Hàn Quốc, Mỹ cam kết đạt thỏa thuận cùng có lợi trước hạn chót
Đàm phán thương mại giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục với mục tiêu đạt được thỏa thuận về thuế quan trước hạn chót ngày 1-8.

Chánh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Yong-beom (trái) cùng Cố vấn An ninh quốc gia Wi Sung-lac tại họp báo về đàm phán thuế quan với Mỹ ngày 25-7. Ảnh: Yonhap
Ngày 25-7, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc xác nhận, quốc gia này sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để có thể đạt được thỏa thuận thuế quan, trước khi Mỹ chính thức áp thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào đầu tháng 8.
Tại họp báo cùng ngày, ông Kim Yong-beom, Chánh Văn phòng Tổng thống phụ trách chính sách cho biết, nội dung đàm phán tập trung vào một số vấn đề chính như đầu tư, tiếp cận thị trường nông sản… trong bối cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực tránh kịch bản bị áp thuế 25%, bằng cách đạt được một thỏa thuận toàn diện về hợp tác công nghiệp, đầu tư, mua sắm và an ninh.
Trước đó, Bộ trưởng Công nghiệp Kim Jung-kwan và Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tại Washington. Theo kế hoạch dự kiến, hai quan chức này sẽ tiếp tục đàm phán với ông Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer trong ngày 25-7.
Ông Kim Yong-beom nhấn mạnh, Hàn Quốc và Mỹ đều đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như đóng tàu và chất bán dẫn, nhất trí xây dựng các biện pháp cụ thể và cam kết đạt được một thỏa thuận cùng có lợi trước thời hạn ngày 1-8.
Chánh Văn phòng Tổng thống cũng lưu ý, phái đoàn đàm phán Hàn Quốc kêu gọi Mỹ nới lỏng thuế quan theo từng ngành, đặc biệt là thuế quan đối với ô tô, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ sản xuất song phương.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Wi Sung-lac, các cuộc đàm phán trong lĩnh vực an ninh “tương đối ổn định” so với các lĩnh vực khác. Quan chức này cũng kỳ vọng, những tiến triển trong lĩnh vực an ninh có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với các cuộc đàm phán rộng hơn.
Hiện tại, Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong các cuộc đàm phán khi Nhật Bản, một trong những quốc gia cạnh tranh xuất khẩu lớn của nước này, gần đây đã ký kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Với thỏa thuận kể trên, thuế đối ứng của Mỹ nhằm vào hàng hóa Nhật Bản đã giảm từ 25% xuống mức 15%. Đổi lại, Nhật Bản mở cửa thị trường cho ô tô và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, cùng cam kết đầu tư 550 tỷ USD để hỗ trợ tái thiết và mở rộng các ngành công nghiệp trọng yếu của xứ Cờ hoa.
(Theo Yonhap)