ECB dự kiến giữ nguyên lãi suất khi xung đột thương mại che mờ triển vọng kinh tế

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày thứ Năm, tạm dừng chuỗi 7 lần cắt giảm liên tiếp để chờ đợi những bất định xung quanh quan hệ thương mại giữa châu Âu và Mỹ được làm sáng tỏ.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde

Chủ tịch ECB Christine Lagarde

ECB đã cắt giảm một nửa lãi suất chính sách, từ 4% xuống còn 2% chỉ trong vòng một năm, sau khi kiểm soát được làn sóng lạm phát tăng vọt do hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Với lạm phát hiện đã trở lại mức mục tiêu 2% và được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định, các nhà hoạch định chính sách của khu vực đồng euro nhiều khả năng sẽ "đứng ngoài quan sát", và chờ xem chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp mức thuế nào lên hàng hóa EU sau thời hạn đàm phán ngày 1/8.

“ECB được kỳ vọng sẽ giữ nguyên chính sách trong tuần này, khi bất định vẫn bao trùm và chưa có dấu hiệu về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU”, Christophe Boucher, Giám đốc đầu tư tại ABN AMRO Investment Solutions, nhận định.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Eu - Mỹ diễn ra căng thẳng và khó đoán, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách. Tổng thống Trump đe dọa áp mức thuế 30% lên hàng xuất khẩu của EU, cao hơn cả kịch bản tiêu cực nhất trong ba kịch bản ECB đưa ra hồi tháng trước, buộc Chủ tịch ECB Christine Lagarde và các thành viên Hội đồng điều hành phải cân nhắc giữa triển vọng tăng trưởng và lạm phát có thể giảm thấp hơn nữa.

Tuy nhiên, theo hai nhà ngoại giao, EU và Mỹ đang hướng đến một thỏa thuận với mức thuế phổ rộng khoảng 15% áp lên hàng hóa EU.

“Ngay cả trong kịch bản tích cực (thuế quanh mức 10%), chúng tôi vẫn thấy dư địa để ECB nới lỏng thêm, khi quá trình giảm phát đang lan rộng”, chuyên gia kinh tế khu vực châu Âu của MUFG, Henry Cook nói.

Giới đầu tư hiện kỳ vọng ECB sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào cuối năm, có khả năng vào tháng 12.

Một số thỏa thuận thương mại gần đây có thể làm khuôn mẫu cho EU, bao gồm mức thuế 15% với Nhật Bản, 20% với Indonesia và 10% với Anh (nước có thâm hụt thương mại với Mỹ).

“Một điểm then chốt là các mức thuế có xu hướng cao hơn và đa dạng hơn so với giả định cơ bản 10% đồng đều mà nhiều người từng cho là điểm kết thúc của đàm phán”, trưởng bộ phận kinh tế các thị trường phát triển tại BNP Paribas, Paul Hollingsworth nhận định.

ECB cho rằng thuế quan từ Mỹ sẽ kéo giảm tăng trưởng và nếu không có động thái đáp trả từ EU sẽ khiến lạm phát suy yếu trong trung hạn. Kinh tế khu vực đồng euro vốn đã gần như không tăng trưởng, và doanh nghiệp dù vẫn lạc quan đang bắt đầu cảm nhận tác động của thuế quan lên lợi nhuận.

“Rủi ro vẫn nghiêng về kịch bản tăng trưởng yếu hơn cho châu Âu”, nhóm chuyên gia của Deutsche Bank nhận định và thêm rằng: “Điều này đồng nghĩa với rủi ro giảm phát, đặc biệt nếu cú sốc thương mại lan sang thị trường lao động”.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tín dụng tại các ngân hàng đang gia tăng và sự bất định chính sách hiện chưa tác động đáng kể đến kinh tế hay thị trường tài chính. Sau đợt bán tháo ngắn hồi tháng 4, các nhà đầu tư đã dần quen với bất ổn thương mại, chỉ số chứng khoán châu Âu thậm chí tiệm cận mức đỉnh mới nhờ chính sách chi tiêu cởi mở hơn của Đức.

Thực tế, sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ, bao gồm việc ông Trump liên tục chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thu hút dòng vốn nước ngoài vào tài sản khu vực đồng euro, từng đẩy đồng euro lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2021, đạt 1,1829 USD đầu tháng này.

Thành viên Hội đồng ECB có quan điểm "diều hâu" - bà Isabel Schnabel, cảnh báo ngân hàng trung ương cần lưu ý đến áp lực giá từ thuế quan và cho rằng ngưỡng để tiếp tục hạ lãi suất là “rất cao”.

Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng euro khiến một số nhà hoạch định chính sách lo ngại, do điều này có thể làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của châu Âu và gây áp lực giảm lạm phát.

“Chúng tôi kỳ vọng bà Christine Lagarde sẽ giữ giọng điệu trấn an và nhấn mạnh rằng ECB không nhắm đến điều hành tỷ giá, nhưng sẽ xử lý bất kỳ áp lực giảm phát nào nếu cần thiết”, Julien Lafargue, chiến lược gia trưởng tại Barclays Private Bank bình luận.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ecb-du-kien-giu-nguyen-lai-suat-khi-xung-dot-thuong-mai-che-mo-trien-vong-kinh-te-167766.html