiện Biên có nhiều danh lam thắng cảnh, suối khoáng nóng, hồ nước rộng lớn, cánh rừng nguyên sinh... để phát triển du lịch. Với tiềm năng, thế mạnh đó, năm 2016, Ðiện Biên đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu rõ ràng. Phấn đấu đến năm 2020, Ðiện Biên đón 870 ngàn lượt khách, trong đó có 220 ngàn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Ðến năm 2025, đón 1.300 ngàn lượt khách, trong đó có 300 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.400 tỷ đồng. Ðến năm 2030 đón khoảng 1.600 ngàn lượt khách, trong đó có 350 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng...
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết cho thấy, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2015 - 2020 không đạt yêu cầu. Ðến hết năm 2020 số lượt khách du lịch ước đạt 351 ngàn lượt, trong đó 16.800 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 575 tỷ đồng.
Ðể du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại thì điều tiên quyết phải thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch theo quan điểm phát triển bền vững và hiệu quả. Trước mắt, cần nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn kết quả thực hiện Nghị quyết phát triển du lịch đến năm 2020, để rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; xây dựng, hình thành tuyến du lịch đường thủy trên sông Ðà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu; mở rộng liên kết tuyến du lịch quốc gia: Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Ðiện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội với mục tiêu quảng bá hình ảnh để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư phát triển du lịch...
Thực tế cho thấy, việc đầu tư cho du lịch nhiều năm qua đang chủ yếu dùng ngân sách Nhà nước, khối tư nhân tham gia chưa nhiều. Như trên đã đề cập, để du lịch trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn”, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chúng ta cần huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau. Tôi ấn tượng với câu nói của ông Bùi Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong một lần UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp gần đây rằng: Tiềm năng du lịch Ðiện Biên - có tiền cũng không mua được. Ý nói rằng, với quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, là do lịch sử để lại. Chúng ta cần bảo vệ và tôn tạo tốt, xứng tầm để phục vụ khai thác du lịch, biến nó thành “con gà đẻ trứng vàng”. Theo ông Giang: Chỉ cần có tiền, chúng ta có thể làm biển nhân tạo, núi nhân tạo... tại lòng chảo Mường Thanh. Còn với quần thể di tích đặc biệt cấp quốc gia chiến trường Ðiện Biên Phủ thì có tiền cũng không mua được. Ðã là lịch sử thì không mua được. Do vậy, tỉnh phải có kế hoạch, đề án phát triển du lịch cụ thể, rõ ràng, theo lộ trình cụ thể. Cái gì Nhà nước làm, cái gì mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân tham gia. Nhất là đầu tư hạ tầng: nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí, điện, đường vào khu du lịch... Khi cả chính quyền và tư nhân cùng tham gia khai thác du lịch bài bản, khoa học, vì lợi ích chung thì “ngành công nghiệp không khói” Ðiện Biên mới cất cánh được.