Ecuador thu lợi kép với lô vũ khí cũ của Liên Xô
Kiev có thể nhận vũ khí cũ thời Liên Xô từ Ecuador, bao gồm trực thăng Mi-17, Grad MLRS, tên lửa phòng không Osa, Igla MANPADS, súng phóng lựu…
Ở Ecuador, tình hình đã tạm thời lắng dịu sau một tuần phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tình trạng xung đột vũ trang trong nước.
Quân đội và cảnh sát nước này đã cơ bản trấn áp được các trung tâm bất ổn chính do các băng nhóm tội phạm ma túy gây ra.
Tuy nhiên, tại một số khu vực của thủ đô Quito, các trận chiến cục bộ vẫn đang diễn ra giữa lực lượng an ninh và các tay súng của hàng loạt nhóm tội phạm.
Trong bối cảnh đó, truyền thông Nga dẫn tuyên bố của Đại sứ quán nước này tại Ecuador cho biết, Mỹ quyết định lợi dụng tình hình bất ổn ở Ecuador để hỗ trợ thêm cho chính quyền Kiev một số trang bị, vũ khí cũ từ thời Liên Xô.
Tổng thống quốc gia Nam Mỹ này là ông Daniel Noboa hôm 11/01/2024 cho biết, Washington sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Ecuador 200 triệu USD dưới dạng cung cấp vũ khí mới, hiện đại hơn cho quân đội nước này, để đổi lấy vũ khí hiện có của Liên Xô và Nga sản xuất.
Theo người đứng đầu Nhà nước Ecuador, thực hiện thỏa thuận này sẽ khiến Quito thu lợi kép, khi đổi lấy vũ khí cũ, quân đội nước này sẽ nhận được trang thiết bị mới hiện đại hơn.
Được biết, các quân, binh chủng trong Quân đội Ecuador được trang bị một số vũ khí Liên Xô như: Máy bay trực thăng Mi-17, MLRS BM-21 Grad, hệ thống tên lửa phòng không Osa, MANPAD Igla, súng phóng lựu, cùng rất nhiều đạn dược và phụ tùng thay thế cho trang bị.
Đại sứ quán Nga tại Quito đã phản hồi ý định của Daniel Noboa, gọi đó là một “bước đi không thân thiện”.
Cơ quan ngoại giao Nga ở Ecuador nhấn mạnh rằng, Mỹ không cần tới những thiết bị này, mà thực chất là lấy chúng về để cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Trong một động thái có liên quan, trong mấy ngày qua hàng loạt quan chức Washington như Ngoại trưởng Antony Blinken hay người đứng đầu CIA William Burns đã tới thủ đô Athens, để thúc giục phía Hy Lạp gửi vũ khí tới giúp đỡ Lực lượng vũ trang Ukraine.
Tờ NewsBreak cho biết, ông Blinken cho chính quyền Hy Lạp vài ngày để phản hồi đề nghị này, nhưng Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng, việc hỗ trợ thêm cho Ukraine có thể làm suy yếu đáng kể sức mạnh quân sự của Athens và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Theo tờ báo này, mục tiêu của các quan chức cấp cao Mỹ là thuyết phục chính quyền Hy Lạp chuyển giao 3 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của không quân nước này cho Ukraine, bổ sung thêm vào số 8 chiếc F-16 của Thụy Điển và Hà Lan đã tới Romania trước đó.
Theo kế hoạch, vào tháng 3, các phi công của Lực lượng Không quân sẽ bắt đầu chuyến bay đầu tiên trên lãnh thổ Ukraine, bắt đầu từ Ba Lan và Romania, để thực hành tương tác với hệ thống radar của Lực lượng Vũ trang Ukraine và NATO cũng như kiểm tra hoạt động trinh sát điện tử.