Ebook lậu lan tràn khiến đơn vị xuất bản chính thống thất thu

Vi phạm bản quyền, ebook lậu đang là trở lực lớn với hoạt động xuất bản điện tử. Dự kiến, một trung tâm bảo vệ bản quyền sách sẽ được thành lập.

Vi phạm bản quyền là vấn nạn nhức nhối không chỉ của xuất bản Việt Nam. Đấu tranh chống ebook lậu, phát triển sách điện tử trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của đại biểu tại tọa đàm "10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012". Chương trình diễn ra sáng 9/8 tại TP.HCM

 Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - tại tọa đàm. Ảnh: Jolie Nguyễn.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - tại tọa đàm. Ảnh: Jolie Nguyễn.

Ý thức bản quyền thấp

Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In, Phát hành - cho biết đến nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.300 cơ sở in gia công, 550 doanh nghiệp phát hành có đăng ký giấy phép hoạt động và khoảng 14.000 đối tượng kinh doanh, phát hành nhỏ lẻ.

Đánh giá về những mặt được và cả những bất cập, tồn tại sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012, đại diện các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành đã có những trải lòng liên quan vấn đề sách điện tử, bản quyền xuất bản.

Đối với xuất bản phẩm điện tử, hiện nay có 13 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản ebook, 10 doanh nghiệp phát hành dịch vụ xuất bản phẩm này.

Là một trong những đơn vị tham gia xuất bản, phát hành ebook, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - tâm tư về lĩnh vực xuất bản điện tử mà Luật Xuất bản 2012 chưa bao quát hết.

Việc xuất bản, phát hành ebook có những thuận lợi cơ bản khi định dạng này nhận sự quan tâm nhất định từ độc giả; đây cũng là xu thế tất yếu của thời công nghệ 4.0. Ebook góp phần làm phong phú các loại hình xuất bản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho độc giả.

Bà Thủy cũng nêu những hạn chế, khó khăn trong quá trình hoạt động thực tiễn. Xuất bản sách điện tử cần nguồn kinh phí đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng dữ liệu, quản lý. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ khiến hạ tầng dữ liệu sau một thời gian sẽ bị lạc hậu.

Vấn nạn vi phạm bản quyền, ebook lậu lan tràn trên không gian mạng khiến các đơn vị xuất bản chính thống, hợp pháp bị lao đao, mất nguồn thu. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn lỏng lẻo.

Nhu cầu đối với audiobook đang tăng mạnh, cần có những quy định cụ thể hướng dẫn các đơn vị trong việc phát triển thị trường đầy tiềm năng này.

Cùng quan tâm vấn đề này, ông Lê Thanh Hà - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng ý thức bản quyền tác phẩm ở Việt Nam còn rất thấp.

Ông Hà dẫn chứng nhiều tác giả còn chưa phân định được đúng, sai về vấn nạn bản quyền. Khi thấy sách của mình trôi nổi trên mạng dưới dạng ebook, audio book lậu thì thay vì bức xúc, một số tác giả lại vui mừng cho rằng nhờ thế tác phẩm được nhiều người biết đến.

Bà Nguyễn Thị Diệu Uyên, đại diện văn phòng Nhà xuất bản Đại học Oxford tại Việt Nam, bày tỏ sự lo lắng về vấn nạn vi phạm bản quyền khi nhiều sách của đơn vị bà bị photocopy hoặc scan để bán. Bà Uyên mong Hội Xuất bản Việt Nam sẽ là tổ chức hỗ trợ các đơn vị xuất bản nước ngoài tại Việt Nam trong việc đấu tranh chống xâm phạm bản quyền.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết vi phạm bản quyền sách không chỉ ở Việt Nam mà là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Để có biện pháp bảo vệ bản quyền tốt hơn, dự kiến Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách.

 Không chỉ là nơi phát tán ebook lậu, không gian mạng xã hội còn là nơi tiếp tay cho sách giả lưu thông. Ảnh: Quỳnh Trang.

Không chỉ là nơi phát tán ebook lậu, không gian mạng xã hội còn là nơi tiếp tay cho sách giả lưu thông. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tập hợp ý kiến để đề xuất bổ sung, sửa đổi luật

Những vấn đề liên quan đến liên kết xuất bản, hoạt động chuyên môn cũng được đại diện các nhà xuất bản chia sẻ. Ông Đỗ Văn Biên - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP.HCM - đề cập đến câu chuyện chuyên môn, chứng chỉ hành nghề biên tập của biên tập viên.

Các lớp học để cấp chứng chỉ hành nghề rất hữu ích, thiết thực về luật, nghiệp vụ với người làm công tác biên tập. Tuy nhiên, đối với vấn đề xét vi phạm trong biên tập, cần xét kỹ các yếu tố sai phạm đơn thuần về mặt kỹ thuật, và việc sai phạm có động cơ, mục đích xấu. Nên có những quy định, hướng dẫn rõ ràng để đảm bảo việc đánh giá, xử phạt có lý, có tình đối với từng mức độ sai phạm.

Ông Biên cũng mong muốn trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà xuất bản, cần quan tâm sâu sát hơn. Có lộ trình đào tạo, tinh lọc, từ đó công tác cán bộ được phù hợp, tìm ra cá nhân đủ năng lực, phẩm chất phù hợp lãnh đạo nhà xuất bản do đây là lĩnh vực văn hóa đặc thù.

Những câu chuyện về phí xuất bản, khai thác bản quyền sách nước ngoài cũng như mô hình hoạt động của nhà xuất bản... được đề cập. Đại biểu dự hội nghị phân tích những thuận lợi, khó khăn để tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Nguyên, ý kiến đóng góp, chia sẻ và thảo luận của các đơn vị tham gia tại tọa đàm này rất hữu ích, là tư liệu quan trọng để Cục Xuất bản, In và Phát hành tổng hợp, đề xuất đối với việc bổ sung, sửa đổi Luật Xuất bản thời gian tới.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ebook-lau-lan-tran-khien-don-vi-xuat-ban-chinh-thong-that-thu-post1343853.html