Ðề phòng thiên tai mùa mưa bão
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Cái Nước, mùa mưa bão năm 2023, trên địa bàn huyện có 109 căn nhà bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy; trong đó có 14 căn nhà bị sập hoàn toàn, ước tổng thiệt hại tài sản gần 800 triệu đồng. Phần lớn số nhà bị sập và tốc mái chủ yếu xảy ra ở thời điểm những tháng đầu mùa mưa.
Theo dự báo, do tác động của biến đổi khí hậu, mùa mưa năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp, mưa dông, lốc xoáy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Nam Bộ sẽ nhiều hơn những năm trước; nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân là không thể xem nhẹ. Vì vậy, để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại về nhà ở dân cư trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn chỉ đạo các ấp, khóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương về phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão, những hộ có nhà bằng cây gỗ không đảm bảo vững chắc, có nguy cơ bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy, đã chủ động chằng chống theo hướng dẫn; đồng thời có biện pháp gia cố để căn nhà thêm vững chắc, hạn chế sập đổ và tốc mái khi có thiên tai.
Ông Lâm Quang Trí, ấp Cái Chim, xã Trần Thới, chia sẻ: “Hiện nay, một số hộ dân có nhà ở không vững chắc trên địa bàn đã sử dụng bao cát dằn lên mái nhà, hoặc dùng dây chằng chống, phòng ngừa mưa dông, lốc xoáy”.
Ở vùng nông thôn, người dân có thói quen trồng cây xanh xung quanh khu vực nhà ở và dọc theo các tuyến lộ nông thôn để lấy gỗ. Tuy nhiên, trong mùa mưa bão, những cây gỗ tạp sẽ trở thành mối hiểm họa, bởi chúng có thể bị gãy cành, đổ ngã làm hư hỏng tài sản và đe đọa đến tính mạng của người dân. Vì vậy, ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân cắt tỉa cành, hoặc đốn hạ để bảo vệ an toàn nhà ở, đề phòng mưa dông, lốc xoáy gây đổ ngã.
Ông Lê Thanh Liêm, ấp Cái Giếng, xã Ðông Hưng, cho hay: "Vào mùa mưa bão, những cây cổ thụ ở gần nhà rất nguy hiểm, không may mưa dông bật gốc đổ ngã trúng vào nhà ở thì xem như bị thiệt hại. Ðược chính quyền tuyên truyền, người dân cũng ý thức đốn hạ hoặc tỉa cành, nhằm bảo vệ an toàn nhà ở trong những tháng mùa mưa".
Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, cho biết, bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn còn phối hợp chặt chẽ với các ấp, khóm rà soát, thống kê và triển khai phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra.
Với phương châm “phòng là chính”, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp để thông tin kịp thời đến người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/de-phong-thien-tai-mua-mua-bao-a33171.html