Ðể vụ lúa - tôm năm nay thắng lợi

Ðể chủ động mùa vụ sản xuất lúa - tôm, hạn chế rủi ro diễn biến thời tiết và dịch bệnh trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa thông báo hướng dẫn lịch thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa cho sản xuất lúa - tôm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ tháng 10-12/2024, hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất 80-90% và có khả năng kéo dài sang các tháng đầu năm 2025. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-20%, mưa lớn diện rộng trong tháng 10, nửa đầu tháng 11, mùa mưa kết thúc khả năng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.

Sau khi mùa mưa kết thúc, vẫn còn nhiều ngày xuất hiện mưa trái mùa trong những tháng mùa khô cuối năm 2024, đầu năm 2025. Mùa mưa bão có khả năng kết thúc muộn, đến những tháng cuối năm vẫn có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông. Cần đề phòng những cơn bão, ATNÐ có khả năng di chuyển vào khu vực biển và đất liền khu vực Nam Bộ.

Từ tháng 10, mực nước trên các sông, rạch đạt giá trị cao nhất trong năm và ở mức tương đương cùng thời kỳ 2024. Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng ngọt hóa ở mức cao, tuy nhiên cần chủ động tích trữ nước trước khi mùa mưa kết thúc.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cảnh báo, phải đề phòng trong cơn dông kèm theo lốc xoáy, sấm sét và gió giật mạnh xuất hiện nhiều với cường độ mạnh, có thể gây thiệt hại cho cây trồng. Ðề phòng những đợt gió mùa Tây Nam mạnh gây thời tiết nguy hiểm trên biển và mưa lớn diện rộng trên đất liền trong tháng 10, nửa đầu tháng 11.

Nông dân áp dụng ném mạ vụ lúa - tôm đối với vùng đất trũng, không bằng phẳng. (Ảnh minh họa).

Nông dân áp dụng ném mạ vụ lúa - tôm đối với vùng đất trũng, không bằng phẳng. (Ảnh minh họa).

Ðể chủ động trong sản xuất, lịch thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa cho sản xuất lúa - tôm năm 2024 được hướng dẫn cụ thể như sau:

Bố trí lịch thời vụ xuống giống: Từ ngày 20/8-30/9/2024, thu hoạch vào giữa tháng 12/2024 đến giữa tháng 1/2025.

Phương pháp xuống giống: Sạ gát (hạt giống ngâm, ủ từ 24-30 giờ) áp dụng cho vùng đất gò, cao, tương đối bằng phẳng, đất được xới, trục, ít cỏ dại, bơm tháo nước tốt rửa mặn.

Cấy, ném: Áp dụng cho vùng đất bị trũng khó tháo nước, hoặc đất không bằng phẳng, làm mạ trước khi cấy, ném 17-20 ngày đối với nhóm lúa ngắn ngày và khoảng 25-30 ngày đối với nhóm lúa mùa.

Ông Quân lưu ý, người dân cần kiểm tra độ mặn trong ruộng thường xuyên, nhất là thời điểm chuẩn bị xuống giống, chỉ gieo sạ hoặc cấy, ném mạ khi độ mặn trong ruộng thấp dưới 2%, để đảm bảo lúa phát triển bình thường.

Về cơ cấu giống lúa, chọn giống lúa cao sản đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, giống thích ứng với điều kiện phèn mặn, năng suất cao, chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhóm giống lúa chất lượng cao, gồm các giống: OM5451, OM18, CAMAUI, Hương Châu 6... Nhóm giống lúa thơm đặc sản, gồm các giống: ST24, ST25, Ðài thơm 8... Nhóm giống lúa chất lượng trung bình, gồm các giống: OM2517, BTE1, OM576 (Hầm trâu, siêu Hầm trâu)...

Riêng đối với những vùng quá khó khăn, đất đai trũng thấp, nhiễm phèn, chưa có điều kiện chuyển đổi sang các giống ngắn ngày, có thể sử dụng các giống lúa mùa địa phương để canh tác, như: Một bụi đỏ, Một bụi trắng, Một bụi bờ đìa...

“Cần bố trí thời vụ và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, tiểu vùng cụ thể, đặc biệt phải tổ chức sản xuất tập trung cho các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa hữu cơ. Tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi giống lúa mùa địa phương dài ngày (Một bụi đỏ, Một bụi trắng...) sang giống lúa cao sản ngắn ngày để rút ngắn thời vụ nhằm giảm thiệt hại cuối vụ khi có hạn hán, xâm nhập mặn, chỉ gieo cấy ở những vùng quá khó khăn chưa thể chuyển đổi. Ðể đảm bảo rửa mặn triệt để, đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân cắt vụ nuôi tôm, tranh thủ tháo nước rửa mặn liên tục khi có mưa”, ông Quân lưu ý./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/de-vu-lua-tom-nam-nay-thang-loi-a33421.html