ECB 'ra tay' với lãi suất để 'dập lửa' lạm phát
Tại cuộc họp vào ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh chưa từng có nhằm hạ nhiệt lạm phát ở mức cao kỷ lục khiến người tiêu dùng gặp khó khăn và kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái.
Hội đồng điều hành ECB quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, trong khi thường chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm và chưa từng tăng lãi suất ở mức này kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Việc tăng mạnh lãi suất nhằm tăng chi phí đi vay của người dân, các chính phủ và doanh nghiệp, điều mà về lý thuyết sẽ làm giảm tốc độ chi tiêu và đầu tư và hạ nhiệt lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu hàng hóa.
Các nhà phân tích cho rằng, động thái tăng lãi suất cũng nhằm nâng cao uy tín của ECB, sau khi ngân hàng này đánh giá không đúng về thời gian và mức độ gia tăng lạm phát.
Sau khi tăng lên mức kỷ lục 9,1% vào tháng 8, các nhà kinh tế nhận định, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) có thể lên đến hai con số trong những tháng tới.
Theo các nhà kinh tế, việc ECB tăng lãi suất có thể làm nghiêm trọng thêm suy thoái ở kinh tế ở châu Âu vào cuối năm nay và đầu năm tới theo dự báo, do giá cả từ hàng tiêu dùng đến năng lượng đều tăng.
Giá năng lượng đã vượt tầm kiểm soát của ECB, nhưng ngân hàng này cho rằng, tăng lãi suất sẽ ngăn chặn lạm phát được cho là lý do cho việc tăng lương.
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg Holger Schmieding cho rằng, giá năng lượng và các chương trình hỗ trợ của chính phủ cho người tiêu dùng sẽ có tác động lớn hơn đến lạm phát và mức độ nghiêm trọng của suy thoái (nếu xảy ra) lớn hơn so với chính sách tiền tệ.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ecb-ra-tay-voi-lai-suat-de-dap-lua-lam-phat-197487.html