E-magazine Khúc hoan ca làng chài
Làng chài hiện ở địa phận xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum), nhưng công cuộc phát triển kinh tế gia đình lại có sự liên quan không nhỏ đến huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Đâu chỉ là theo con cá qua địa phận tỉnh Gia Lai buông lưới. Đó là những đoàn khách du lịch tham quan các thắng cảnh ở huyện Ia Grai rồi vòng qua làng chài theo tour. Và, đó còn là việc con cá chuyển qua, hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống chuyển lại.
7 năm trước, tôi có dịp đến làng chài trên dòng Sê San. Khi đó, làng có 24 hộ sống trên nhà bè tạm bợ thưng bạt, đáy bằng lồ ô để mưu sinh bằng nghề đánh cá. Nghe nói sông Sê San có cá lăng, anh vũ, mè dinh, nhiều ngư dân di cư lên đây buông câu, thả lưới. Tôi còn nhớ như in lời ông Trần Tằm-một trong những ngư dân đầu tiên đến đây kể chuyện từ tỉnh Thừa Thiên-Huế ngược lên Tây Nguyên mưu sinh: Nhà ông có 6 miệng ăn nên thiếu đói quanh năm. Khi biết sông Sê San đa dạng về các loại thủy sản, vợ chồng ông dắt nhau lên đây mưu sinh từ năm 2009. Ông gửi 4 đứa con cho người thân ở quê trông giúp. Mỗi đêm buông lưới thu về 200-300 ngàn đồng, hơn đứt khi còn ở Huế. Thậm chí, những năm đầu mới lên, có khi còn đánh bắt được cá to, nặng đến 30-40 kg, bán được tiền triệu. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ổn định hơn.
Hành trình đến với con nước Sê San của gia đình anh Nguyễn Văn Triều (quê ở tỉnh An Giang) và hơn chục hộ người cùng quê cũng không khác gia đình ông Trần Tằm. Tiếng đồn về thủy sản phong phú đã khiến họ tìm đến nơi này. Khi mới lên, nhà nào cũng nghèo, thiếu thốn đủ thứ.
Sau 7 năm trở lại làng chài, tôi vẫn thấy bóng mây duềnh theo con nước xanh thẳm nhưng nhà cửa của ngư phủ đã mang một hình hài, dáng dấp khác. Những nhà bè tạm bợ bằng lồ ô ngày nào nay đã không còn. Thay vào đó là những nhà bè mái lợp tôn, cột và ván thưng bằng gỗ. Vài nhà bè có sức chứa khoảng 30-40 người, như nhà bè của gia đình 2 anh Nguyễn Văn Triều, Đặng Văn Thuộc.
Dân làng chài nay đã đổi vận. Vậy nên, nét vui tươi hiện rõ trong bài vọng cổ người ngư dân vùng sông nước. Vừa dẫn chúng tôi ra tham quan khu vực nhà lồng nuôi cá, anh Thuộc vừa kể: Làng hiện có hơn 30 hộ, đa phần là người An Giang và có quan hệ họ hàng. Ban đầu mới lên, cuộc sống gia đình nào cũng khó khăn nhưng nay thì đỡ nhiều rồi. Từ năm 2018, bà con làng chài nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền tỉnh Kon Tum. Bên cạnh cấp đất, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản trên nhà bè, chúng tôi còn được nhập khẩu làm công dân huyện Ia H’Drai và con cái được đến trường học hành. Đặc biệt, những năm gần đây, làng chài trở thành địa điểm hút khách du lịch đến tham quan. Nhờ vậy mà cuộc sống của bà con ngày càng ổn định hơn.
Nói về chuyện làm du lịch, anh Nguyễn Thành Nhân (quê ở tỉnh An Giang) chia sẻ: Trước ở quê đói kém nên vợ chồng anh lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Sau đó, vì đồng lương ít ỏi nên lên đây sinh sống. Lúc mới lên làm nghề đánh cá, còn bây giờ vừa đánh cá vừa làm du lịch. Khi có khách thì đưa thuyền ra đón, chở đi tham quan và nấu các món ăn phục vụ họ.
Sinh sống ở nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh, mối gắn kết của bà con làng chài ở Kon Tum và Gia Lai rất bền chặt. Con thuyền nhỏ buông câu lúc ở bờ bên này, lúc bờ bên kia. Mỗi tour du lịch đâu chỉ dừng lại ở làng chài mà còn là những hòn đảo hữu tình và cả thác Mơ thơ mộng ở bên bờ phía huyện Ia Grai. Anh Trần Trung Hiển (xã Ia O) bộc bạch: “Ở bên Gia Lai cũng có mấy gia đình sinh sống trên bè nổi làm nghề đánh cá hoặc kinh doanh nhà hàng ăn uống, du lịch. Cùng cảnh xa quê nên mối gắn kết giữa làng chài ở xã Ia Tơi với bà con bên này khá thân thiết. Chúng tôi liên kết với nhau trong chở khách tham quan làng chài và cảnh đẹp ở bờ sông Sê San phía Gia Lai. Có những chuyến khách từ Gia Lai qua, lại có những chuyến bên kia qua bên này. Chúng tôi cũng hay qua đó mua các loại thủy sản mà dân làng chài đánh bắt được để phục vụ công việc kinh doanh”.
Ông Hoàng Trọng Quảng-Chủ tịch UBND xã Ia Tơi-cho hay: Làng chài hiện có 29 hộ được cấp đất ở. Chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để giúp họ phát triển kinh tế từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Những năm qua, dân làng chài cũng có sự liên kết với các hộ dân ở Gia Lai để làm du lịch. Mặt khác, người dân vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh thường có sự thông thương về hàng hóa. Mới đây, địa phương cũng cử 2 đội xuống tham gia giải đua thuyền do huyện Ia Grai tổ chức và đội đua ở làng chài giành chức vô địch.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khuc-hoan-ca-lang-chai-post267283.html