Ðể khu danh thắng Tràng An mãi là niềm tự hào

Trong những ngày cuối tháng sáu vừa qua, nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng vinh dự và tự hào khi đón tin vui khu danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên sau khi được vinh danh, đã và đang đặt ra trách nhiệm của Ninh Bình, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị của di sản.

Phong cảnh của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.

Phong cảnh của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.

Theo hồ sơ đệ trình UNESCO, vùng danh thắng Tràng An được đề cử công nhận di sản rộng 6.172 ha, bao gồm ba khu di tích bảo tồn: Kinh đô cổ Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc Bích Ðộng và rừng nguyên sinh đặc hữu Hoa Lư. Bao quanh toàn bộ di sản là vùng đệm rộng 6.268 ha. Việc đưa quần thể khu danh thắng Tràng An vào phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng được Ðảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh Ninh Bình rất quan tâm. Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra Nghị quyết 15 năm 2009 về phát triển du lịch trong đó, khu danh thắng Tràng An được coi là điểm nhấn quan trọng trong nhiều khu du lịch của tỉnh.

Trước đó, ngay từ năm 2005, được sự đồng ý của tỉnh Ninh Bình, dự án khu du lịch sinh thái Tràng An đã được doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường triển khai với việc nạo vét các cửa hang xuyên thủy do lâu ngày bị bùn ứ đọng bịt kín và nạo vét các lòng hang để thuyền du lịch có thể đi xuyên qua các hang thông thủy. Công việc này được thực hiện khá thận trọng với sự tư vấn của giới khoa học. Hiện nay, có 11 hang trong gần 50 hang động trong khu du lịch sinh thái Tràng An được đưa vào khai thác. Cũng từ khi triển khai dự án này, đến năm 2007, số lượng du khách đến Tràng An ngày một đông. Nhiều chương trình tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực cho khu danh thắng Tràng An nói riêng và các khu du lịch khác nói chung trong tỉnh Ninh Bình được đầu tư đáng kể. Du lịch đã bắt đầu khởi sắc và ngày càng thu hút đông khách. Năm 2013, Ninh Bình đón 4,3 triệu lượt khách và sáu tháng đầu năm 2014 đón gần 3,4 triệu lượt khách trong đó khoảng 65% số này đến Tràng An - Bái Ðính.

Khu danh thắng Tràng An được coi là một "đặc ân" của thiên nhiên ban tặng cho con người cố đô Hoa Lư, cho nên ngay từ đầu, tỉnh Ninh Bình cùng với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu du lịch sinh thái Tràng An với tổng số vốn gần ba nghìn tỷ đồng. Bao gồm hàng chục dự án với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An thực hiện. Ban còn theo dõi đưa vào quản lý 21 khách sạn, khu resort. Trong đó: bốn khách sạn 4 sao, hai khách sạn 3 sao, chín khách sạn 2 sao. Ngoài ra hàng nghìn khách sạn, nhà nghỉ của các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh cũng tích cực tham gia vào dịch vụ du lịch. Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình còn coi trọng việc xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, triển khai xây dựng Công viên văn hóa Tràng An cùng nhiều công trình đón tiếp du khách và khu dịch vụ mua sắm quà lưu niệm tại bến thuyền Tràng An, tầng hầm chùa Bái Ðính, khu ki-ốt Ðền vua Ðinh vua Lê, Khu vực bến thuyền Tam Cốc- Bích Ðộng, làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm và khu trung tâm thành phố Ninh Bình nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cũng phải nói rằng, thời gian qua là sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành đoàn thể ở địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các khu du lịch nhất là khu danh thắng Tràng An. Theo số liệu chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 nghìn lao động tham gia vào các dịch vụ du lịch. Riêng khu danh thắng Tràng An hiện có hơn một nghìn chiếc đò thường xuyên chở du khách đến các điểm trong khu danh thắng. Xã Gia Sinh( Gia Viễn) gần 100% số lao động tham gia các dịch vụ: chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn viên du lịch và xe ôm, chở đò. Việc đào tạo những người chèo đò là rất cần thiết để họ có đủ trình độ điều khiển phương tiện đi qua các hang xuyên thủy động vừa nhỏ về chiều ngang vừa ngoắt nghéo khó di chuyển, nhiều chỗ chỉ đủ lọt một chiếc đò sẽ rất nguy hiểm nếu người điều khiển không thông thạo địa hình. Mặt khác, ngành du lịch của tỉnh còn tổ chức lớp học về kỹ năng giao tiếp, in tờ rơi về lịch sử khu danh thắng Tràng An cho những người làm nhiệm vụ chở đò để họ làm luôn nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá truyền thống lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư cho du khách. Thời gian qua, các ban, ngành đoàn thể trong tỉnh đóng góp không nhỏ về tổ chức dạy nghề cho hàng chục nghìn nông dân. Ðó là những làng nghề truyền thống nổi bật có từ hàng nghìn năm như thêu ren Văn Lâm (Hoa Lư), làng gốm Gia Thủy (Nho Quan), sản xuất cói mỹ nghệ (Kim Sơn và Yên Khánh), gốm cổ Bồ Bát (Yên Mô), đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư). Ðặc biệt, Hội phụ nữ tỉnh còn phố hợp với huyện Gia Viễn mở lớp dạy ngoại ngữ, văn hóa du lịch cho những hội viên tham gia dịch vụ du lịch tại các khu du lịch Bái Ðính, danh thắng Tràng An, đền thờ vua Ðinh vua Lê... Phát triển du lịch còn kéo theo sự hình thành nền nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình mang tính đa dạng: Ngoài cá rô Tổng Trường, thịt dê- cơm cháy là những món đặc sản truyền thống ở Ninh Bình còn phải kể đến lúa chất lượng cao, ba ba, cá mú, nhung hươu, nhím, mật ong cùng nhiều loại nông sản khác cũng nhờ đó mở rộng.

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là niềm tự hào của mảnh đất cố đô có bề dày hàng nghìn năm. Tuy nhiên, để danh thắng ngày một thêm đẹp, ngày một hấp dẫn, mỗi người dân trong tỉnh Ninh Bình cùng với du khách cần có ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, không chặt phá cây, săn bắn động vật và bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng ý thức không xả rác bừa bãi, không đeo bám khách du lịch để bán hàng lưu niệm trong các khu du lịch. Ðồng thời, tăng cường đầu tư sáng tác nhiều mẫu mã sản phẩm từ các làng nghề truyền thống để quảng bá hình ảnh của vùng đất, con người Tràng An với du khách trong nước và quốc tế góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy Ninh Bình.

BÙI VĂN THẮNG

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dien-dan/item/23705902-%c3%b0e-khu-danh-thang-trang-an-mai-la-niem-tu-hao.html