Ðể phát triển kinh tế trang trại bền vững
Những năm gần đây, kinh tế trang trại của Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển ổn định và bền vững, rất cần những cơ chế, chính sách quản lý phù hợp và hiệu quả…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay toàn thành phố có hơn 2.800 trang trại các loại, trong đó, có 70 trang trại trồng trọt, gần 2.000 trang trại chăn nuôi, hơn 400 trang trại nuôi trồng thủy sản và khoảng 300 trang trại tổng hợp. Hiện nay, các chủ trang trại đã quan tâm đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực thủy sản, đã đưa các giống chất lượng và năng suất cao như tôm càng xanh, cá chim trắng, cá rô đơn tính… vào nuôi; áp dụng công nghệ mới trong trồng hoa, rau màu, như phát triển nhà lưới, nhà kính, trồng thủy canh, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh. Nhờ đó, năng suất nông sản ngày càng tăng, nâng cao thu nhập cho các chủ trang trại.
Tại huyện Ðông Anh, các trang trại chăn nuôi tập trung được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, xây dựng mô hình chăn nuôi theo chuỗi. Nhiều trang trại đã được đầu tư cơ bản theo hướng hiện đại qua các khâu sản xuất, như con giống, vật nuôi được chăm sóc thông qua hệ thống kiểm soát tự động; nhiệt độ chăm sóc vật nuôi, nhiệt độ ấp nở con giống được tự động cập nhật hằng ngày và được điều khiển từ xa qua kết nối in-tơ-nét đến chủ chăn nuôi. Năm 2017, hai trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao gồm Công ty TNHH Ðầu tư và phát triển Hòa Phát (xã Tiên Dương) và hộ chăn nuôi Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà) được vinh danh trong Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ năm. Ðến nay, toàn huyện Ðông Anh đã xây dựng được 11 trang trại chăn nuôi an toàn dịch theo mô hình VietGAP; sản phẩm chăn nuôi như: con giống, thịt, trứng... đưa ra thị trường tiêu thụ đều được công bố chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm con giống giữ thương hiệu tốt, được đánh giá cao.
Huyện cũng đã có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ, mang lại giá trị, hiệu quả cao như: Công ty TNHH Ðầu tư và phát triển Hòa Phát của ông Nguyễn Văn Hiệu (xã Tiên Dương) nuôi gà đẻ trứng, gà thương phẩm với 30 nghìn con gà các loại, doanh thu bình quân 50 tỷ đồng/năm; Trang trại nuôi gà siêu trứng của ông Hoàng Minh Ngọc (xã Liên Hà) nuôi 25.000 gà sinh sản, doanh thu đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc. Dẫn đầu mô hình này là Công ty Ðông Thành (xã Xuân Nộn) đã ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Doanh nghiệp đã xây dựng mô hình giết mổ tập trung bán công nghiệp theo chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm. Bò thịt được nhập từ nước ngoài, chăm sóc nuôi dưỡng theo chương trình giám sát đặc biệt, giết mổ theo dây chuyền và xuất bán trên toàn quốc. Nhờ hướng đi đúng, đầu tư có chiều sâu cho nên kinh tế trang trại của huyện được duy trì phát triển, phần lớn các trang trại được đầu tư có hiệu quả, đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Tại huyện Ứng Hòa có hơn 200 trang trại với 136 trang trại chăn nuôi, 45 trang trại thủy sản, 19 trang trại tổng hợp. Trong đó, đã có 120 trang trại được cấp giấy chứng nhận, lợi nhuận thu được từ các trang trại trong toàn huyện đạt khoảng hơn 400 tỷ đồng. Bên cạnh việc khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm... thì hiện nay, các mô hình kinh tế trang trại của địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh trong chăn nuôi, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá sản phẩm đầu ra không ổn định...
Nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, huyện Mê Linh cũng đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn trong hoạt động sản xuất kinh tế trang trại. Bên cạnh việc phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50 ha trở lên tại các xã Tam Ðồng, Liên Mạc, Kim Hoa, Tự Lập; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê, một số vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô lớn cũng được nhiều hợp tác xã, hộ gia đình chú trọng đầu tư, mở rộng tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Ðại Thịnh, Thanh Lâm…
Các trang trại sản xuất cây ăn quả trồng tập trung có giá trị kinh tế cao, quy mô lớn cũng được các xã trong huyện quan tâm đầu tư theo hướng hàng hóa, xây dựng chỉ dẫn địa lý để sản xuất ổn định, liên kết từ khâu chọn giống đến tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Mạnh Hải, chủ trang trại bưởi Diễn tại xã Tiến Thắng cho biết, trước đây, do không tìm được đầu ra cho nên hộ gia đình ông trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau nhằm lấy ngắn, nuôi dài, lấy "bội thu bù thất bát".
Ðến nay, nhờ liên kết trong sản xuất, kinh doanh, gia đình ông đã chuyển sang chuyên canh trồng bưởi. Vụ thu hoạch nào sản phẩm của trang trại cũng được tận thu với giá bán cao, ổn định. Ông Hải cũng mong muốn, thời gian tới gia đình ông sẽ ký hợp đồng trực tiếp với các siêu thị và doanh nghiệp xuất khẩu để nhận được sự hỗ trợ về vốn, công nghệ từ các đối tác, mặt khác có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo chất lượng nông sản ngày càng cao, cho thu nhập hơn trên cùng một diện tích trồng trọt.
Phát triển kinh tế trang trại ở Hà Nội đang là hướng đi đúng tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm cho quỹ đất nông nghiệp tại nhiều nơi bị thu hẹp. Do đó, một số quy định về điều kiện được công nhận trang trại như vốn, quỹ đất tối thiểu… không phù hợp thực tế phát triển một số nơi. Các địa phương đề nghị, một số cơ chế, chính sách còn bất cập cần sớm thay đổi cho phù hợp tình hình. Bên cạnh đó, các chủ trang trại cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy định nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại có thể tham gia xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ở các địa bàn tập trung phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, chính sách quản lý… cho các chủ trang trại để chủ động sản xuất, sớm tiếp cận với thị trường phù hợp, từ đó có định hướng chiến lược trong phát triển sản xuất, kinh doanh xây dựng kinh tế trang trại của Thủ đô ổn định, bền vững.